08:37 01/02/2025

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng sụt giảm vì kế hoạch áp thuế quan của ông Trump

Bình Minh

Thị trường đã "xanh" vào đầu phiên, nhưng các chỉ số nhanh chóng chuyển sang sắc đỏ sau khi Nhà Trắng tuyên bố kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ được đưa ra nội trong ngày thứ Bảy...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (31/1) sau khi có tin Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn vào ngày thứ Bảy. Giá dầu thô giảm rồi lại tăng do những thông tin liên quan đến kế hoạch thuế quan của ông Trump đối với năng lượng nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,5%, còn 6.040,53 điểm. Chỉ số Dow Jones sụt 337,47 điểm, tương đương giảm 0,75%, còn 44.544,66 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,28%, còn 19.627,44 điểm.

Thị trường đã "xanh" vào đầu phiên, nhưng các chỉ số nhanh chóng chuyển sang sắc đỏ sau khi thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt tuyên bố vào buổi chiều ngày thứ Sáu rằng kế hoạch thuế quan của ông Trump sẽ được đưa ra nội trong ngày thứ Bảy. Theo đó, ông Trump sẽ áp thuế quan 25% lên Canada và Mexico và 10% lên Trung Quốc.

“Những gì diễn ra trong phiên này rất giống với phiên ngày thứ Hai, khi tin DeepSeek khiến thị trường bán tháo. Nghĩa là khi có tin tức bất lợi xuất hiện, phản ứng đầu tiên là bán”, chiến lược gia trường Tom Hainlin của công ty US Bank Asset Management Group nhận định với hãng tin CNBC.

“Đã có phản ứng ban đầu của thị trường với thuế quan, dù chưa có chi tiết cụ thể về thuế quan. Chưa ai biết mức thuế đối với các mặt hàng khác nhau, liệu thuế quan đó là tạm thời hay vĩnh viễn, và Canada, Mexico hay Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào. Việc có thể làm bây giờ là chờ xem liệu chính sách thực tế được thực thi ra sao”, ông Hainlin nói thêm.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá phiên này do báo cáo tài chính quý 4/2024 khiến nhà đầu tư thất vọng. Cổ phiếu Apple giảm 0,7% vì doanh số iPhone và doanh thu mảng dịch vụ không tốt như kỳ vọng. Kết quả kinh doanh không đạt dự báo cũng khiến cổ phiếu hai hãng dầu khí Chevron và Exxon Mobil giảm tương ứng 4,6% và 2,5%.

Phiên giảm này khép lại một tuần giao dịch đầy biến động của chứng khoán Mỹ. Hôm thứ Hai, thị trường bán tháo do tin startup DeepSeek của Trung Quốc phát triển được một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình hiện có. Sau đó, mối lo về thuế quan và báo cáo tài chính của các công ty niêm yết tiếp tục khiến các chỉ số giằng co.

“Tôi cho rằng việc bán tháo cổ phiếu đã đi quá xa. Cơn hoảng sợ mà DeepSeek gây ra đang dịu đi và sẽ tiếp tục dịu đi. Tuần tới, báo cáo tài chính của các công ty như Amazon, Google và Nvidia mới điều mà nhà đầu tư quan tâm. Tôi cảm thấy lạc quan”, CEO Jay Hatfield của công ty Infrastructure Capital Advisors nói với CNBC.

Cả tuần, Nasdaq giảm 1,6%, trong khi S&P 500 giảm 1% và Dow Jones tăng 0,3%. Giảm 17% trong phiên ngày thứ Hai, cổ phiếu Nvidia giảm khoảng 16% cả tuần.

Phiên ngày thứ Sáu cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1, với cả ba chỉ số cùng tăng trong tháng. S&P 500 tăng 2,7%, Nasdaq tăng 1,6% và Dow Jones vượt trội với mức tăng 4,7%. Một động lực cho xu hướng tăng điểm của thị trường trong tháng 1 là lạc quan về các chính sách thân thiện với kinh doanh của tân Tổng thống Trump, như nới lỏng quy chế giám sát và giảm thuế trong nước.

Tuy nhiên, lãi suất có thể duy trì cao hơn lâu hơn đang là một mối lo của giới đầu tư. Số liệu thống kê công bố ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - tăng 0,3% so với tháng 11 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng cả năm này phù hợp với dự báo nhưng cao hơn mức tăng 2,4% của tháng trước, dẫn tới lo ngại rằng lạm phát còn dai dẳng và củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất chậm hơn trong năm nay. Không tính giá năng lượng và thực phẩm, PCE lõi tăng 0,2% trong tháng và 2,8% cả năm - mức tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,2 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 72,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,22 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, chốt ở 76 USD/thùng.

Sau khi thị trường đóng cửa, có lúc giá dầu WTI tăng 1% và giá dầu Brent tăng 0,7%.

Ông Trump nói mức thuế quan mà chính quyền của ông sắp áp lên dầu thô nhập khẩu từ Canada có thể giảm từ 25% về 10%. Ngoài ra, việc áp thuế quan đối với dầu thô và khí đốt có thể bắt đầu từ ngày 18/2 thay vì 1/2.

“Chúng tôi sẽ áp thuế quan lên dầu thô và khí đốt. Việc đó sẽ diễn ra tương đối sớm, tôi nghĩ vào khoảng ngày 18/2”, ông Trump nói với báo giới tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Khi được hỏi liệu việc áp thuế quan vào ngày 1/2 có bao gồm dầu thô Canada, ông Trump nói: “Có lẽ tôi sẽ giảm thuế quan một chút đối với mặt hàng đó, có thể giảm về 10%”.

Theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital, sự bấp bênh về thuế quan đang là yếu tố khiến giá dầu biến động. Việc ông Trump áp thuế đối với dầu thô từ Canada và Mexico - hai nước xuất khẩu dầu thô sang Mỹ nhiều nhất - có thể dẫn tới sự trả đũa từ các quốc gia này và đẩy giá xăng ở Mỹ tăng lên.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Canada sẽ đáp trả ngay lập tức và mạnh mẽ nếu bị Mỹ áp thuế quan, đồng thời cảnh báo người dân Canada rằng họ đang đứng trước thời khắc khó khăn.

Tuần tới, mối quan tâm của giới đầu tư dầu lửa còn hướng tới cuộc họp sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng khối này sẽ không thay đổi kế hoạch tăng sản lượng trở lại một cách từ tốn, cho dù ông Trump gần đây kêu gọi Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - kéo giá dầu xuống.