22:28 04/12/2023

Chuyên gia: Từ vụ Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy nhiều nhà đầu tư tự đẩy mình thành nạn nhân

An Phong

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhấn mạnh các nhà đầu tư bị thiệt hại là nạn nhân nhưng đâu đó chính họ tự đẩy mình thành nạn nhân như vậy...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thời gian vừa qua có nhiều vụ án lớn liên quan tới hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được phanh phui, nhiều vụ chuẩn bị được đưa ra xét xử. Như vụ Vạn Thịnh Phát, FLC... Các chuyên gia tài chính đã có những đánh giá về tình trạng này tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12.

NHÀ ĐẦU TƯ TỰ BIẾN MÌNH THÀNH NẠN NHÂN

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng việc xử lý các vi phạm trên thị trường tài chính nói chung và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là cần thiết. Nếu không xử lý như vậy còn rất lâu mới có thể có thị trường phát triển minh bạch và hiệu quả.

Tác động vụ việc này trong ngắn hạn chắc có, thị trường suy yếu không có đợt phát hành nào quý I/2023. Sau đó, Chính phủ tháo gỡ, doanh nghiệp quay trở lại nhưng về dài hạn sẽ củng cố tính minh bạch của thị trường. Đó là điều quan trọng, là nền tảng để phát triển thị trường này thời gian tới.

Bản thân các doanh nghiệp vi phạm sau các vụ việc này cần rút kinh nghiệm và phải biết là Nhà nước rất kiên quyết, bất kể là doanh nghiệp nhỏ to, quan trọng, hay lớn bé. Một khía cạnh nữa là qua đây, nhà đầu tư tích lũy được nhiều kiến thức cho mình.

Thực tế, pháp lý rất rõ ràng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nghĩa là sản phẩm thị trường tài chính rủi ro hơn không phải như phát hành ra công chúng, do đó pháp luật có giới hạn lại. Vừa rồi Bộ Tài chính đã truyền thông, cảnh báo nhiều đến nhà đầu tư, từ những kiến thức cơ bản, đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là ai, khi mua căn cứ vào cái gì để mua, nếu doanh nghiệp xảy ra rủi ro xử lý như thế nào...

Cũng theo ông Dương, rủi ro trái phiếu không phải chỉ liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp, vì có thể doanh nghiệp hôm nay làm ăn tốt, thị trường bất động sản tốt họ sẵn sàng huy động nhiều, trả nợ đúng hạn, nhưng khi thị trường ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đó có vấn đề, hay kinh tế vĩ mô xấu đi thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh nghiệp tốt có thể không trả được nợ trái phiếu. Việc phân tích rủi ro của doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư rất cần thiết. Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đào tạo, tuyên truyền để công chúng và nhà đầu tư hiểu hơn, giúp thị tường phát triển lành mạnh, cả cung và cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhấn mạnh các nhà đầu tư bị thiệt hại là nạn nhân nhưng đâu đó chính họ tự đẩy mình thành nạn nhân như vậy. Do đó, chúng ta cần khuôn khổ pháp lý mới, để nâng cao hiểu biết, nâng cao yêu cầu, quy định trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cần có sự tham gia nhiều hơn của các tổ chức tài chính mua trái phiếu thay vì quá tập trung vào đầu tư cá nhân như hiện nay.

Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12.
Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12.

CÚ VA VẤP TẤT YẾU 

Nhìn từ góc độ người tham mưu và làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra rằng, ở chiều tích cực, chính một số trường hợp vi phạm như vừa qua cộng với một số hạn chế, tạm gọi là những đặc điểm riêng, cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu.

Đối với người làm chính sách, từ những vi phạm vừa qua, có mấy điểm có thể rút ra. Thứ nhất, về vi phạm pháp luật, đầu tiên phải hiểu nguyên nhân trước hết là do thực thi pháp luật. Nếu do khâu thực thi thì chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách, chứ không phải sửa đổi chính sách. Những chỉ đạo vừa qua rất hợp lý, như chúng ta đã bàn: Tăng cường giám sát, kịp thời đưa ra các kênh, minh bạch hóa xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu. Đây là điều rất tốt.

Thứ hai, trong thời gian tới, từ những sự kiện vừa qua, nhu cầu hoàn thiện pháp luật có thể có, ví dụ như cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm. Như vậy, nhà đầu tư biết khi xảy ra trường hợp này, họ có quyền và lợi ích gì và khi không thanh khoản được trái phiếu do rủi ro của thị trường thì quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Nhờ đó, nhà đầu tư có thêm kênh để quyết định.

Sau câu chuyện này, không phải chỉ thị trường trái phiếu mà khung pháp luật và thể chế sắp tới nâng cao chất lượng về hoạt động của doanh nghiệp nói chung, là rất quan trọng. Rất nhiều thứ phải làm, như chất lượng thông tin, chất lượng báo cáo, vấn đề quản trị doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp nào thúc đẩy quản trị tốt sẽ hạn chế được sự vi phạm pháp luật. Như vậy, nhu cầu ở đây là một khung thể chế rộng hơn, bao trùm hơn để nâng cao chất lượng của doanh nghiệp hoạt động.

Thứ ba, rõ ràng bản thân nhà đầu tư cần tự rút ra bài học, thậm chí phải ra quyết định đầu tư nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của mình.

Bà Nguyễn Ngọc Anh đồng quan điểm khi cho rằng đây cũng là những cú vấp mang tính chất tương đối tất yếu. Nếu nhìn ở khía cạnh trái phiếu là sản phẩm đi vay và cho vay, ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu nhất định, thì về nguyên tắc thị trường trái phiếu cũng vận động theo nguyên tắc chung như vậy, chỉ có với khía cạnh nhà đầu tư là những người thực hiện mua trái phiếu cần kiến thức đầy đủ và được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ trên cơ sở khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.

Trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Cũng phải nhìn nhận với những doanh nghiệp này, vi phạm về trái phiếu là một phần các vi phạm của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Phải xác định đây là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, xử lý đến cùng tất cả các trường hợp vi phạm.

Và những trường hợp vi phạm này chủ yếu rơi vào tổ chức phát hành cố tình dựa thực hiện các hoạt động phát hành không đúng mục đích, không đúng đối tượng phát hành.

Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính trung gian có thể vô tình hoặc cố tình cũng có những sai phạm nhất định trong quá trình làm hồ sơ và phân phối trái phiếu đến tay những người chưa đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu. Tất cả những cái này là cơ sở, nền tảng để các bên cùng ngồi lại và chuẩn hóa lại khuôn khổ pháp lý.

"Tôi cho rằng, cái sai này là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển của mình. Sau cú va vấp này, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn", bà Ngọc Anh nhấn mạnh.