Chứng khoán chiều 25/3: Tiền bắt đáy chặn đà rơi thành công
Gần một giờ đồng hồ đầu tiên trong phiên chiều nay thị trường tiếp tục rơi sâu thêm
Gần một giờ đồng hồ đầu tiên trong phiên chiều nay thị trường tiếp tục rơi sâu thêm. VN-Index chìm xuống tận 964,76 điểm trước khi dòng tiền bắt đáy vào vớt lên.
Sức ép trong quá nửa đầu phiên chiều nay rất lớn. Một số blue-chips đã "lòi" giá sàn. VN-Index bốc hơi 2,42%, VN30-Index giảm 2,53% là mức độ cực lớn. Việc các chỉ số giảm trên 2% là rất hiếm, kể từ sau khi thị trường vượt qua được sóng gió cuối năm 2018.
Đợt sụt giảm chiều nay vẫn chủ yếu xuất phát từ sức ép tại các cổ phiếu trụ. VIC giảm vượt 3%, VHM giảm gần 4%, VRE sàn, VCB giảm hơn 4,3%, GAS rơi 4,3%, TCB giảm gần 2,5%, BID mất 4,6%... VN-Index mất hơn 24 điểm cũng hoàn toàn bình thường vì các cổ phiếu lớn giảm quá mạnh.
Cầu bắt đáy xuất hiện khá muộn và chỉ khi các blue-chips giảm rất lớn. Lòng tham nổi lên ở một số cổ phiếu và giá được đẩy hồi dần. Cho đến khi kết thúc phiên, VN-Index vẫn giảm 1,89%, VN30-Index giảm 2,07% nhưng đã không còn là mức thấp nhất nữa.
Cổ phiếu gây thiệt hại nhất cho chỉ số hôm nay là VIC, đóng cửa giảm 2,87%. Cổ phiếu này phục hồi không đáng kể từ mức giảm tối đa 3,04%. VIC phục hồi chậm có lẽ do giá đang ở quá cao. Riêng VIC đã bốc hơi gần 10.900 tỷ đồng vốn hóa trong ngày hôm nay.
VHM cũng yếu, đóng cửa giảm 2,31%, nhưng lại là mã phục hồi rất khá. Đáy của phiên VHM giảm 3,95%. VHM hồi lên cũng đỡ VN-Index khá nhiều. VCB và GAS cũng là những trụ yếu, đóng cửa giảm tương ứng 2,09% và 1,7%. Tuy vậy cả hai mã này cũng đã có phục hồi.
Phục hồi ấn tượng nhất chiều nay là VNM. Cổ phiếu này chạm đáy giảm 1,39% lúc 13h41, sớm hơn VN-Index. Từ giá 134.700 đồng, VNM phục hồi vùn vụt lên tham chiếu, tức là tăng hơn 1,3% trong những phút cuối.
Nhìn chung lực cầu bắt đáy xuất hiện chủ yếu ở nhóm VN30. Rổ này buổi chiều giao dịch 1.055 tỷ đồng, tăng 25% so với phiên sáng và chiếm gần 52% tổng giá trị khớp hai sàn chiều nay. Nếu tính riêng HSX thì VN30 buổi chiều chiếm gần 60% giao dịch.
Lực cầu bắt đáy xuất hiện ở blue-chips cũng là điều dễ hiểu vì các tổ chức có thể mua được khối lượng lớn khi bị bán tháo. Mặt khác nhiều cổ phiếu không phải trụ cũng giảm sâu theo thị trường chung. Nhà đầu tư nước ngoài cũng tung tiền ra mua ròng hơn 120 tỷ đồng chỉ riêng tại VN30.
Khối này mua vào chiếm tỷ trọng cao ở nhiều cổ phiếu như VNM, VCB, CTG, HPG, MSN. Nhiều cổ phiếu khác cũng được mua ròng lớn là PVD, TDM, HBC, BWE, PLX, VND, GEX, CII, BID, SSI, GAS... Phía bán ròng VRE và NBB bị bán ròng rất lớn nhưng cũng có yếu tố thỏa thuận. POW, DXG, STB, VJC, VHM bị xả ròng khá mạnh.
Tính chung trên HSX khối ngoại mua vào 773 tỷ đồng và bán ra 625,4 tỷ đồng. Trên HNX mua 98,7 tỷ, bán 80,4 tỷ đồng. Hai sàn được mua ròng khoảng 165,8 tỷ đồng.