17:51 09/09/2022

Thêm một công ty khí đốt Đức bị đẩy đến bờ vực sụp đổ

Phương Linh

Công ty khí đốt VNG của Đức chịu ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh, buộc công ty phải mua khí đốt từ các nguồn khác với mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường giao ngay...

Một áp kế tại công ty kinh doanh khí đốt VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức - Ảnh: Reuters
Một áp kế tại công ty kinh doanh khí đốt VNG AG ở Bad Lauchstaedt, Đức - Ảnh: Reuters

VNG - một trong những công ty nhập khẩu khí đốt tự nhiên Nga lớn nhất tại Đức - ngày 9/9 đã nộp đơn xin cứu trợ từ Chính phủ để duy trì tồn tại.

Đây là công ty năng lượng mới nhất tại Đức cầu cứu Chính phủ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do Nga siết nguồn cung khí đốt.

"Cho đến trước khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, VNG vẫn là một doanh nghiệp khỏe mạnh, đóng góp vào an ninh nguồn cung khí đốt của Đức”, VNG - công ty có hơn 74% thuộc sở hữu của tập đoàn tiện ích EnBW - cho biết. "Tác động của cuộc chiến tranh này lên thị trường năng lượng đã đẩy VNG vào tình trạng tài chính ngày càng nghiêm trọng mà lỗi không phải do chúng tôi”.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết Bộ này sẽ xem xét đơn xin cứu trợ của VNG.

Hồi tháng 7, công ty tiện ích khổng lồ Uniper của Đức cũng đã nhận được một gói cứu trợ trị giá tổng cộng 19 tỷ Euro (19,18 tỷ USD) để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Cũng giống Uniper, VNG chịu ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh, buộc công ty phải mua khí đốt từ các nguồn khác với mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường giao ngay.

VNG có 2 hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga, cung cấp tổng cộng 100 terawatt giờ (TWh). Trong đó, một hợp đồng 35 TWh ký trực tiếp với tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga và sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Theo VNG, hợp đồng này có thể sẽ dẫn tới khoản lỗ khoảng 1 tỷ Euro trong năm 2022, kể cả khi các công ty năng lượng Đức được phép chuyển phần chi phí tăng lên sang cho khách hàng từ ngày 1/10. Tuy nhiên, khoản lỗ này vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của công ty.

Vấn đề lớn hơn nằm ở hợp đồng 65 TWh với Sefe – trước đây có tên Gazprom Germania, bị Gazprom từ bỏ hồi tháng 4 và sau đó do Chính phủ Đức tiếp quản.

“Hợp đồng này đã không được thực hiện một cách nhất quán kể từ giữa tháng 5 và việc này dường như khó có thể đạt dược trong tương lai gần theo một hình thức mang lại hiệu quả về mặt kinh tế cho VNG”, công ty Đức cho biết.

Việc các hợp đồng không được thực thi đồng nghĩa VNG phải mua khí đốt từ nguồn khác với giá cao hơn đáng kể. Nhưng sau đó, họ lại phải cung cấp cho khách hàng với giá thấp hơn nhiều theo điều khoản trong hợp đồng từ trước. Điều này khiến VNG rơi vào cảnh thiếu tiền mặt trầm trọng.

Công ty mẹ EnBW tháng trước ước tính tổng thiệt hại từ hai hợp đồng này lên vài tỷ Euro.

Theo thông cáo của EnBW, việc xin cứu trợ từ Chính phủ nhằm duy trì hoạt động cho công ty, đồng thời giải quyết khoản lỗ lũy kế hiện tại và phát sinh từ việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt.

"Các cuộc thảo luận giữa VNG với cổ đông và chính phủ vẫn đang diễn ra, nhằm bàn về phương án bình ổn hoạt động cho công ty", thông cáo của EnBW.

Sau khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga đã liên tục giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu, khiến giá mặt hàng này tăng vọt.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/9 đề xuất áp một trần giá đối với khí đốt Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo sẽ cắt toàn bộ cung cấp năng lượng nếu EU có một động thái như vậy. Những diễn biến căng thẳng này đẩy cao nguy cơ một số quốc gia thuộc hàng giàu nhất thế giới phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông 2022.

Châu Âu cáo buộc Nga dùng năng lượng làm “vũ khí” để trả đũa sự trừng phạt mà EU áp lên Nga liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Moscow phủ nhận cáo buộc này, nói rằng việc giảm cung cấp khí đốt chẳng qua do vấn đề kỹ thuật và do những trở ngại xuất phát từ chính các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.