Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột gần 22 nghìn tỷ đồng
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ có chiều dài 117 km được ưu tiên đầu tư với quy mô gần 22 nghìn tỷ đồng…
Ngày 9/3, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, Dự án này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ nói chung.
Dự án đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên kết nối với các tỉnh miền Trung còn thiếu và yếu, dẫn đến việc kết nối, vận tải hành khách, hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc xem xét, đánh giá liên quan đến kỹ thuật, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung xem xét, đánh giá về quy mô, phân kỳ đầu tư, phân chia dự án hợp lý để đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn vốn, khả năng giải ngân; tập trung làm rõ một số vấn đề lớn như các cơ chế đặc thù có thể triển khai, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án; phân tích, đánh giá kỹ các nội dung trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi để đảm bảo bước lập khả thi nhanh, chính xác và không phải điều chỉnh nhiều.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung ý kiến về quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công được quy định tại Điều 16 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; việc đáp ứng các tiêu chí xác định là dự án quan trọng quốc gia; các điều kiện để thực hiện đầu tư, đánh giá sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Ngoài ra, cần dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô và hình thức đầu tư; đánh giá về khu vực dự án, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; phân tích sơ bộ tính khả thi của các phương án huy động vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; hiệu quả đầu tư...
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117km. Điểm đầu dự án tại cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư, trong đó giai đoạn 1, đoạn Km0+000 - Km7+700 có bề rộng nền đường 24,75m; đoạn Km7+700 - Km117+500 có bề rộng nền đường 17m; bề rộng cầu 17,5m; công trình hầm mặt cắt ngang 2 ống hầm, chiều rộng mỗi hầm 11,2m; một số đoạn nền đường đào sâu, đắp cao đầu tư quy mô hoàn thiện bề rộng 24,75m.
Giai đoạn hoàn thiện: đầu tư mở rộng phù hợp theo quy mô quy hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, trước đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến đầu tư theo quy mô phân kỳ là khoảng 21.935 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 15.677 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.300 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 1.097 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.861 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn để đầu tư Dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông vận tải cho biết là đã dự kiến phân bổ 6.539 tỷ đồng trong tổng số Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ đã được Quốc hội thông qua; sử dụng khoảng 2.320 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và nguồn chưa phân bổ và nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của cả nước khoảng 7.251 tỷ đồng.
Ngoài ra, do Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nằm trong vùng có địa hình chủ yếu là đồi núi, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, do đó thời gian dự kiến thi công cần khoảng 3 năm. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tiến độ triển khai như sau: chuẩn bị dự án 2021 - 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm