Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 1
Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 2

“Dù áp dụng chính sách nào đi chăng nữa cũng nên vì đại cục, phải xem xét đến lợi ích của 100 triệu dân. Chính sách được đưa vào phải giúp sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo ra dòng chảy tài chính và nguồn lực cho nền kinh tế, chứ không phải bổ sung thêm sắc thuế mới, chính sách thuế mới lại khiến người dân tiếp tục ôm tiền đi mua vàng để dự trữ. Chính sách thuế cổ xuý cho việc đó là một chính sách thuế thất bại.

Tôi cho rằng hệ thống chính sách thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và mua bán vàng hiện nay tương đối đầy đủ, chỉ có điều chúng ta quản lý thế nào, để đảm bảo công bằng giữa người bán, người mua và những người có liên quan, quản lý thuế ra sao để không thất thu, tránh tình trạng cửa hàng vàng bán ra 100 lượng vàng song chỉ khai báo thuế 20-30 lượng. Họ trốn về doanh số, trốn về thu nhập nghĩa là cơ quan thuế có lỗi với người dân, với Nhà nước do chúng ta chưa quản lý tốt. 

Để quản lý thuế thị trường vàng, tôi cho rằng cần nhiều biện pháp, trong đó cần xuất phát từ chính nhu cầu của người dân. Tôi quan sát thấy tất cả những người dân, dù mua ít hay nhiều, đều yêu cầu lấy hóa đơn của các tiệm vàng. Bởi người dân hôm nay mua, ngày mai lại bán và hóa đơn của đơn vị bán vàng như một chứng chỉ bảo đảm rằng họ mua đúng hàng của cửa tiệm nào và khi muốn bán lại, cửa hàng sẽ mua với giá tốt hơn. Đây là một thực tiễn tôi quan sát thấy trong mấy chục năm nay.

Hiện nay, Nhà nước quy định về việc bắt buộc áp dụng hóa đơn, hóa đơn điện tử hay hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền để chuyển dữ liệu về cơ quan thuế. Cơ quan thuế các cấp đang rất nỗ lực vận hành hệ thống hóa đơn điện tử.

Hơn nữa, để quản lý hiệu quả hơn, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, riêng ngành thuế không thể tự mình làm được. Cơ quan thuế rất cố gắng nhưng cơ sở dữ liệu có hạn, quyền lực không có. Vì vậy, tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước cùng hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu để giúp cho cơ quan thuế, Nhà nước quản lý và nắm bắt được doanh số giao dịch vàng. Quản lý được doanh số sẽ tăng được nguồn thu vào ngân sách nhà nước, chứ chưa cần thiết phải thêm một loại thuế khác.

Ngoài vai trò, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách, việc quản lý thuế hiệu quả còn cần nắm được đối tượng giao dịch vàng, số lượng mua bao nhiêu, khi nào. Nếu có dữ liệu này sẽ đóng góp vào cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia, cùng công cụ khác giúp quản lý xã hội tốt hơn, tăng cường công tác phòng chống rửa tiền”.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 3

“Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa cho phép đầu tư vàng mà (i) coi vàng miếng là tiền tệ, đó là vàng ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước quản lý và (ii) vàng trang sức là một loại hàng hóa. Ở góc độ thứ nhất, không thể đánh thuế vào tiền. Ở góc độ thứ hai, vàng bị đánh thuế đầy đủ như các loại hàng hóa khác. Nếu muốn mở rộng cơ sở thuế đối với vàng thì Nhà nước sẽ phải nghiên cứu và điều chỉnh nhiều luật, phải coi vàng như một loại đầu tư, phải tạo kênh đầu tư vàng.

Theo tôi, quản lý thị trường vàng phải hướng đến ba vấn đề chính: (i) quản lý vàng vật chất như một loại hàng hóa thì phải có tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác như thế nào; (ii) quản lý hóa đơn đầu vào, đầu ra; (iii) quản lý dòng tiền thông qua quy định thanh toán không dùng tiền mặt khi mua, bán vàng.

