09:57 01/08/2024

“Chúng tôi sẽ rót vốn vào Việt Nam khi tìm thấy đối tác tin cậy”

Anh Nhi

“Đầu tư vào ngành dược đòi hỏi thời gian đầu tư dài, chi phí đầu tư lớn. Vì vậy, chỉ khi tìm thấy đối tác tin cậy và khả năng thương mại của dự án thì nhà đầu tư mới quyết định rót vốn và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ali Ijaz Ahmad, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Makara Capital (Singapore), nói…

Ngành dược phẩm đang ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài.
Ngành dược phẩm đang ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp nước ngoài.

Chia sẻ tại tọa đàm “Công nghiệp dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa” tối ngày 31/7, ông Ali Ijaz Ahmad cho biết Việt Nam đang bước sang chặng đường phát triển mới sau giai đoạn thu hút loạt “đại bàng” đến Việt Nam đầu tư như Samsung, Intel…

“Việt Nam đang ở giai đoạn giống như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc… trước kia. Nghĩa là sau giai đoạn mời gọi nhiều doanh nghiệp tới đầu tư, Việt Nam cần có những thay đổi chính sách để kéo thêm doanh nghiệp ở các lĩnh vực công nghệ cao, R&D… để chuyển mình mạnh mẽ trong vòng 10-20 năm tới”, ông Ali nhận định.

THỊ TRƯỜNG ĐẦU TƯ ĐẦY HẤP DẪN

Với quy mô nền kinh tế vượt qua 400 tỷ USD và dân số đạt hơn 100 triệu người, đại diện Quỹ đầu tư đến từ Singapore cho rằng Việt Nam có thị trường chăm sóc sức khỏe nói chung và thị trường dược phẩm đầy hấp dẫn với các nhà phát triển sản phẩm.

Cụ thể, theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ngành công nghiệp dược của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) cao (7,3%) và trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang đứng thứ 3 ở trong khối Đông Nam Á. Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD (2023), bình quân tiêu thụ thưốc đạt 70 USD/người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000.

Mặc dù có sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây song ngành dược Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như yêu cầu từ thị trường. Vì vậy, ngành dược Việt Nam đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển. Cụ thể, ngày 09/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu nâng tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP đến năm 2045 đạt trên 20 tỷ USD và trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực…

Với tốc độ tăng như hiện nay, giới chuyên gia dự báo, đến năm 2030, tổng giá trị thị trường thuốc của Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 13 tỷ USD và tiền mua thuốc bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 75 USD/người.

“Đây chính là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp dược với tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực”, PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC TRƯỚC “BƯỚC NGOẶT” TOÀN CẦU HÓA

Cụ thể, theo PGS.TS Lê Văn Truyền, thách thức đầu tiên và khó vượt qua nhất là là cơ sở vật chất – kỹ thuật – công nghệ còn thấp, khi chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến (EU, PIC/S, JAPAN, TGA), hơn 200 nhà máy còn lại đạt WHO GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định (WHO pre-qualification). Điều này khiến các nhà máy chưa thể tham gia đấu thầu và cung cấp thuốc cho các chương trình y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

“Đây là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất gia công và sản xuất theo hợp đồng”, ông Truyền nói.

PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, trình bày tại tọa đàm.
PGS. TS. Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, trình bày tại tọa đàm.

Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dược phẩm hàng năm của Việt Nam nhưng phần lớn trong giá trị dược phẩm xuất khẩu sang thị trường này tới từ các nhà máy có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản.

Thách thức thứ hai là việc chưa có các Khu công nghiệp dược – sinh học tập trung với một hệ sinh thái, gồm trung tâm R&D; thử nghiệm BA/BE; thử nghiệm lâm sàng; kiểm nghiệm; nhà máy sản xuất dược phẩm, bao bì đóng gói; các trung tâm cung cấp dịch vụ liên quan, đặc thù cho công nghiệp dược phẩm… đã khiến cho năng lực sản xuất, R&D và thử nghiệm của các doanh nghiệp dược Việt Nam bị hạn chế.

“Rất nhiều hãng dược hàng đầu mong muốn chuyển giao phát minh mới về Việt Nam nhưng cần một khu công nghiệp dược – sinh học và các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn”, bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Newtechco Group nói.

Thách thức thứ ba là đa số các công ty dược phẩm trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà máy thấp trong khi vốn đầu tư để xây dựng nhà máy dược – sinh học rất lớn.

“Chưa có tập đoàn dược phẩm quốc gia khiến việc đầu tư dự án lớn rất khó. Điều này khiến tôi suy nghĩ rằng liệu Vinapharm có thể trở thành tập đoàn dược phẩm quốc gia để dẫn dắt thị trường hay không? Nếu không, 250 doanh nghiệp buộc phải tự đầu tư ở quy mô chấp nhận được”, ông Truyền nói.

HÚT VỐN VÀ CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI

Trước thực trạng trên, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng cùng với việc doanh nghiệp nội địa tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có thì cơ quan quản lý cần hỗ trợ các doanh nghiệp dược xây dựng nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/sinh học tương tự.

Còn theo bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam (VNPCA), đầu tư vào ngành dược có tính đặc thù là thời gian đầu tư dài, chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi hàm lượng công nghiệp – kỹ thuật cao… nên doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực qua hợp tác đầu tư với các công ty nước ngoài.

“Tuy vậy, để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước cần phải tự soát xét, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể hợp tác với các tập đoàn, nhà phát triển sản phẩm tiên tiến hàng đầu thế giới”, bà Thư nói.

Từ góc độ nhà đầu tư, đại diện Quỹ đầu tư Makara Capital cho biết, nhờ quy mô thị trường ngày một gia tăng và môi trường đầu tư hấp dẫn, Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà sản xuất dược phẩm quốc tế. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư “xuống tiền” và “rót công nghệ” vào Việt Nam là có các đối tác hợp tác tin cậy, bao gồm cả doanh nghiệp và địa phương, và khả năng thương mại hóa của dự án nhằm đảm bảo dòng tiền thu về.

Bà Võ Thị Tuấn Anh lại cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay với Việt Nam để thu hút được các tập đoàn dược phẩm đến đầu tư là cần phải có các khu công nghiệp chuyên ngành hiện đại với các viện nghiên cứu và phát triển, các viện kiệm nghiệm, trung tâm dịch vụ logistics, kho đạt chuẩn GSP ngành dược, khu thương mại và giới thiệu sản phẩm, khu doanh nghiệp vườn ươm…

“Qua tiếp xúc, chúng tôi đã ghi nhận hơn 20 doanh nghiệp dược phẩm của Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đức, Ấn Độ… muốn đầu tư nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp dược tập trung”, bà Võ Thị Tuấn Anh cho biết.

Theo đó, Newtechco Group đã dành nguồn lực tài chính và mời gọi nhà đầu tư quốc tế, chuyên gia công nghệ tham gia đầu tư vào dự án Khu công nghiệp dược – sinh học tại tỉnh Thái Bình. Đây sẽ là dự án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho không gian phát triển ngành dược – sinh học, là nơi hội tụ các chuyên gia về công nghệ sinh học và hóa dược phẩm, đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ, giáo dục – đào tạo và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của ngành dược – sinh học Việt Nam. Hiện thủ tục thực hiện dự án đang được thực hiện, dự kiến năm 2025 có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.