15:44 01/07/2025

VnDirect: 7 chủ đề đầu tư cuối năm 2025, nâng hạng chứng khoán là tâm điểm

Thu Minh

VnDirect kỳ vọng FTSE công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào tháng 9. Hưởng lợi là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index như HPG, VIC, VCB, VNM, MSN, SSI,...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VN-Index ghi nhận mức tăng ấn tượng 6,7% từ đầu năm, vượt trội so với các thị trường trong khu vực như SET Thái Lan (-23,7%), FBMKLCI Malaysia (-8,6%), PCOMP Philippines (-3,0%), JCI Indonesia (-1,6%) và STI Singapore (+2,8%).

Điều này diễn ra ngay cả khi Việt Nam đang phải đối mặt với mức thuế đối ứng đề xuất thuộc hàng cao nhất khu vực lên tới 46%, phản ánh nền tảng nội tại vững chắc của nền kinh tế và niềm tin gia tăng của nhà đầu tư đối với các yếu tố hỗ trợ sắp tới- bao gồm kết quả đàm phán giảm thuế và triển vọng nâng hạng thị trường.

Tuy nhiên đà tăng chưa thực sự lan tỏa rộng. Bất động sản là điểm sáng nổi bật với mức tăng tới 66,8% so với đầu năm, dẫn dắt bởi hai cổ phiếu trụ cột là VHM và VIC. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tăng khá khiêm tốn 5,3%, chủ yếu đến từ một vài cái tên có yếu tố hỗ trợ riêng.

Chứng khoán VnDirect kỳ vọng VN-Index đạt 1.450 điểm trong nửa sau năm 2025. Phản ánh góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ, VnDirect đã điều chỉnh tăng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên 1.450 điểm tăng 14% so với cuối 2024, từ mức dự báo trước đó là 1.400 điểm.

Trong kịch bản cơ sở, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đàm phán thành công, đưa mức thuế đối ứng bình quân xuống khoảng 16–22%, trong khi Fed thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, giúp chỉ số DXY duy trì dưới ngưỡng 100.

Ở trong nước, nền tảng vĩ mô vững chắc vẫn là chỗ dựa chính cho thị trường. Tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,3%, tăng trưởng tín dụng 16%. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay trong khoảng 14–15%, qua đó củng cố định giá VN-Index ở mức P/E dự phóng 13,5 lần vào cuối năm.

Các chủ đề đầu tư chính bao gồm: Nâng hạng. Trong báo cáo đánh giá nâng hạng định kỳ tháng 3/2025 của FTSE, mặc dù FTSE đánh giá 2 tiêu chí liên quan đến “chu kỳ thanh toán (DvP)” và “thanh toán chi phí liên quan đến giao dịch thất bại” là vẫn bị hạn chế và chưa đạt. Tuy nhiên FTSE đã ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam trong việc triển khai mô hình không yêu cầu ký quỹ trước (Pre-Funding).

VnDirect: 7 chủ đề đầu tư cuối năm 2025, nâng hạng chứng khoán là tâm điểm - Ảnh 1

VnDirect kỳ vọng FTSE công bố nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi thứ cấp vào kỳ review tháng 9. Hưởng lợi là ngành chứng khoán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong FTSE Vietnam Index như HPG, VIC, VCB, VNM, MSN, SSI,...

Với cam kết mạnh mẽ trong việc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán và xây dựng một thị trường vốn phát triển bền vững, VnDirect kỳ vọng các tiêu chí nâng hạng còn lại của MSCI sẽ được đáp ứng vào năm 2026, và thị trường Việt Nam sẽ chính thức được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 6/2027.

Tiếp theo là Cải cách. Chính phủ đang thúc đẩy các cải cách nhằm trao quyền cho khu vực tư nhân, chuyển đổi từ tư duy quản lý sang “kiến tạo phát triển”. Các sáng kiến then chốt bao gồm nới lỏng điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp ưu đãi thuế, quyền tiếp cận đất đai và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như các công ty khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh năng động hơn.

Thứ ba, giải ngân đầu tư công đang tăng tốc trong bối cảnh Chính phủ đẩy nhanh kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia và mở đường cho khối doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.

Thứ tư, tăng trưởng tín dụng năm 2025 được kỳ vọng sẽ vượt 16%. Nghị quyết 42 sẽ tạo lập khung pháp lý thống nhất trong xử lý nợ xấu, góp phần làm lành mạnh hơn hệ thống tài chính. Nhóm ngân hàng nổi bật là các ngân hàng có triển vọng tăng trưởng tín dụng cao, tập khách hàng lớn, hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của thị trường bất động sản và có mức NIM cao hơn so với mặt bằng chung của ngành.

Thứ năm là nhóm bất động sản với các yếu tố hỗ trợ bao gồm: 1) Nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hơn 2.200 dự án đình trệ, góp phần gia tăng nguồn cung bất động sản; 2) Mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư công và mô hình hợp tác công- tư (PPP); 3) Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp.

Thứ sáu, ngành bán lẻ và du lịch tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững chắc, được thúc đẩy bởi thu nhập hộ gia đình cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, cùng chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ và nới lỏng thị thực cho du khách quốc tế.

Cuối cùng là thương mại. Các vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ-Việt Nam đang diễn ra với một số tín hiệu tích cực, kỳ vọng dần tháo gỡ sự khác biệt và giúp hạ mức thuế đối ứng với kịch bản cơ sở về 16-22% (và có thể áp thuế theo từng mặt hàng dựa trên nguồn gốc xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa). Mức thuế thấp hơn có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng như tạo lập môi trường thương mại thuận lợi hơn cho Việt Nam.