Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 1
Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 2

Thưa ông, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%; chỉ cao hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2020 khi nền kinh tế bị bao trùm bởi “bóng đen” đại dịch và gần chạm mức đáy của giai đoạn 13 năm. Vậy, nguyên nhân ở đây là gì?

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm thể hiện rất rõ nét sự khó khăn cả về tổng cầu và tổng cung. Về tổng cầu, những thành tố trong nửa đầu năm đều lộ rõ những hạn chế, khiến tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt thấp và khả năng tăng trưởng 6,5% khó tránh khỏi thách thức.

Cụ thể, thứ nhất, liên quan đến đầu tư, hiện đầu tư khu vực tư nhân đang sụt giảm rất mạnh, phản ánh những khó khăn rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, cả đầu vào lẫn đầu ra. Theo đó, đầu tư khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,1%, thấp nhất trong nhiều năm, giảm sâu hơn so với 2 năm 2020 – 2021, giai đoạn Covid-19.

Chi tiêu của khu vực công mặc dù tăng khá, bù đắp phần nào vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội khi đầu tư tư nhân tăng chậm nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Đến hết ngày 30/6, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 30,49% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối (2,74%) và số tuyệt đối (hơn 65 nghìn tỷ đồng, tăng 40%). Tính chung 6 tháng, đầu tư khu vực nhà nước tăng 12,6% so với cùng kỳ, tốc độ tăng cao nhất trong nhiều năm.

Trong khi đó, đầu tư từ khu vực FDI cũng giảm khi vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng này trong năm 2022 là 7,9%.

Thứ hai, liên quan đến khu vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với năm ngoái, đạt 164,45 tỷ USD, nhập khẩu có tốc độ giảm sâu hơn (18,2%), phản ánh những khó khăn rất lớn do nhu cầu từ bên ngoài giảm sút. 

Dù việc giảm nhập khẩu hỗ trợ tổng cầu nhưng lại phản ánh một điều rõ nét, đó là nền kinh tế đang suy giảm rất mạnh, bởi nguyên liệu sản xuất chiếm gần 90% kim ngạch nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc hay Hàn Quốc. Kim ngạch nhập khẩu giảm sâu hơn chứng tỏ khu vực doanh nghiệp rất khó khăn, không có đầu ra nên không có nhu cầu nhập khẩu đầu vào. Không phải cứ giảm nhập khẩu là yên tâm, chúng ta mong muốn thặng dư tốt, nhưng do đầu vào nền kinh tế hiện vẫn đang dựa vào thế giới nên việc nhập khẩu tăng, doanh nghiệp có nhu cầu đầu vào vẫn tốt hơn việc sụt giảm nhập khẩu.

Thứ ba, chi tiêu hộ gia đình cũng khó khăn. Tổng mức bán lẻ tăng tốt trong quý 1 nhưng giảm dần trong quý 2, phản ánh hai nhân tố chính ảnh hưởng đến chỉ tiêu này, đó là thu nhập và lạm phát. Dù theo công bố, lạm phát đang giảm nhưng chi tiêu có vẻ ngày càng co hẹp.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 3

Như ông đánh giá, tổng cầu trong nước đang giảm sút do đà tăng trưởng chậm. Vậy, vấn đề này tác động đến tổng cung ra sao, thưa giáo sư?

Với tổng cung, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn cả về chi phí đầu vào và bế tắc đầu ra, thiếu hụt đơn hàng, khiến sản xuất kinh doanh cầm chừng. Điều này rõ nét nhất trong khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 2/2023 chỉ tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm trên 74% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế) lại giảm nhẹ 0,4%, mức giảm này dù thu hẹp so với mức giảm 2,9% của quý 1 nhưng vẫn ở mức thấp.

Cùng với đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam dù cải thiện trong tháng 6 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm nhiều tháng liên tiếp, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm, giá bán giảm với tốc độ nhanh.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 4

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, những điểm nào trong điều hành chính sách tài khóa để lại nhiều dấu ấn và đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thưa ông?

Các chính sách hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân ban hành thời gian qua vô cùng đúng đắn. Tuy nhiên, chính sách tài khóa bao giờ cũng có độ trễ lớn hơn so với chính sách tiền tệ, vì vậy, tôi dành nhiều kỳ vọng trong 6 tháng tiếp theo, chính sách sẽ thẩm thấu vào doanh nghiệp tốt hơn.

Bên cạnh chính sách về giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp, do trong mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư nhưng hiện khu vực đầu tư tư nhân đang dần thu hẹp, do đó, thời gian tới cần dựa rất nhiều vào đầu tư công. Mở rộng chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công, như vậy, trong 6 tháng tới, đầu tư công phải là một trong những điểm nhấn, cần được tập trung nâng cao chất lượng và quy mô để làm bệ đỡ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn cần chính sách vực dậy tổng cung về dài hạn.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 5

Về chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành được hạ bốn lần, ngược chiều với thế giới, ông nhận định ra sao về động thái này của Ngân hàng Nhà nước và điều này tác động như thế nào tới nền kinh tế?

