Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ cổ phiếu chip, giá dầu hồi phục trong lúc chờ báo cáo CPI
Những đỉnh cao mới được thiết lập ngay trước thềm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (10/7), với chỉ số S&P 500 vượt ngưỡng 5.600 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, khi cổ phiếu các hãng sản xuất chip tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu xu hướng tăng. Giá dầu thô tăng sau mấy phiên giảm liên tiếp, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ công bố số liệu lạm phát của Mỹ.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 1,02%, đạt 5.633,91 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp. Chỉ số Nasdaq tăng 1,18%, thiết lập kỷ lục đóng cửa ở mức 18.647,45 điểm. Đây là lần lập kỷ lục đóng cửa thứ 37 của S&P 500 trong năm nay và là lần thứ 27 của Nasdaq.
Chỉ số Dow Jones tăng 439,39 điểm, tương đương tăng 1,09%, đạt 39.721,36 điểm.
Cổ phiếu chip là một trong những nhóm tăng mạnh nhất phiên này. TSMC tăng 3,5% sau khi hãng báo cáo doanh thu quý 2/2024 vượt kỳ vọng của giới phân tích. Qualcomm tăng 0,8%, Broadcom tăng 0,7%, và Nvidia tăng 2,7%.
“Thị trường đang có một vài dấu hiệu của bong bóng, nhưng cũng chưa có chỉ báo nào cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghệ vốn hóa lớn không thể đảm bảo được mức định giá cổ phiếu như vậy. Điều quan trọng là cần ghi nhớ rằng có 7-10 cổ phiếu chiếm tổng cộng 30-40% vốn hóa của S&P 500… Nếu những cổ phiếu này sụt giảm, ảnh hưởng đối với toàn thị trường sẽ khuếch đại”, Giám đốc đầu tư Scott Welch của công ty Certuity nói với hãng tin CNBC.
Không chỉ lập kỷ lục đóng cửa, S&P 500 còn lập kỷ lục nội phiên trong phiên ngày thứ Tư. Những đỉnh cao mới được thiết lập ngay trước thềm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Năm. Dữ liệu này sẽ phản ánh rõ hơn về tình trạng lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ đó giúp thị trường định hình sắc nét hơn về triển vọng lãi suất.
Trước đó, trong hai buổi điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Ba và thứ Tư, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã làm dấy lên hy vọng rằng ngân hàng này sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Điều trần tại Ủy ban Dịch vụ tài chính tại Hạ viện vào ngày thứ Tư, ông Powell nói ông chưa sẵn sàng tuyên bố chiến thắng lạm phát, nhưng nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng để lập lại ổn định giá cả và giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp. Ông Powell cũng nói Fed “đang rất tập trung để giữ đúng hướng đi đó”.
Hôm thứ Ba, ông Powell nói với Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện rằng nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng và Fed phải cân nhắc giữa các rủi ro trái chiều, đồng thời sẽ có thể cắt giảm lãi suất nếu tình hình lạm phát có thêm bước tiến khả quan.
“Ông Powell nhắc lại thông điệp rằng nếu lạm phát tiếp tục giảm, Fed sẽ sẵn sàng để giảm lãi suất. Có vẻ như ông ấy cũng nhấn mạnh thêm một chút về sự suy yếu của thị trường lao động. Dường như Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 và tháng 12”, chiến lược gia cấp cao Mona Mahajan của ngân hàng đầu tư Edward Jones nhận định với hãng tin Reuters.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 70% Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 và khả năng 46% Fed có một đợt giảm lãi suất thứ hai vào tháng 12.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các nhà kinh tế dự báo CPI toàn phần tháng 6 của Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi, chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, được dự báo tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo lạm phát khác, sẽ được công bố vào ngày thứ Sáu.
Triển vọng giảm lãi suất cũng hỗ trợ giá dầu, đưa giá “vàng đen” hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng của cơn bão Beryl đối với hoạt động sản xuất dầu ở bang Texas của Mỹ là không đáng kể.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở mức 85,08 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 0,85%, chốt ở mức 82,1 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu giảm, một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng của nhu cầu.
Trong đó, tồn trữ dầu thô giảm 3,4 triệu thùng, còn 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, vượt xa mức dự báo giảm 1,3 triệu thùng mà giới chuyên gia đưa ra. Tồn trữ xăng giảm 2 triệu thùng, còn 229,7 tiệu thùng, thay vì giảm 0,6 triệu thùng như dự báo.
Theo giới phân tích, tình hình địa chính trị không có nhiều tác động tới diễn biến giá dầu phiên này, khi nhà đầu tư đã có phần mệt mỏi vì chờ đợi chuyển biến trong cuộc đàm phán ngừng bắn cho dải Gaza.