Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 1
Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 2

Xin ông cho biết chính sách đất đai đã có những đóng góp như thế nào trong quá trình thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp?

Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp những năm qua đã tạo ổn định trong tư liệu sản xuất chính là đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Định hướng đến năm 2030, đất sản xuất nông nghiệp cả nước có 27,73 triệu ha, trong đó đất trồng lúa 3,56 triệu ha (khoảng 3 triệu ha là đất chuyên lúa). Quy định về quản lý sử dụng đất lúa đã cho phép linh hoạt chuyển đổi đất lúa sang cây hàng năm và thủy sản. Từ năm 2013 đến nay đã chuyển đổi 500 ngàn ha, nhờ vậy, giá trị sản phẩm bình quân đất nông nghiệp năm 2020 đạt 100,2 triệu đồng/ha, tăng 1,3 lần so với năm 2013.

Đối với quy định về đất lâm nghiệp, đã rà soát, chuyển đổi một phần rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất; bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo; chi trả dịch vụ môi trường rừng; sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Về chính sách giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: đã tăng các quyền của người sử dụng đất, nâng thời gian giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất. Tỷ lệ hộ có chuyển nhượng đất 16,6%, tỷ lệ hộ có cho thuê đất nông nghiệp chiếm 7,1% (theo VARHS - bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam).

Đối với chính sách tài chính đất đai, đã có chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhờ đó, đã khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 3

Theo ông, còn những nút thắt nào về quy định pháp luật và chính sách đối với đất nông nghiệp?

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn. Quyền sử dụng đất nông nghiệp rất ít được bảo vệ đối với đất vượt hạn mức. Hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác; đất phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận không có tranh chấp. Thủ tục chuyển nhượng giữa các hộ, thủ tục cho doanh nghiệp thuê đất còn phức tạp. Chưa có quy định rõ ràng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác, còn tương đối cao so với lợi nhuận có thể tạo ra từ sản xuất nông nghiệp.

Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi quyền sử dụng đất lúa chỉ được thực hiện trong cùng một xã, phường, thị trấn (hay phải có hộ khẩu tại địa phương) và trực tiếp là hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp còn bị hạn chế, không được chuyển sang chăn nuôi.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý đối với các hộ không còn tha thiết sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh nên vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”, mặc dù đã ngừng canh tác. Chưa có chính sách cho hợp tác xã được thuê đất công ích, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã nông nghiệp được thuê đất làm trụ sở và sản xuất kinh doanh.

Hiện vẫn chưa có chính sách ưu tiên quỹ đất để xây dựng các khu chế biến nông sản; chưa có quỹ đất ổn định, lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu của các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản chủ lực.

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 4

Ông có những khuyến nghị, đề xuất nào đối với chính sách về đất nông nghiệp?

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên xây dựng quy hoạch sử dụng đất thống nhất. Cần công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch; quản lý, giám sát tốt hơn việc điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt và quá trình điều chỉnh phải được công khai; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cập nhật về thông tin quy hoạch của từng thửa đất, cho phép tra cứu (có thể thu phí); linh hoạt sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Đề nghị mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nghiên cứu hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến. Chính phủ cần xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau, tạo điều kiện phát triển thị trường chuyển nhượng hiệu quả.

Đề nghị Chính phủ giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp. Nên thay thế khung giá đất bằng xây dựng cơ sở dữ liệu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tham chiếu

Đối với Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực, cần số hóa dữ liệu về đất, đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai dùng chung giữa các cơ quan chính phủ. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ, thực sự đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 5

Luật Đất đai (sửa đổi) nên bỏ giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi trong cùng xã phường thị trấn; cần xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất nông nghiệp; xây dựng khung pháp lý bảo lãnh tín dụng dựa vào tài sản trên đất.

Cần quy định rõ ràng về hai trường hợp góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất. Đồng thời, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.

Cần hoàn thiện chính sách đất đai trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất như quyền tài sản với nguyên tắc vận hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân.

Đề nghị nới lỏng quy định cho phép các cá nhân, không nhất thiết phải là hộ nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa theo quy hoạch. Cần quy định trong Luật Đất đai những yêu cầu đối với việc bảo vệ đất canh tác nông nghiệp là đất trồng lúa có năng suất cao. Bổ sung chế tài để triển khai quy hoạch, giao đất và cho thuê đất đối với đất có mặt nước ven biển cho nuôi trồng thủy sản. Xây dựng dữ liệu địa chính về đất rừng, đảm bảo quy hoạch và quản lý hiệu quả đất rừng; nâng cao hiệu quả đất nông, lâm trường.

Cần mở rộng chứng nhận đối tượng tài sản trên đất được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như nhà kính, nhà lưới,…). Bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất; đối với diện tích đất này, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, lưu trữ, bảo quản nông sản).

Cần nghiên cứu đổi mới hoạt động của Trung tâm phát triển Quỹ đất làm nền tảng để xây dựng “Ngân hàng đất” hỗ trợ cho giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp.

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 6

VnEconomy 11/04/2023 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chính sách đất nông nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” - Ảnh 7