15:16 25/10/2022

7 danh mục nhiệm vụ, đề án hiện thực hoá Chiến lược nợ công đến năm 2030

Ánh Tuyết

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký Quyết định số 2132/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 tại Bộ Tài chính. Trong đó nêu rõ 7 danh mục nhiệm vụ, đề án để hiện thực hoá chiến lược...

Dự kiến đến năm 2030, nợ công của Việt Nam không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.
Dự kiến đến năm 2030, nợ công của Việt Nam không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

Theo đó, kế hoạch triển khai xác định các nhiệm vụ chủ yếu để các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược nợ công đến năm 2030 nhằm tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nợ công theo kế hoạch trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ thống nhất giữa kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công với kế hoạch vay trả nợ công, góp phần xây dụng nền tài chính quốc gia an toàn và bền vững.

Yêu cầu của kế hoạch là cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược nợ công đến năm 2030, đảm bảo khả thi, có kết quả rõ ràng và thống nhất với các nội dung hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các chiến lược ngành có liên quan.

Cũng trong Quyết định số 2132, Bộ Tài chính cũng nêu rõ 7 danh mục nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện; quy định chế độ báo cáo, tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết tổng kết và đánh giá rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược nợ công đến năm 2030.

Theo đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ quản lý nợ, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại có nhiệm vụ đánh giá Luật Quản lý nợ công 2017, đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý nợ công, hoàn thiện thể chế để triển khai có hiệu quả công tác quản lý nợ theo thông lệ quốc tế.

Về công khai, minh bạch về huy động, quản lý và sử dụng nợ công, nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại được giao báo cáo tình hình triển khai đề án Định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030; triển khai chiến lược tiếp xúc, duy trì quan hệ với thị trường vốn trong nước và quốc tế...

Nguồn: Kế hoạch triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 tại Bộ Tài chính.
Nguồn: Kế hoạch triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 tại Bộ Tài chính.

Kho bạc Nhà nước được giao chủ trì công việc phát hành trái phiếu chính phủ gắn với tái cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ theo hướng tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên khi thị trường thuận lợi.

Các đơn vị như Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Vụ Ngân sách nhà nước, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai các đề tài, nhiệm vụ liên quan: thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; công khai, minh bạch về huy động, quản lý và sử dụng nợ công, nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước và quốc tế; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra, giám sát...

 

Mục tiêu cụ thể Chiến lược đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.

Dự kiến đến năm 2030, nợ công của Việt Nam không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.