Mặc Fed trì hoãn, thế giới đang đứng trước làn sóng hạ lãi suất
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ không để việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất khiến họ phân tâm khỏi kế hoạch nới lỏng...
Theo một dự báo hàng quý của Bloomberg, trong số 23 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới được hãng tin này theo dõi, chỉ có Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là sẽ không hạ lãi suất trong 18 tháng tới.
Phần lớn các ngân hàng trung ương còn lại đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất trong năm nay.
Theo dự báo trên, lãi suất cơ bản tổng hợp toàn cầu theo tính toán của Bloomberg sẽ giảm tổng cộng 1,55 điểm phần trăm trong thời gian từ nay đến cuối năm 2025. Ngay cả Fed - ngân hàng trung ương đang trì hoãn việc giảm lãi suất vì sự “cứng đầu” của lạm phát ở Mỹ - cũng được dự báo rốt cục sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay.
Có một vấn đề đã trở nên rõ ràng ở thời điểm này là các ngân hàng trung ương sẽ không nới lỏng một cách nhanh chóng. Ngoài sự thận trọng của Fed, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng còn lo về áp lực giá cả cao dai dẳng, nên có thể giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với khi tăng.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ không đồng nhất. Chẳng hạn ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã hạ lãi suất 2 lần trong năm nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất một lần, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) còn “án binh bất động”, và Ngân hàng Trung ương Na Uy phát tín hiệu sẽ không giảm lãi suất trước năm 2025.
Ngoài ra, nỗ lực nới lỏng toàn cầu còn có thể đối mặt với những trở ngại khác, như những gì mà Fed và ECB đã cho thấy. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) thậm chí còn không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm lần nữa. Nhưng khi thế giới bước sang nửa sau của năm 2024, triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ đã trở nên gần hơn ở phần lớn các nền kinh tế.
“Lạm phát thời hậu đại dịch Covid-19 đã xé toạc lý thuyết truyền thống của các ngân hàng trung ương. Mô hình ‘leo thang, xuống thang’ đã bị đảo lộn, với lãi suất tăng nhanh nhưng sau đó là giảm chậm. Vai trò dẫn dắt toàn cầu về lãi suất của Fed có vẻ đã suy giảm, khi ECB, SNB và nhiều ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển tự vạch ra hướng đi của riêng mình. Bức tranh chung là việc giảm lãi suất sẽ diễn ra muộn hơn, chậm hơn và kém đồng bộ hơn so với những gì được hình dung ở thời điểm đầu năm”, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Tom Orlik của Bloomberg Economics nhận định.
Trong dự báo cập nhật hồi tháng 6, Fed kỳ vọng chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay, thay vì 3 lần như dự báo đưa ra hồi đầu năm. Nguyên nhân khiến Fed thay đổi dự báo là tiến trình giảm lạm phát có vẻ chững lại. Tuy nhiên, một vài số liệu gần đây cho thấy áp lực lạm phát trong nền kinh tế Mỹ lại đang giảm xuống. Trong đó, một thước đo lạm phát lõi đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5.
Dù vậy, một số quan chức Fed nói rằng không nên nhấn mạnh quá mức một vài con số lạm phát khả quan. Chủ tịch Fed Jerome Powell nói Fed sẽ dựa vào một loạt số liệu khác nhau, bao gồm cả lạm phát và thống kê về thị trường việc làm, để quyết định thời điểm giảm lãi suất.
Nhà kinh tế Anna Wong của Bloomberg dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đến tháng 9 sẽ tăng lên mức 4,2% và khi đó, dù lạm phát lõi còn cao hơn mục tiêu, Fed vẫn sẽ bắt đầu hạ lãi suất. “Chúng tôi dự báo Fed hạ lãi suất vào tháng 9 và tháng 12, với tổng mức giảm là 0,5 điểm phần trăm. Tiếp đó, Fed sẽ giảm lãi suất thêm tổng cộng 1 điểm phần trăm trong năm 2025.
Dưới đây là dự báo của Bloomberg về lãi suất của một số ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế lớn: