07:00 17/10/2024

Chính phủ dự kiến trả nợ gần 470 nghìn tỷ đồng năm 2025, một chỉ tiêu an toàn nợ công sát trần

Ánh Tuyết

Năm 2025, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 468.542 tỷ đồng, cao hơn gần 40% mức trung bình 4 năm trước đó. Theo tính toán, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24%, áp sát trần Quốc hội đề ra là 25%...

Tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 dự kiến ở mức 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay năm 2024.
Tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 dự kiến ở mức 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay năm 2024.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2024, dự kiến năm 2025, tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2025 dự kiến ở mức 815.238 tỷ đồng, tăng 20,6% so với kế hoạch vay của Chính phủ năm 2024.

NGHĨA VỤ TRẢ NỢ CỦA CHÍNH PHỦ SÁT MỨC TRẦN 25%

Trong đó, vay của ngân sách trung ương để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 804.242 tỷ đồng, tăng 21,9% so với dự toán năm 2024, còn lại là vay nước ngoài về cho vay lại. Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ gồm: phát hành Trái phiếu chính phủ, vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết sẽ huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.   

 

"Về nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, căn cứ danh mục nợ Chính phủ hiện hành, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ năm 2025, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 468.542 tỷ đồng, tương đương khoảng 24% thu ngân sách nhà nước. Trong đó trả nợ gốc khoảng 361.142 tỷ đồng, trả nợ lãi khoảng 107.400 tỷ đồng".

Báo cáo của Chính phủ.

Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 38.407 tỷ đồng (trả gốc khoảng 28.054 tỷ đồng, trả lãi khoảng 10.353 tỷ đồng).

"Trong cơ cấu trả nợ trực tiếp của Chính phủ, trả nợ trong nước dự kiến chiếm khoảng 87,5%, phần còn lại là trả nợ vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Nguồn trả nợ lãi được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, nguồn trả nợ gốc được bố trí từ huy động vay mới (từ nguồn vay trong nước)", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Báo cáo cũng nêu rõ về hạn mức bảo lãnh Chính phủ cho doanh nghiệp vay trong ngoài nước và cho các ngân hàng chính sách; về vay, trả nợ của chính quyền địa phương.

Dự kiến nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả, theo Chính phủ, trong năm 2025, dự kiến mức rút vốn ròng trung dài hạn khoảng 6,5 - 8 tỷ USD. Tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 10-15% so với cuối năm 2024, tương đương tốc độ tăng dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn trung bình 5 năm liền trước.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng để triển khai dự toán ngân sách nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 theo phương án Chính phủ đang báo cáo Quốc hội, dự báo đến cuối năm 2025, dư nợ công ở mức khoảng 36-37% GDP.

Chính phủ dự kiến trả nợ gần 470 nghìn tỷ đồng năm 2025, một chỉ tiêu an toàn nợ công sát trần - Ảnh 1

Dự kiến các chỉ tiêu an toàn nợ cuối năm 2025 khác như: nợ Chính phủ ở mức khoảng 34-35% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức khoảng 33-34% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24%, sát trần Quốc hội đề ra là 25%.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức khoảng 7-8%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép. 

NĂM GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN NỢ CÔNG

Chính phủ nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, để đạt được mục tiêu quản lý chặt chẽ nợ công, giữ vững an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể.

Một là, thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp về quản lý nợ công đã nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo công tác vay, trả nợ công trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; theo dõi chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đảm bảo trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo đã được Quốc hội quyết định; theo dõi, cập nhật biến động thị trường tài chính quốc tế, trong nước, nâng cao năng lực phân tích, dự bảo phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, rà soát, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt; các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ tập hợp, gửi hồ sơ giải ngân, đảm bảo chỉ đúng chế độ quy định.

Ba là, sử dụng linh hoạt các cơ chế chính sách công cụ phù hợp đúng quy định của pháp luật để đảm bảo hoàn thành mục tiêu huy động đủ nguồn lực trong và ngoài nước cho nhu cầu của ngân sách nhà nước.

Bốn là, tiếp tục rà soát các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật liên quan đến tài chính - ngân sách, đầu tư công, vay vốn ODA, ưu đãi nước ngoài để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các hoạt động vay, trả nợ và tuân thủ nguyên tắc phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không vay khi có các điều khoản trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng đồng bộ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Năm là, tiếp tục tăng cường tiếp xúc, quảng bá với nhà đầu tư Trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước, cải thiện hiệu quả công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng "Đầu tư" (theo lộ trình xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam), góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.