Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới sau phát biểu của ông Powell, giá dầu giảm liền 3 phiên
Phiên điều trần ngày 9/7 của Chủ tịch Fed được đánh giá là mang đến cả sự hy vọng và nỗi thất vọng...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/7), với chỉ số S&P 500 thiết lập thêm một kỷ lục đóng cửa mới, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cảnh báo về những rủi ro của việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian quá lâu. Giá dầu giảm phiên thứ ba liên tiếp, do hoạt động sản xuất dầu ở Vịnh Mexico hồi phục khi cơn bão Beryl đi qua.
S&P 500 chốt phiên tăng 0,07%, đạt 5.576,98 điểm, đánh dấu lần 36 trong năm nay thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức kỷ lục. Chỉ số Nasdaq cũng có thêm một kỷ lục đóng cửa mới, tăng 0,14%, chốt ở mức 18.429,29 điểm. Ngoài ra, kỷ lục nội phiên mới cũng được cả S&P 500 và Nasdaq ghi nhận trong phiên này.
Riêng Dow Jones một lần nữa trái chiều hai thước đo còn lại do các cổ phiếu blue-chip đuối sức. Chỉ số giảm 52,82 điểm, tương đương giảm 0,13%, chốt ở mức 39.291,97 điểm.
Điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện, ông Powell nói việc giữ lãi suất cao trong thời gian quá lâu có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Phát biểu này được xem là một dấu hiệu cho thấy Fed đang cân nhắc một lập trường chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn.
“Giảm thắt chặt chính sách quá muộn hoặc quá ít đều có thể làm suy yếu quá mức hoạt động kinh tế và tăng trưởng việc làm. Việc có thêm những dữ liệu kinh tế khả quan sẽ tăng cường niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu 2%”, ông Powell nói trong cuộc điều trần định kỳ mỗi năm 2 lần về chính sách tiền tệ.
Ngày thứ Tư, ông Powell sẽ điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện. Cuộc điều trần này của Chủ tịch Fed diễn ra trước khi Mỹ công bố các số liệu lạm phát quan trọng trong tuần này, gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Năm và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) vào ngày thứ Sáu.
“Thị trường việc làm đang yếu đi và ông Powell bắt đầu để ý đến điều đó. Ông ấy nhận thấy rằng chính sách tiền tệ đang thắt chặt và việc giảm lạm phát đã có tiến bộ. Việc này có thể mở đường cho ông ấy trở nên mềm mỏng hơn trong thời gian còn lại của năm nay”, trưởng chiến lược David Russell của công ty TradeStation nhận định với hãng tin CNBC.
Còn theo nhà kinh tế trưởng Brian Jacobsen của công ty Annex Wealth Management, những phát biểu của ông Powell có thể “là một sự thất vọng nhẹ đối với những người vốn hy vọng ông ấy đưa ra một tuyên bố rõ ràng hơn” về việc Fed cần thêm bao nhiêu dữ liệu để quyết định giảm lãi suất.
“Ông ấy bắt đầu chuẩn bị cho giảm lãi suất. Câu hỏi là chính xác bao giờ thì lãi suất giảm. Đó là một câu hỏi mà ông ấy sẽ không thể trả lời vàothời điểm này. Ông ấy nói cần thêm dữ liệu nhưng chúng ta đều không biết là ông ấy cần thêm bao nhiêu”, ông Jacobsen nói với hãng tin Reuters.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng khoảng 70% Fed có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, giảm nhẹ từ mức 71% vào ngày thứ 2 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Sự tăng điểm của S&P 500 vẫn thiếu độ rộng, tập trung chủ yếu vào cổ phiếu công nghệ, dẫn tới mức tăng của chỉ số bị hạn chế. Nvidia tăng 2,5% sau khi một công ty môi giới nâng mục tiêu giá cổ phiếu của hãng sản xuất chip này lên 180 USD/cổ phiếu, đồng nghĩa tăng thêm 40% so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai.
“S&P 500 chủ yếu vẫn được dẫn dắt bởi một số ít cổ phiếu công nghệ. Những cổ phiếu này hưởng lợi từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI). Trong khi đó, phần còn lại của thị trường đang đuối. Xét tới việc công nghệ AI vẫn đang phát triển mạnh, chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn”, nhà đồng sáng lập Deiya Pernas của công ty Pernas Research nhận định.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,09 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 84,66 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,92 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 81,41 USD/thùng.
Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của giá dầu, diễn ra khi các nhà giao dịch nhận thấy rằng hoạt động sản xuất dầu lửa ở bang Texas sẽ không bị gián đoạn kéo dài do cơn bão Beryl. Dù gây nhiều lo ngại trước đó, cơn bão này đã suy yếu sau khi đổ bổ vào đất liền vào đầu tuần này và chỉ gây ra ảnh hưởng nhẹ đối với hạ tầng dầu khí ở khu vực chiếm hơn 40% sản lượng dầu của Mỹ - nước sản xuất dầu lửa lớn nhất thế giới.
Các cảng dầu lớn của Texas dự kiến mở cửa trở lại trong ngày thứ Ba, một số cơ sở thậm chí đang đẩy mạnh việc khai thác.
Các nhà giao dịch trên thị trường dầu cũng đang dõi theo tình hình ở Trung Đông. Hôm thứ Hai, giá dầu giảm 1% do hy vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn cho dải Gaza. Hiện tại, các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.
Việc giá dầu giảm 3 phiên liên tiếp “phản ánh sự điều chỉnh cần thiết từ mức đỉnh của 9 tuần”, ông Vandana Hari - nhà sáng lập công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insights - nhận xét.