Hiện nay, trên thị trường, không kể những đơn vị kinh doanh vàng miếng là ngành nghề có điều kiện, được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước,… còn có rất nhiều tiệm vàng nhỏ là những hộ kinh doanh. Thông thường, việc xuất hóa đơn mua bán vàng ở các hộ kinh doanh không được thực hiện nghiêm, bởi nhiều trường hợp người dân cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Với hộ kinh doanh vàng, việc kê khai thuế sẽ thực hiện theo ba phương pháp, đó là: kê khai thuế, thuế thu nhập phát sinh và thuế khoán. Trong đó, hai trường hợp kê khai thuế và thuế thu nhập phát sinh phải xuất hóa đơn theo quy định, còn thực hiện phương pháp thuế khoán thì không.

Do đó, ngành chức năng cần có hướng dẫn rõ ràng về các quy định liên quan đến việc xuất hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế để các hộ kinh doanh vàng đang áp dụng phương pháp thuế khoán thực hiện. Việc quản lý chặt chẽ hóa đơn đầu vào – đầu ra sẽ giúp các cơ quan quản lý truy xuất được nguồn gốc của vàng, định danh vàng; nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống buôn lậu vàng.

Các cơ quan chức năng nên cân nhắc đề xuất quy định buộc chuyển khoản khi mua – bán vàng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt như vậy sẽ bổ trợ cho quản lý hóa đơn. Đề xuất yêu cầu giao dịch mua bán vàng phải thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp cho thị trường vàng trở nên minh bạch hơn về quản lý chuyên ngành, mà còn giúp cho công tác quản lý, thu nộp thuế tiết kiệm chi phí hành thu và tránh được các hiện tượng khai thiếu, trốn doanh thu...

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 4

Về bản chất, quản lý kinh doanh vàng cần được kiểm soát dưới hai góc độ là kiểm soát nguồn cung và kiểm soát giao dịch bán vàng ra thị trường, tức là đòi hỏi kiểm soát cả giao dịch vàng dưới hình thái vật chất. Vì vậy, một mặt, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát giao dịch vàng; mặt khác, cần kiểm soát giao dịch thanh toán, vì hai giao dịch này luôn phải song hành và có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Nếu chỉ kiểm soát riêng giao dịch vàng thực tế, mà không kiểm soát giao dịch thanh toán thì có thể có những “lỗ hổng” trong quản lý. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định kiểm soát giao dịch thanh toán vàng không dùng tiền mặt để bổ trợ cho công tác quản lý vàng trên thị trường là phù hợp.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật thuế mới chỉ quy định việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch có hóa đơn trên 20 triệu đồng mới được kê khai khấu trừ và tính vào chi phí. Vì vậy, theo quy định này thì việc điều tiết và quản lý giao dịch thanh toán mua bán vàng là chưa hợp lý với quy định của pháp luật hiện tại và như vậy không đạt được mục tiêu quản lý vĩ mô đối với hoạt động này.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh vàng thuộc quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước, nên việc quy định thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch mua bán vàng là quy định chuyên ngành thuộc thẩm quyền và phù hợp chức năng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời đạt được mục tiêu quản lý vĩ mô.

Việc thực hiện quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch vàng cần có lộ trình thực hiện, tính tới ngoại trừ những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh, mạnh kinh tế số và các giải pháp giúp người dân phủ sóng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các chương trình mở tài khoản, hỗ trợ mở tài khoản, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện và thấu hiểu các lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tạo được đồng thuận cao trong xã hội.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, Nhà nước cần lắng nghe những khó khăn và ghi nhận, hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng theo quy định, tránh ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh. Ngược lại, cần có những chế tài đủ mạnh, đủ răn đe những doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định của pháp luật, từ đó giúp cho chính sách sớm được thực thi hiệu quả”.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 5

“Các quốc gia trên thế giới từ lâu đã hình thành thị trường vàng thông qua các sàn giao dịch vàng. Từ đó, cơ quan quản lý, cơ quan thuế các nước thực hiện các hoạt động thu thuế thông qua các giao dịch trên các sàn. Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hay Trung Quốc đều đánh thuế giá trị gia tăng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư cá nhân có thu nhập cũng sẽ đánh thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, có thể thấy rõ sự tương đồng về việc áp dụng các mức thuế giữa Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, thuế chỉ là một trong những công cụ để quản lý thị trường vàng, không thể coi thuế là công cụ vạn năng để quản lý thị trường hay sàn vàng được.

