15:39 07/04/2021

Chứng khoán châu Âu lập đỉnh trước cuộc họp G20

TS.Võ Đình Trí (*)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, thị trường cổ phiếu châu Âu mà đại diện là Stoxx 600 đã lập kỉ lục mới, vượt đỉnh trước khi khủng hoảng Covid-19 xảy ra

Mặc dù quay lại đỉnh trễ hơn 7 tháng so với chỉ số S&P 500 của Mỹ, nhiều cổ phiếu châu Âu được đánh giá là còn nhiều tiềm năng với mức độ rủi ro thấp hơn.

LẠC QUAN BAO TRÙM

Trong một dự báo vừa mới được công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF), GDP toàn cầu năm 2021 được dự phóng từ 5,5% lên 6,0% so với cách đây 3 tháng, cũng là một điều chưa từng thấy từ những năm 1970. 

Động cơ chính của sự lạc quan này là tăng trưởng của Mỹ, ở mức 6,4%, cao nhất từ những năm 1980. So với dự báo hồi tháng 1/2021, GDP Mỹ điều chỉnh tăng 1,3%, và gần như là gấp đôi so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.

Sự lạc quan không chỉ đến từ bên ngoài mà kinh tế châu Âu cũng có nhiều tin tốt để tạo lực đẩy cho thị trường cổ phiếu. Thông tin từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết mức tiết kiệm của các hộ gia đình ở các nền kinh tế lớn trong khối đã đạt mức kỉ lục, lên đến ¼ thu nhập năm, là do các chi phí du lịch, giải trí, ăn uống bên ngoài bị cắt giảm đáng kể ngoài ý muốn. 

Với mức tiết kiệm trong năm 2020 và mấy tháng đầu năm 2021, ước tính khoản này đủ để làm tăng tiêu dùng cá nhân với tốc độ trước khủng hoảng trong vòng 3-5 năm.

Nhu cầu chi tiêu của phần lớn người dân châu Âu đang như lò xo bị dồn nén mạnh. Với lượng tiền tiết kiệm được nhiều như vậy, khi các biện pháp giãn cách xã hội được tháo dỡ, thì chi tiêu khu vực tư (một phần quan trọng của GDP) sẽ bùng phát. Các ngành đã bị thiệt hại trong đại dịch như dịch vụ, bán lẻ, hàng không, bất động sản thương mại, ô-tô ... được dự báo là được hưởng lợi nhiều nhất.

Nhu cầu chi tiêu của phần lớn người dân châu Âu đang như lò xo bị dồn nén mạnh. Với lượng tiền tiết kiệm được nhiều như vậy, khi các biện pháp giãn cách xã hội được tháo dỡ, thì chi tiêu khu vực tư (một phần quan trọng của GDP) sẽ bùng phát.

Các gói kích cầu khổng lồ của châu Âu cũng đã rời bệ phóng và đang giải ngân theo tiến độ, và tiền phần lớn được truyền đến trực tiếp doanh nghiệp, người lao động. Một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư khi bắt đúng đáy của thị trường vào cuối tháng 3 năm ngoái đã có mức sinh lợi trung bình nếu tính theo chỉ số đã là 60%. Trong trường hợp lúc thị trường chao đảo nhất, các nhà đầu tư tổ chức bị buộc bán và lượng mua là từ nhà đầu tư cá nhân thì sự xông xênh của tiêu dùng khu vực tư sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất cho sự phục hồi kinh tế, từ đó kéo theo các chỉ số chứng khoán là việc triển khai nhanh và rộng việc tiêm chủng vaccine ở nhiều nước châu Âu. Mặc dù một số nước vừa bị làn sóng thứ 3, thực hiện giãn cách xã hội gấp để kiểm soát tình hình, nhưng tỷ lệ miễn nhiễm cộng đồng ngày càng tăng và các đối tượng được chích ngừa mở rộng dần cho thấy đám mây u ám đang dần tan. Ví dụ như ở Pháp, dự kiến đến giữa tháng 6 là mọi lứa tuổi có thể đăng kí chích vắc-xin.

Đặc thù kinh tế của châu Âu là không phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp công nghệ như Mỹ, mà là nền kinh tế dịch vụ, công nghiệp. Chính vì vậy trong đợt khủng vừa qua, rất nhiều cổ phiếu tốt thuộc nhóm giá trị, hay chu kì của châu Âu bị rớt mạnh. Nếu tính theo phương pháp định giá P/E thì nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn mà chỉ số này chỉ ở mức 7-8. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán ở Mỹ đã tăng rất mạnh, tiêu chí định giá giá cổ phiếu trên doanh thu (price to sales) đã chạm đến mức 3.0, một mức quá cao so với bình thường.     

LO LẮNG CỤC BỘ

Tuy có nhiều tín hiệu lạc quan về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhưng có một điều làm nhiều tổ chức và nhà phân tích quan ngại là sự phục hồi không đồng đều ở các nền kinh tế. Ngày 7/4, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 họp trực tuyến về vấn đề phục hồi của các nền kinh tế, trong đó một nội dung rất quan trọng là tốc độ phục hồi nhanh chậm khác nhau giữa các nước.

Cùng chia sẻ quan điểm vaccine là yếu tố then chốt của quá trình phục hồi kinh tế, các đại diện của G20 nhấn mạnh đến việc sản xuất và triển khai trên diện rộng.

Nhưng vấn đề của dịch bệnh là ở chỗ lây lan. Chỉ một số ít quốc gia có điều kiện thực hiện được vaccine toàn dân thì kinh tế thế giới vẫn phải phụ thuộc vào số đông các nước còn lại vì sự liên thông và kết nối toàn cầu. Đáng lo ngại nhất là các nước nghèo vì ngân sách cho vaccine là một khoản không hề nhỏ.

Riêng đối với 2 đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức và Pháp, sự lạc quan bao trùm có thể bị giảm đi hưng phấn phần nào. Do làn sóng dịch thứ 3 ập đến, Đức và Pháp đã phải thực hiện phong tỏa trở lại. Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank vừa loan báo là tăng trưởng của Đức năm 2021 có thể thấp hơn một chút so với dự báo trước đó, nhưng qua năm 2022 sẽ bật lại nhanh hơn. Theo các tính toán, GDP của Đức sẽ tăng 3% trong năm 2021, 4,5% trong năm 2022 và 1,8% trong năm 2023.

Thị trường tài chính đã chứng kiến sự lạ lùng khi kinh tế chưa phục hồi rõ ràng như quý III, quý IV năm ngoái mà nhiều cổ phiếu tốt đã tăng mạnh. 

Đối với Pháp thì do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dịch vụ, trong đó có du lịch, nhà hàng, vận tải hành khách nên làn sóng dịch thứ 3 cũng làm chậm lại sự hồi phục của nền kinh tế. Ngoài ra, Pháp cũng là nước nổi tiếng với các chính sách an sinh xã hội rộng rãi, ngân sách đã tiêu tốn rất nhiều từ khi dịch bùng nổ, nợ công tăng cao nhiều khả năng sẽ phải tăng thuế trong thời gian tới để bù đắp vào.

Cho dù các nước châu Âu có tốc độ phục hồi khác nhau, thì triển vọng là sáng sủa và khá chắc chắn. Kinh tế hồi phục dĩ nhiên sẽ kéo theo các chỉ số chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu có giá trị tốt. Thị trường tài chính đã chứng kiến sự lạ lùng khi kinh tế chưa phục hồi rõ ràng như quý III, quý IV năm ngoái mà nhiều cổ phiếu tốt đã tăng mạnh. 

Có điều, cổ phiếu châu Âu không nóng như cổ phiếu Mỹ, ngay từ nhiều năm trước đây. Cho nên khi kinh tế thực sự hồi phục, thì cơ hội cho cổ phiếu của châu Âu là rất nhiều, với mức độ rủi ro thấp hơn.

(*) Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global