14:22 11/08/2021

Covid-19 đã làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam  

Phúc Minh

Tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong tháng 7 đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam sôi động nhất. Ở kịch bản xấu, dự báo cả nước sẽ có gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận định này được đề cập trong báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021 của Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP TĂNG CAO

Theo đánh giá của Cục Việc làm, trong 7 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam bị tác động theo chiều hướng tiêu cực cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19.

Cụ thể là lực lượng lao động bị sụt giảm nghiêm trọng, không tăng theo đà tăng dân số. Chẳng hạn như lực lượng lao động quý 2/2021 là 51,1 triệu người. Theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch thì lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.

Sang đến tháng 7/2021, với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh phía Nam, TP. Hà Nội và một số địa điểm ở các tỉnh, thành phố khác, khiến lực lượng lao động giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, ước hơn 1 triệu lao động.

Cùng với đó, lao động có việc làm bị chặn đà tăng trưởng và suy giảm theo tốc độ của lực lượng lao động. Trong quý 2/2021, lao động có việc làm chỉ còn 49,9 triệu người. Đến tháng 7, số lao động có việc làm sụt giảm tương tự như quý 2/2020, giảm hơn 1 triệu lao động.

Số lao động thất nghiệp cũng gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động. Tháng 7 với mức độ phức tạp của dịch bệnh, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.

Dịch bệnh covid-19 cũng đã tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong 3 nhóm ngành kinh tế. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (có 8,9% lao động bị ảnh hưởng), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%) và lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%).

Đến nay, một số ngành chịu ảnh hưởng rất lớn như: Du lịch có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác. Vận tải hàng không giảm 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020…

Bên cạnh đó, do dịch bệnh lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chế biến thủy hải sản có đến 70% doanh nghiệp bị đóng cửa vì không thể áp dụng 3 tại chỗ. Đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến 35% doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, có hơn 40.000 lao động khu vực phía Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách…

Cục Việc làm đánh giá, tác động của 2 đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động là vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía Nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước.

Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong cuối tháng 7 vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, Cục Việc làm dự báo, các ngành như: du lịch, dịch vụ, hàng không, vận tải… tiếp tục khó khăn, chưa có khả năng phục hồi từ năm 2020 đến nay.

Dịch Covid-19 khiến lao động trong hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa. 
Dịch Covid-19 khiến lao động trong hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa. 

Dịch Covid-19 đã tấn công vào các khu vực kinh tế trọng yếu, các doanh nghiệp với quy mô lao động lớn tập trung ở khu chế xuất, khu công nghiệp,… nên các ngành chế biến, chế tạo, sản xuất… sẽ bị ngưng trệ. Các chuỗi cung ứng sản phẩm bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động làm công ăn lượng, các hộ gia đình, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, chưa có có dấu hiệu chấm dứt. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn nhiều dư địa tài chính để chống đỡ. Người lao động mất việc kéo dài nên việc di chuyển “ồ ạt về quê” như thời gian qua, sẽ tạo thêm những khó khăn cho thị trường lao động…

KỊCH BẢN XẤU CÓ 40 TRIỆU LAO ĐỘNG BỊ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC

Trước thực tế trên, Cục Việc làm dự kiến 3 kịch bản thị trường lao động trong thời gian tới, với 3 mức: tốt, thường và xấu.

Trong đó, với kịch bản tốt là dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8, các tỉnh dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ngay trong nửa đầu tháng 8. Hà Nội, TP.HCM cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên…

Theo đó, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề ở những tỉnh có số ca mắc lớn, phải thực hiện Chỉ thị 16 và một số địa bàn lân cận có ảnh hưởng liên quan. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trong quý 3/2021 là hơn 22 triệu người.

Số này tập trung vào lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phong tỏa, giãn cách như trong khu công nghiệp, khu chế xuất, làm việc trong các ngành chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú, bán buôn bán lẻ, nghệ thuật….

Số lao động mất việc ước tính 500.000 -600.000 người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, thị trường lao động lại có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh, số lao động có nhu cầu tuyển dự kiến trong quý 3 trên 500.000 người.

Với kịch bản thường, trong trường hợp các tỉnh thành phố phía Nam đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp để giãn cách xã hội, hỗ trợ những lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê…

Tuy nhiên, số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm. Một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung cũng bắt đầu gia tăng số ca F0. Dự báo số lao động bị tác động tiêu cực trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành: chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ…

kịch bản xấu, việc triển khai mua và tiêm vaccine không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn. Dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát.

Dự báo sẽ có gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị tác động nặng nề.