09:00 07/06/2022

Có tư tưởng không muốn thoái vốn nhà nước khỏi lĩnh vực sinh lời cao

Hoàng Lan

Đó là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước đình trệ như thời gian vừa qua, được Bộ Tài chính nêu tại báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV...

Liên quan đến thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 05 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỷ đồng, trong đó có 01 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 0,7% kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Đối với hoạt động thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2021 đến 5 tháng đầu năm 2022, đã thoái vốn tại 38 doanh nghiệp với giá trị 2.047 tỷ đồng, thu về 6.582 tỷ đồng trong đó thoái vốn nhà nước tại 04 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg với giá trị 52,8 tỷ đồng thu về 85,1 tỷ đồng, còn lại là thoái vốn của Tập đoàn, Tổng công ty tại doanh nghiệp.

BẾ TẮC TRONG CƠ CẤU LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đảm bảo kế hoạch thu ngân sách nhà nước  (giai đoạn 2016-2020, tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước là 234.387 tỷ đồng đạt 93,6% kế hoạch, năm 2021 tổng số tiền đã nộp ngân sách nhà nước đạt 2,5% kế hoạch)

Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời còn hình thức, thiếu khả thi, chưa sát với thực tế.

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đã vượt kế hoạch đề ra;  tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa ngoài kế hoạch nhiều hơn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Một số đơn vị đăng ký danh sách thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhiều nhưng không triển khai đúng theo kế hoạch.

Nhiều cơ sở nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Một số tồn tại, vướng mắc ở các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa giải quyết được. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn cao. Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều lúng túng, tại một số địa phương còn chưa chặt chẽ, phương án sản xuất kinh doanh và phương án thực hiện chuyển đổi chưa phù hợp với kế hoạch hoạt động cung cấp dịch vụ của đơn vị sau khi cổ phần hoá. Chất lượng dịch vụ của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sau chuyển đổi chưa đảm bảo; chỉ tập trung đầu tư tại những khu vực đô thị, khu vực thuận lợi về địa lý, không đầu tư tại vùng xâu, vùng xa, sử dụng một số biện pháp cạnh tranh không lành mạnh như giảm chất lượng để giảm giá, thu hút khách hàng.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước còn trực tiếp quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước.

KHÔNG MUỐN THOÁI VỐN KHỎI LĨNH VỰC SINH LỜI CAO

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc trong cổ phần hoá, thoái vốn thời gian vừa qua. Song, cần đặc biệt lưu ý tới những nguyên nhân chủ quan.

Nội tại doanh nghiệp nhà nước do nhiều yếu tố cấu thành nên doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường dẫn đến kém hấp dẫn với nhà đầu tư.

Còn tư tưởng không muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại. Điều này dẫn tới doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công còn chưa tốt, tiến độ tham gia ý kiến, phê duyệt còn chậm.

Tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện.

Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước,  vấn đề sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết kinh tế...

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc sắp xếp, xử lý nhà, đất.