Châu Âu có thể thiếu khí đốt trong mùa đông cho tới ít nhất năm 2025?
Các nước châu Âu đang ra sức xoay sở để có đủ khí đốt cho mùa đông năm nay, nhưng giới chuyên gia cho rằng tình hình mùa đông năm sau có thể còn tồi tệ hơn...
Sự giảm sút, thậm chí là gián đoạn hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga sẽ khiến cho dự trữ khí đốt của châu Âu sụt giảm nhanh hơn khi nhiệt độ xuống thấp trong những tháng sắp tới và khiến cho việc chuẩn bị cho những mùa đông tiếp theo trở nên khó khăn hơn nhiều.
Trước mắt, chưa có giải pháp nhanh chóng nào cho cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu, nên áp lực đối với khu vực này được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2025 - theo hãng tin Bloomberg.
“Châu Âu có thể gặp vấn đề lớn hơn trong mùa đông năm sau”, Giám đốc thương mại Niek Den Hollander của công ty năng lượng Đức Uniper SE phát biểu tại một hội nghị về khí đốt ở Italy trong tuần này. “Có khả năng các nước châu Âu sẽ không thể làm đầy dự trữ khí đốt trong mùa hè tới như đã làm được trong năm nay”.
Yêu cầu về hạ tầng để nhập khẩu LNG mới chỉ là một phần của vấn đề. Sản lượng LNG toàn cầu hiện đã thắt chặt và việc tăng công suất sản lượng có thể phải mất ít nhất 3 năm. Ngoài ra, châu Âu còn phải cạnh tranh với châu Á để giành giật nguồn cung khí đốt trong những năm tới.
Châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất 50 năm do bị Nga giảm mạnh lượng cung cấp khí đốt. Moscow nói rằng sự suy giảm nguồn cung này là do vấn đề kỹ thuật và trở ngại bắt nguồn từ chính các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Nga “vũ khí hoá” năng lượng để trả đũa lệnh trừng phạt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó các nước đã phân bổ hơn 300 tỷ Euro, tương đương 297 tỷ USD, để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bù đắp sự leo thang của chi phí năng lượng trong mùa đông này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là châu Âu sẽ tiếp tục xoay sở như thế nào khi các biện pháp này không còn tác dụng mà cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.
“Phải đến khoảng năm 2025-2027 giá khí đốt ở châu Âu mới có thể giảm về mức ở thời điểm bắt đầu năm 2021”, ông Ed Morse - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu thuộc Citigroup - nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Ông Morse nhấn mạnh rằng năng lực xuất khẩu khí hoá lỏng (LNG) của các nhà cung cấp “không thể tăng chỉ sau một đêm”.
Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, châu Âu giờ đây đối mặt với một cuộc điều chỉnh đầy đau thương, khi các hộ gia đình phải hạn chế tiêu thụ năng lượng và doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất vì giá khí đốt tăng quá cao.
“Đỉnh điểm sẽ là sự phá huỷ nhu cầu. Mọi người sẽ phải thay đổi lối sống. Họ sẽ lái xe ít đi, sẽ bật sưởi ít hơn và bật điện ít hơn. Các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng sẽ phải cắt giảm sản lượng”, Chủ tịch Charif Souki của công ty khí hoá lỏng Tellurian phát biểu.
Mấu chốt của vấn đề là không dễ gì thay thế khí đốt Nga - nguồn cung đến năm 2021 đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Nga. Từ tuần trước, hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom “khoá van” vô thời hạn đường ống Nord Stream. Giới quan sát lo ngại đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine có thể là mục tiêu tiếp theo.
“Nếu Nga có chủ đích cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu, thì chắc chắn dòng khí đốt đi qua Ukraine sẽ là mục tiêu tiếp theo”, nhà phân tích Laura Page thuộc công ty dữ liệu năng lượng Kpler nhận định.
EU hiện đang thảo luận trần giá đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga, và biện pháp này là một phần của kế hoạch chưa từng có tiền lệ nhằm can thiệp vào thị trường năng lượng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ cắt hoàn toàn cung cấp năng lượng đối với những nước áp trần giá lên khí đốt và năng lượng Nga.
Cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề năng lượng gây áp lực buộc châu Âu phải tìm cách đa dạng hoá nguồn cung. Na Uy hiện là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu, nhưng nước này không có đủ công suất để bù đắp hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Các nhà cung cấp lân cận khác như Azerbaijan và Algeria cũng đối mặt những nút thắt tương tự.
Khí đốt hoá lỏng (LNG) có thể được nhập khẩu từ những nhà cung cấp ở xa như Mỹ và Qatar là một lựa chọn hứa hẹn. Đức - quốc gia ở vào vị thế dễ tổn thương nhất từ sự mất mát nguồn cung khí đốt Nga - đang nỗ lực để đưa vào hoạt động cảng LNG nổi đầu tiên của nước này sau vài tháng nữa.
Tuy nhiên, yêu cầu về hạ tầng để nhập khẩu LNG mới chỉ là một phần của vấn đề. Sản lượng LNG toàn cầu hiện đã thắt chặt và việc tăng công suất sản lượng có thể phải mất ít nhất 3 năm - theo Phó chủ tịch Colin Parfitt thuộc Chevron Corp.. Ngoài ra, châu Âu còn phải cạnh tranh với châu Á để giành giật nguồn cung khí đốt trong những năm tới.
Với nguồn cung khí đốt mà châu Âu có thể tiếp cận ngày càng ít đi, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ còn thắt chặt trong tương lai gần.
“Thị trường sẽ quay trở lại trạng thái bình thường hơn, nhưng việc đó đòi hỏi thời gian. Nguồn cung sẽ còn thắt chặt trong tương lai gần. Biến động giá năng lượng sẽ còn kéo dài”, Phó chủ tịch cấp cao Helge Haugane thuộc công ty năng lượng Na Uy Equinor ASA phát biểu.