11:00 20/06/2023

Kề vai sát cánh: Báo chí cùng doanh nghiệp vượt mọi khó khăn

Vũ Khuê

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, báo chí truyền thông là người bạn đồng hành, hỗ trợ kịp thời hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng cam cộng khổ là cách mà báo chí và doanh nghiệp cần thực hiện lúc này để cùng nhau vượt qua khó khăn và phát triển...

Báo chí - doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh
Báo chí - doanh nghiệp có mối quan hệ cộng sinh

Tại “Diễn đàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận định, gần ba năm qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng của những biến động chính trị, kinh tế - xã hội thế giới đã đặt báo chí và cộng đồng doanh nghiệp trước rất nhiều thách thức. Trong khi nhiều tờ báo đau đầu trong cân đối chi tiêu, thì đâu đó vẫn có những chuyện nhà báo, phóng viên vi phạm đạo đức nghề báo.

MUỐN PHÁT TRIỂN PHẢI ĐỒNG HÀNH

Với cộng đồng doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2023, nhiều con số về hoạt động doanh nghiệp cũng khiến dư luận suy ngẫm. Cộng đồng doanh nghiệp thực sự đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, báo chí truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhà báo là người bạn đồng hành, hỗ trợ, động viên kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và sẵn sàng đứng bên doanh nghiệp chia sẻ khó khăn.

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, thực tiễn đã chứng minh quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ đồng hành, cùng phát triển.

Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, là cầu nối đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng.

Báo chí cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, là đối tác và cũng là khách hàng quan trọng của báo chí.

Bà Lê Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup, đánh giá cao mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể tách rời. Báo chí đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhiều tờ báo kinh tế của Việt Nam hiện nay dành dung lượng khá lớn trên mỗi số báo để đăng tải thông tin, tuyên truyền về những vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Cụ thể như tình hình thị trường, giá cả, cách thức quản trị doanh nghiệp, giới thiệu cổ vũ doanh nghiệp, doanh nhân điển hình, phê phán doanh nghiệp làm ăn dối trá…

“Qua những thông tin trên báo chí, doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương, chính sách, thông tin thị trường. Từ đó có những điều chỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình phù hợp. Không chỉ là người cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, báo chí còn là người giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp ra thế giới giúp doanh nghiệp vươn ra “biển lớn”, hội nhập kinh tế thế giới, chiếm lĩnh thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Lê Dung nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định qua báo chí, thế giới biết đến Việt Nam, muốn tìm hiểu xem đất nước hình chữ S có gì hấp dẫn để tìm kiếm cơ hội hợp tác liên doanh, liên kết, đầu tư. Vì vậy, báo chí trở thành cầu nối, giúp họ tìm được những thông tin cần thiết.

Tuy nhiên, theo vị CEO này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí vẫn còn có khoảng cách. Doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ của báo chí nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng cần đến báo chí. Việc báo chí tiếp cận được với doanh nghiệp không phải dễ dàng. Doanh nghiệp nào làm ăn hiệu quả thường hay có cơ hội gặp gỡ báo chí.

Ngược lại, có những doanh nghiệp luôn ẩn mình hoặc từ chối khi báo chí tìm đến bởi họ không muốn “tiết lộ” thông tin về mình cho báo chí.

Nguyên nhân được bà Lê Dung chỉ ra là khi doanh nghiệp tiếp các nhà báo đến làm việc thường ngại mất thời gian, ngại lên hình nên từ chối là ‘’thượng sách’’. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp gật đầu đồng ý, nhưng lại giao cho bộ phận tổ chức hành chính tiếp các nhà báo với thái độ quay cứ quay, viết gì cứ viết, nhưng không chịu trả lời phỏng vấn hoặc cung cấp thông tin một cách sơ sài. Cá biệt có doanh nghiệp còn cho rằng nhà báo đến chỉ để “vòi tiền”, moi việc xấu.

Do đó, cả báo chí và doanh nghiệp cần có cách nhìn đúng từ hai phía. Báo chí vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và cộng đồng.

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng phản ánh không thể thiếu của báo chí. Có thể coi báo chí và doanh nghiệp là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển.

Ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông, đồng sáng lập Elite PR School nhấn mạnh, việc truyền thông trên báo chí và mạng xã hội không phải đợi tới lúc thương hiệu gặp rắc rối mới làm mà cần có sự chuẩn bị từ trước.

Các bài báo, bài viết trên mạng xã hội không những có tác dụng xây dựng thương hiệu và giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn mà còn có tác dụng như một loại “vaccine danh tiếng” cho doanh nghiệp. Khi gặp khủng hoảng, các bài báo và mạng xã hội trước đây sẽ có tác dụng “pha loãng thông tin” và giúp công chúng có thêm thông tin tích cực về công ty.

 “Vì vậy, việc quan tâm đến báo chí, tạo điều kiện cho các nhà báo tiếp cận với doanh nghiệp là việc nên làm và cần làm. Doanh nghiệp và báo chí cần có sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn để cùng chia sẻ, hợp tác và phát triển”, nữ doanh nhân Lê Dung thẳng thắn nói.

BÁO CHÍ CẦN LÀM MỚI MÌNH

Chia sẻ thực tế, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), cho rằng doanh nghiệp và báo chí có mối quan hệ cộng sinh, đồng hành, song hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Riêng với ABBank, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động như hiện nay, nhờ báo chí mà ABBank tiếp cận nhanh nhất những thông tin chính thống về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ để kịp thời có những kế hoạch, quyết định quan trọng cho hoạt động của ngân hàng.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường không ngừng vận động, đại diện ABBank cho rằng các cơ quan báo chí cũng cần thiết không ngừng làm mới mình, liên tục có sự đổi mới về nội dung và hình thức.

Nhà báo cần khai thác thêm nhiều khía cạnh “đắt giá”, những vấn đề nóng hổi của thị trường để có thêm nhiều sản phẩm báo chí chất lượng, góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp chuyển mình kịp thời, phát triển bền vững, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Để phát huy kết quả đạt được, ông Đặng Khắc Lợi cho rằng thời gian tới báo chí cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan, trung thực, công bằng, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội.Báo chí cần hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Các cơ quan báo chí cần tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông chính sách, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông đa phương tiện để tạo hiệu quả truyền thông chính sách…

Chính phủ cần thúc đẩy xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hoá doanh nghiệp. Kịp thời biểu dương các cơ quan báo chí, người làm báo và doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cống hiến, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo chí còn có sứ mệnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nhân về phát ngôn, cung cấp thông tin, ứng xử, giao tiếp với báo chí. Hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số; bồi dưỡng đào tạo cho lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên về kinh tế, chuyển đổi số báo chí.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kề vai sát cánh: Báo chí cùng doanh nghiệp vượt mọi khó khăn - Ảnh 1