Về các quy định của pháp luật trong việc ngăn ngừa trốn thuế và rửa tiền khi giao dịch vàng, bên cạnh Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng còn phải niêm yết giá, thực hiện theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Luật Phòng, chống rửa tiền cũng quy định mỗi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên đều phải báo cáo đến cơ quan chức năng để ghi nhận thông tin. Gần đây, khi có sự xuất hiện của hóa đơn điện tử, tất cả các giao dịch vàng bán ra thị trường đều phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế.

Như vậy, những quy định hiện nay trong các văn bản pháp luật sẽ giúp chống trốn thuế, thất thu thuế; đồng thời, ghi lại các dấu vết, chứng cứ để phòng, chống hoạt động rửa tiền sau này. Bởi muốn phòng, chống được hoạt động rửa tiền thì cần phải có dữ liệu.

Bên cạnh đó, gần đây Chính phủ đã ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đề ra nhiều biện pháp khác nhau đối với các công ty trung gian thanh toán; vai trò của của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng hay những hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đều giúp cho công tác phòng, chống rửa tiền.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 6

Về việc quản lý thị trường vàng, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những thành công và thất bại của việc quản lý thị trường vàng, chống tình trạng vàng hóa nền kinh tế từ các quốc gia. Nghị định 24 là biện pháp “chữa cháy” cho giai đoạn đó, song, qua 12 năm áp dụng, hiện giá vàng trong nước vẫn cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, dẫn đến người dân đổ xô đi mua vàng.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24, trong đó hướng đến việc xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không để có thể điều tiết và quản lý thị trường vàng. Bởi nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất, mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng.

Trên thế giới hiện có rất nhiều quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái, còn Việt Nam hoàn toàn không. Điều đó dẫn tới những hoạt động lừa đảo từ nước ngoài, thậm chí tại Việt Nam cũng lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái đó. Nếu không sớm có cơ chế quản lý sẽ có thêm nhiều người dân mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn vàng này. Điều đó gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tội phạm lừa đảo.

Cần lưu ý thêm về việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với sàn vàng trạng thái. Các cơ quan quản lý cũng nên xem xét Việt Nam có nên thừa nhận sàn vàng trạng thái là một thị trường hay không, để chúng ta đánh thuế”.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 7

“Về việc phòng, chống rửa tiền khi mua bán vàng, theo tôi có hai vấn đề.

Thứ nhất, nếu chỉ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt và hóa đơn mua, bán vàng là chưa đủ. Nhìn về dài hạn, mọi công dân có bất cứ một thu nhập nào đều phải kê khai một cách minh bạch. Khi đó mới có thể phát hiện ra được về vấn đề rửa tiền qua vàng, sở hữu chéo hay gửi người mua hộ.

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế trên tổng phương tiện thanh toán (M2) hiện nay vẫn cao, từ 9-11% trong khi cung tiền M2 khoảng 1,4 - 1,6 triệu tỷ đồng. Việc nhờ người khác mua hộ vài lượng vàng vẫn ghi đầy đủ hóa đơn, chứng từ là bình thường. Tất nhiên vẫn có những quy định trong việc mua bán vàng cần đáp ứng. Chỉ khi nền kinh tế có tỷ lệ tiền mặt trên tổng tiền phương tiện thanh toán rất thấp mới có thể kiểm soát được phòng, chống rửa tiền.

Thứ hai, về cơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ, ban, ngành, không thể dễ dàng xây dựng trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình. Việc giao cho cơ quan nào để tích hợp toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế, cơ sở của dữ liệu lớn (Big Data) và làm sạch dữ liệu như thế nào cũng là một bài toán không hề đơn giản. Về chia sẻ dữ liệu, các bên có sẵn sàng chia sẻ hay không?

Sắp tới, khi sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cần làm rõ việc “phân vai” và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành khi quản lý thị trường vàng.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 8

Cụ thể: một là, không nên duy trì lâu câu chuyện Nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nghị định 24 đã làm tốt, chống nguy cơ vàng hóa nền kinh tế, ổn định vĩ mô, song hiện tại không nên tiếp tục giữ những cơ chế độc quyền vàng. Bản chất đã là vàng 99,99% thì mọi doanh nghiệp đều như nhau, chỉ cần Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam có giám định và công nhận thương hiệu vàng đúng nguyên chất là được.

Hai là, “phân vai” các đơn vị quản lý. Theo kinh nghiệm từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khi quản lý riêng hai thị trường vàng ngoại hối và vàng kinh doanh sẽ rất tốt. Với Việt Nam cũng cần phân định rõ ràng, vàng với dạng hàng hóa lưu thông bình thường, vàng trang sức, vàng nhẫn đang “biến tướng” như hiện nay cũng cần có những quy định rất rõ sẽ thuộc về hàng hóa hay thuộc về dự trữ ngoại hối.

Nếu nhập khẩu vàng nguyên liệu thì đánh thuế giá trị gia tăng như bình thường, còn nhập khẩu vàng để dự trữ cho ngân hàng trung ương thì khác. Theo những lý thuyết về kinh tế, chỉ khi nào vàng đưa ra khỏi biên giới, trở thành vàng ngoại hối, ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ, ảnh hưởng đến ngoại tệ nhập vàng thì lúc đó ngân hàng trung ương quản lý.

Ba là, tính công khai minh bạch trong mua bán vàng. Cần hạn chế việc mua bán vàng bằng tiền mặt. Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả các giao dịch bằng vàng đều phải chuyển khoản, mọi giao dịch mua vàng đều lưu trong máy tính. Như vậy, ít người dám đứng ra để rửa tiền thay cho người khác. Cần phải bổ sung công cụ quản lý như hóa đơn, kết nối máy tính của các tiệm vàng với cơ quan thuế. Việc này đã và đang làm rất tốt nhưng cần triệt để, không để lọt trường hợp nào.

Bốn là, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Một điều rất đáng lo ngại là khi giá vàng trong nước tăng cao so với giá thế giới, Nhà nước chưa kịp can thiệp đã xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng về Việt Nam bán cho các tiệm vàng. Đây chính là những đối tượng nắm giữ lượng vàng rất lớn, điều tiết giá và gây loạn thị trường. Như vậy, cần có những biện pháp đồng bộ để đấu tranh hiệu quả với hiện tượng này”.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 9

“Tình trạng vàng hóa sẽ gây ra những tác hại rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là gây khó khăn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều muốn loại vàng ra khỏi lưu thông, bởi nếu như người dân cứ giữ vàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với đồng nội tệ.

Trong lịch sử phát triển của kinh tế thế giới, chúng ta đã chứng kiến những vấn đề nảy sinh từ chế độ bản vị vàng, sau đó chuyển sang hệ thống tiền tệ là bản vị đôla… Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang từng bước loại bỏ vàng ra khỏi lưu thông, tránh để vàng tác động tới nền kinh tế. Chẳng hạn, tại Anh và Mỹ, có những giai đoạn người dân nắm giữ vàng quá nhiều làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ.

Chính phủ Anh từng kiểm soát về số lượng khi cho phép mỗi người dân chỉ được sở hữu một lượng vàng nhất định. Với Chính phủ Mỹ, từ năm 1933 - 1971, họ kiểm soát bằng cách cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, còn được gọi là Pure Gold, hay vàng 99,99%. Người dân chỉ được phép sở hữu vàng trang sức theo quy định cụ thể, chỉ khoảng 75% hoặc 61%, không giống như vàng nhẫn ở Việt Nam là một dạng “lách luật” khi vàng nhẫn ở Việt Nam cũng lên đến 99%.

Vấn đề cốt lõi là nếu người dân vẫn xem vàng như một loại tiền tệ sẽ rất khó cho ngân hàng trung ương các quốc gia điều hành chính sách tiền tệ theo mong muốn và khó ổn định kinh tế vĩ mô.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng là những quốc gia tương tự Việt Nam khi người dân có thói quen tích trữ vàng, khi cưới hỏi đều tặng trang sức vàng làm của hồi môn. Trung Quốc có một lượng dữ trữ ngoại hối lớn nên không quá lo ngại. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng giống như Việt Nam, ở những thời điểm căng thẳng của nền kinh tế, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đều có biện pháp quản lý, kiểm soát người dân sở hữu vàng nguyên chất.

Như vậy, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cố gắng tìm kiếm những biện pháp, thậm chí là cực đoan như cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, vàng vật chất. Điều đó giúp đảm bảo tính ổn định của kinh tế vĩ mô và đảm bảo sức mạnh của đồng nội tệ”.

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 10

VnEconomy 09/07/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 28-2024 phát hành ngày 08/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chặn nguy cơ vàng hóa gây bất ổn nền kinh tế  - Ảnh 11