08:57 31/05/2022

Đăk Lăk tháo dỡ 64 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại Cư Kuin

Mộc Minh

Hiện có 64/64 công trình đã được tháo dỡ, trong đó có 55/64 công trình được phá bỏ toàn bộ, trả lại hiện trạng đất ban đầu. UBND huyện Cư Kuin cũng hỗ trợ theo nguyện vọng của người dân… 

Hỗ trợ người dân tháo dỡ công trình xây sai phép.
Hỗ trợ người dân tháo dỡ công trình xây sai phép.

Theo UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, tính đến chiều 29/5/2022, Ban thực hiện cưỡng chế đã tiến hành phá dỡ 55/64 công trình xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích do Công ty TNHH MTV cà phê Việt Thắng quản lý thuộc thôn 8 và thôn 13, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin.

Theo phương án chi tiết UBND huyện Cư Kuin đã ban hành, công tác cưỡng chế được chia làm 3 đợt: đợt 1 bắt đầu từ 8 giờ ngày 27/5/2022 cưỡng chế 5 trường hợp có công trình vi phạm liên quan đến cán bộ, đảng viên, viên chức.

Đợt 2 bắt đầu từ 8 giờ ngày 28/5 đến 17 giờ ngày 29/5/2022 cưỡng chế 30 công trình vi phạm.

Đợt 3 bắt đầu từ 8 giờ ngày 30/5 đến 17 giờ ngày 31/5/2022 cưỡng chế 29 công trình vi phạm.

Tuy nhiên, trước thời điểm thực hiện cưỡng chế 1 ngày, đã có 46/58 hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm và đề xuất được chính quyền các cấp hỗ trợ nhân lực, vật lực di chuyển đồ đạc, tháo dỡ mái tôn để giảm bớt tổn thất về tài sản.

Theo ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, Trưởng Ban chỉ đạo cưỡng chế, trong ngày đầu thực hiện cưỡng chế dù vấp phải phản ứng của một số hộ dân nhưng các lực lượng đã tuyên truyền, giải thích, vận động và kiên quyết thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.

Sau buổi đầu tiên thực hiện cưỡng chế, Ban Chỉ đạo cưỡng chế cũng đã tổ chức họp rút kinh nghiệm với các bộ phận để triển khai công việc một cách hiệu quả. Qua công tác nắm tình hình, nhận thấy nhu cầu được giúp đỡ của người dân gia tăng, Ban chỉ đạo cũng đã quyết định tăng cường thêm nhân công và ca máy để tháo dỡ công trình vi phạm.

Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin trao đổi với các hộ dân về đề nghị được giúp đỡ vận chuyển tài sản - Ảnh: CK.
Ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin trao đổi với các hộ dân về đề nghị được giúp đỡ vận chuyển tài sản - Ảnh: CK.

Ban Chỉ đạo cũng đã linh hoạt chuyển trạng thái từ cưỡng chế sang hỗ trợ đối với các hộ dân chưa tới thời gian thực hiện cưỡng chế nhưng tự giác tháo dỡ công trình vi phạm và có nguyện vọng được lực lượng chức năng giúp đỡ.

UBND huyện Cư Kuin cũng tiến hành ký cam kết với các trường hợp này đồng ý để các lực lượng hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển tài sản và phá dỡ công trình vi phạm trước thời hạn cưỡng chế theo quyết định UBND huyện đã ban hành một cách tự nguyện, công khai, minh bạch, tránh khiếu kiện về sau.

“Theo phương án cưỡng chế đề ra ban đầu, ngày 29/5/2022 UBND huyện sẽ hoàn thành cưỡng chế 35/64 công trình xây dựng trái phép (tổng của đợt 1 và đợt 2). Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các lực lượng tham gia công tác cưỡng chế cùng sự hợp tác của người dân, hiện có 64/64 công trình đã được tháo dỡ, trong đó có 55/64 công trình được phá bỏ toàn bộ, trả lại hiện trạng đất ban đầu. Đáng mừng là 100% công trình vi phạm đều đã được người dân chủ động tháo dỡ hoặc đề xuất các lực lượng giúp đỡ, giảm bớt thiệt hại về tài sản cho người dân”, ông Võ Tấn Huy nói.

Cũng theo UBND huyện Cư Kuin, 64 căn nhà này xây dựng trái phép, sử dụng đất sai mục đích trên đất nông nghiệp (từ năm 2015 đến 2017) do Công ty TNHH Một thành viên cà phê Việt Thắng quản lý, dọc quốc lộ 27 (thuộc thôn 8 và 13, xã Ea Tiêu).

Các công trình trên của người nhận khoán, chuyển nhượng đất; người dân đầu cơ, mua bán đất trái phép, xây dựng nhà để ở và kinh doanh, buôn bán... Họ tập kết vật liệu và xây dựng vào ban đêm, những ngày nghỉ lễ, trong khi chính quyền và công ty Việt Thắng chậm kiểm tra, chưa kiên quyết xử lý.

 

Tại Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quy định mức xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với trường hợp: “Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai”.