Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 1
Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 2

Thưa ông, trong những năm vừa qua Đà Nẵng luôn là thành phố nằm trong top đầu ở khu vực miền Trung Việt Nam về thu hút nguồn vốn FDI. Ông đánh giá như thế nào về tác động của nguồn lực FDI vào sự phát triển của thành phố những năm qua?

Năm 2022, Đà Nẵng vừa kỷ niệm 25 năm là thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian đó Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu tương đối toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế đến ngày 15/5/2022, toàn thành phố có 920 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 3,929 tỷ USD từ 45 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có thể nói, nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện ở: góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu...; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua việc thu hút ngày càng nhiều các dự án có công nghệ tiên tiến; mô hình quản trị và phương thức kinh doanh cũng được cải tiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập quốc tế...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng là một trong các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, đã lấy lại đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II năm 2022 ước tăng 12,37% so với cùng kỳ 2021 (quý I/2022 chỉ tăng 1,96%) và tăng 21,37% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GRDP ước tăng 7,23% so với cùng kỳ 2021; tăng 12,36% so với cùng kỳ 2020 và cao hơn mức tăng 8,01% của 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt tăng 7,92% so với 6 tháng đầu năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19) với quy mô kinh tế (GRDP, giá hiện hành) tăng gần 6.490 tỷ đồng so với 6 tháng 2019, trong đó khu vực dịch vụ tăng 6.098 tỷ đồng. Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp FDI.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 3

Tiếp nối những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, cũng như đón đầu dòng vốn đang chuyển dịch mạnh mẽ tới điểm đến đầu tư tiềm năng là thành phố Đà Nẵng, theo ông, Đà Nẵng có những lợi thế, tiềm năng như thế nào để tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư đến địa phương mở rộng hoạt động? 

Có thể nói, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư FDI đến với thành phố. Là một thành phố có vị trí địa lý dễ dàng tiếp cận với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn thế giới như Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Đà Nẵng là cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối với Lào, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Đây là một lợi thế đặc biệt, riêng có của Đà Nẵng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng đã và đang được thành phố quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.  Có đủ dư địa cho việc đầu tư xây dựng Cảng biển Đà Nẵng; Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và xây dựng các Khu công nghiệp - Khu công nghệ cao; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, đẩy mạnh chuyển đổi số. Hệ thống giao thông ở Đà Nẵng rất thuận lợi về đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt và là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, Đà Nẵng liên tục được cộng đồng doanh nghiệp trong nước bình chọn thuộc nhóm các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam, đứng trong top đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 4

Lợi thế hấp dẫn của Đà Nẵng, đó là nơi dừng chân lý tưởng, được nhiều người đánh giá là một trong những nơi có môi trường sống tốt của Việt Nam, là điểm đến du lịch nổi tiếng ở miền Trung và của cả nước, cũng là nơi thường được lựa chọn để tổ chức nhiều hội nghị mang tầm quốc tế.

Một tiềm năng nữa của Đà Nẵng mà các nhà đầu tư rất quan tâm, đó là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư. Năm 1997, lực lượng lao động trong độ tuổi có 295.979 người, đến năm 2019 tăng lên 606.667 người, qua 22 năm tăng 310.688 người, bằng 2,05 lần; tốc độ tăng bình quân 3,31%/năm. Đà Nẵng có đầy đủ các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của người Đà Nẵng cũng là một yếu tố tích cực, tạo được niềm tin, thiện cảm đối với nhà đầu tư.

Với chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, thành phố đã xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 theo hướng đổi mới, chủ động, có trọng tâm, ưu tiên các thị trường chiến lược đối với các lĩnh vực trọng điểm (công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao,..); phấn đấu xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh cao; tập trung thu hút đầu tư để đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, góp phần phục hồi nền kinh tế, đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 5

Thưa ông, Đà Nẵng với những tiềm năng lợi thế như vậy cùng với khát vọng trở thành đô thị, hiện đại, thông minh, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực? Vậy hướng lựa chọn nguồn FDI những năm tới sẽ như thế nào?

Có thể thấy, quy mô tầm vóc kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng phát triển, vì thế Đà Nẵng cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây là định hướng xuyên suốt quá trình phát triển của Đà Nẵng đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Để thực hiện khát vọng đó, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng, phát triển dựa trên 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Ngày 26/10/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 3395/QĐ-UBND). Theo đó, thành phố xác định đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... 

Các lĩnh vực thành phố tập trung thu hút đầu tư bao gồm: công nghệ thông tin; công nghiệp công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hóa và cơ điện tử, vật liệu mới, dược phẩm và thiết bị y tế); công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện - điện tử; nghiên cứu và phát triển; dịch vụ logistics, thương mại, du lịch - bất động sản giá trị cao; dịch vụ tài chính (quản lý tài sản, quỹ đầu tư, các giao dịch tài chính offshore) và công nghệ tài chính (fintech); giáo dục - đào tạo và y tế chất lượng cao; du thuyền quốc tế; văn hóa, thể dục - thể thao;  nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 6

Thành phố tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500) và doanh nghiệp tại các nước phát triển (G7, G20, OECD…), cũng như thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài.

Mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 7 tỷ USD; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hoá tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Chính quyền Thành phố Đà Nẵng cam kết sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quan điểm: mỗi doanh nghiệp thành công, phát triển chính là sự thành công, phát triển của thành phố. Chúng tôi không ngừng phấn đấu để môi trường đầu tư kinh doanh ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới, tiếp tục xây dựng, phát triển Đà Nẵng hướng đến mục tiêu “thành phố đáng sống, đáng đầu tư”.

Đà Nẵng nhiều tiềm năng, lợi thế riêng có để thu hút FDI - Ảnh 7

VnEconomy 24/06/2022 06:00