Trong 6 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và chủ động để hỗ trợ nền kinh tế, rõ nét nhất là hạ mặt bằng lãi suất và tìm cách gia tăng tín dụng cho nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 6 tháng qua, tăng trưởng cung tiền thấp, khi tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn thời kỳ Covid-19. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng giảm một nửa so với cùng kỳ khi tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng kỳ năm trước tăng 8,51%).

Điều này phản ánh rằng dù có chính sách tiền tệ hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất, nhưng sản xuất vẫn rất khó khăn và mức độ hấp thụ của các doanh nghiệp rất kém. Điều này có nghĩa, để có thể hỗ trợ tổng cầu, điểm mấu chốt cần phải tập trung hiện nay có lẽ không phải là lãi suất.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 6

Có thể thấy, trước mắt, động lực tăng trưởng từ tổng cung lẫn tổng cầu đều suy giảm, tuy nhiên, vẫn có những yếu tố triển vọng, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận một số kết quả tích cực và là những bệ đỡ quan trọng cho phục hồi kinh tế nửa cuối năm 2023. Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tỷ giá ổn định góp phần kiểm soát lạm phát. Lạm phát đang có xu hướng giảm dần nhờ hỗ trợ từ thế giới khi giá đầu vào thế giới đang chững lại, cũng là một điểm sáng.

Dù vậy, lạm phát lõi giảm chậm, phản ánh vẫn còn rủi ro. Xuất nhập khẩu dù sụt giảm nhưng vẫn có thặng dư 12,25 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước. Cơ bản khó khăn hiện nay liên quan đến khu vực doanh nghiệp, khó khăn từ đầu vào đến đầu ra và cần tập trung tháo gỡ.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 7

Để thúc đẩy phục hồi tổng cầu lẫn tổng cung và đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn, khởi sắc về tốc độ tăng trưởng cuối năm 2023, ông đưa ra những đề xuất gì?

Điều hành chính sách trong 6 tháng đầu năm vẫn chủ yếu thiên về chính sách tiền tệ như hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, như phân tích nêu trên, trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh các chính sách tiền tệ hỗ trợ các doanh nghiệp, nên tập trung nhiều hơn nữa về chính sách tài khóa và chính sách tài khóa là trọng tâm để hỗ trợ kinh tế.

Bên cạnh đó, hiện trong cấu phần của tổng cầu, hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc vào ngoại lai và chịu biến động từ kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và rất khó khăn, vì vậy, cần cố gắng tập trung vào những thành tố có thể kiểm soát được.

Thứ nhất, đầu tư công sẽ là một điểm nhấn. Để kích thích đầu tư tư nhân, cần thực hiện các chính sách thuế tùy mức độ thẩm thấu của doanh nghiệp và có độ trễ. Riêng đầu tư công, Chính phủ có thể tập trung và trực tiếp đẩy mạnh. Do đó, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khu vực đầu tư công phải là đầu tàu và bệ đỡ cho tăng trưởng.

Tuy nhiên, dù tốc độ giải ngân cao hơn thời gian trước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch. Vì vậy, cần tăng chất lượng cũng như quy mô đầu tư công, tập trung vào những khu vực mang tính lan tỏa đến nhiều khu vực khác của nền kinh tế, bao gồm cả khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, hiện đầu tư công đang địa phương hóa, tức tỷ trọng đầu tư ở khu vực địa phương còn rất lớn và cũng có thể dẫn đến việc dàn trải và khó đem lại hiệu quả. Vì vậy, đầu tư công phải trọng điểm, tập trung đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 8

Thứ hai, hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như: giảm thuế, chi phí điện, năng lượng hoặc các chi phí khác mà Chính phủ có thể kiểm soát.

Chính sách tài khóa cần bao phủ an sinh xã hội nhiều hơn, hướng đến những đối tượng bị tổn thương lớn trong nền kinh tế như khu vực phi chính thức, từ đó, giúp tăng mức chi tiêu và tác động tích cực đến tăng trưởng.

Bên cạnh chính sách về tổng cầu, Chính phủ cũng cần tập trung nhiều hơn, liên tục, với quyết tâm chính trị lớn trong các chính sách trọng cung, tập trung về tổng cung dài hạn để hỗ trợ kinh tế phát triển.

Khi nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay và nguồn lực hạn hẹp, một trong những động lực tăng trưởng tốt trong giai đoạn tới đó là đầu tư vào công nghệ, kinh tế số. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, hiện nay kinh tế số chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 9,6% GDP nền kinh tế, trong khi mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tới 20% và đến năm 2030 đạt 25%. Do đó, cần tập trung vào phát triển kinh tế số, thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo mang tính dài hạn, mang tính chất trọng cung.

Chính sách tài khóa cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp và thực hiện chính sách trọng cung thông qua hỗ trợ thuế, phí, cắt giảm chi phí đầu vào và tạo điều kiện thuận lợi khơi thông các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.

Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa liên quan đến đầu tư công hiệu quả, nâng cấp cơ sở hạ tầng của nền kinh tế về mặt dài hạn cũng có tác động lan tỏa, gia tăng nguồn lực của nền kinh tế và tác động tích cực đến chính sách trọng cung.

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 9

VnEconomy 18/07/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chính sách tài khóa trước sứ mệnh khôi phục tổng cầu - Ảnh 10