Đang tính chuyện “cai” năng lượng Nga, châu Âu tăng mạnh nhập khẩu diesel Nga
Nhập khẩu dầu diesel từ Nga vào châu Âu đã tăng hơn 20% trong tháng 7 vừa qua, phản ánh thách thức lớn mà Liên minh châu Âu (EU) gặp phải khi cố gắng “cai” nguồn cung năng lượng Nga – theo báo Financial Times...
Tờ báo dẫn dữ liệu từ Vortexa - một công ty theo dõi tàu chở dầu – cho biết châu Âu nhập khẩu khoảng 700.000 thùng dầu diesel mỗi ngày từ Nga trong tháng 7, cao hơn mức của tháng 6 và tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này cho thấy EU sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi kế hoạch giảm nhập khẩu dầu diesel Nga về 0 từ tháng 2 năm tới - một phần trong phản ứng của khối này đối với việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“BÀI TOÁN” DIESEL HÓC BÚA ĐỐI VỚI CHÂU ÂU
“Châu Âu còn lâu mới thay thế được dầu diesel Nga. Tôi tự hỏi liệu châu Âu có thực thi đúng được lệnh cấm nhập khẩu diesel Nga như đã công bố hay không”, chuyên gia kinh tế trưởng David Wech của Vortexa phát biểu.
Trong những năm gần đây, sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga để được cung ứng dầu diesel dùng cho ô tô và các nhà máy đã không ngừng tăng lên. Nga là nhà cung cấp hơn một nửa lượng dầu diesel mà châu Âu nhập khẩu, theo Vortexa.
Trong một dấu hiệu cho thấy mối lo ngại của châu Âu về an ninh năng lượng toàn cầu, vào tháng trước, EU nới các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp quốc doanh Nga như hãng dầu lửa Rosneft. Việc nới lỏng trừng phạt này cho phép các công ty châu Âu tham gia vào các giao dịch với các công ty quốc doanh Nga về cung ứng dầu lửa cho nước thứ ba.
Phần lớn nguồn cung diesel của châu Âu đến từ việc chế biến dầu thô thành các sản phẩm tinh luyện tại các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, châu lục này đang bị thiếu năng lực lọc dầu vì công suất của các nhà máy lọc dầu trong khu vực đã bị cắt giảm trong thời gian đại dịch Covid-19 căng thẳng.
Ông Wech nói rằng trong thời gian tới, câu hỏi chủ chốt là liệu các nhà máy lọc dầu ở Mỹ, vốn thường tập trung sản xuất xăng, có thể vì tỷ suất lợi nhuận lớn hơn mà sản xuất thêm dầu diesel cho châu Âu.
Khoảng cách giữa giá dầu thô Brent và giá diesel là 35 USD/thùng, so với khoảng cách 20 USD/thùng giữa giá dầu Brent và giá xăng – theo S&P Global Commodity Insights.
Trung Quốc có công suất lọc dầu dự trữ để sản xuất thêm diesel, nhưng Chính phủ nước này đã chỉ đạo các nhà máy lọc dầu tập trung cung ứng cho thị trường trong nước.
Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, một số công ty giao dịch năng lượng lớn nhất thế giới đã cảnh báo về khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng diesel trên toàn cầu, thậm chí có thể dẫn tới việc phân chia khẩu phần nhiên liệu này.
Thị trường diesel thắt chặt đã đẩy giá diesel lên mức cao kỷ lục. Tại Anh, giá bán lẻ dầu diesel ở thời điểm trung tuần tháng 7 là 197,25 pence/lít, gần mức cao nhất mọi thời đại – theo dữ liệu từ RAC.
Mấy tuần gần đây, mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu đã kéo dầu thô và các sản phẩm xăng dầu giảm giá, nhưng giá khí đốt tăng mạnh - hiện đang ở mức cao gấp 10 lần so với mức bình quân 10 năm qua ở châu Âu - có thể dẫn tới sức ép gia tăng trên thị trường diesel. Giá khí đốt tự nhiên đang cao đến nỗi các công ty năng lượng và nhà máy được khuyến khích chuyển sang dùng diesel để phát điện. Một báo cáo của JPMorgan cho rằng xu hướng này có thể đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng thêm 700.000 thùng/ngày trong mùa đông năm nay.
“Nhu cầu dầu gia tăng để phát điện có thể khiến thị trường diesel toàn cầu càng thắt chặt hơn và đẩy giá diesel lên kỷ lục mới”, báo cáo nhận định.
KINH TẾ NGA TRỤ VỮNG HƠN DỰ BÁO BAN ĐẦU
Những đánh giá này một lần nữa cho thấy những rủi ro lớn mà châu Âu đang đối mặt trong cuộc đối đầu về năng lượng với Nga. Trong khi đó, một nghiên cứu mới đây của Đại học Yale, Mỹ rút ra kết luận rằng trong cuộc chiến năng lượng giữa Nga với châu Âu, Nga là bên gánh chịu thiệt hại lớn hơn.
“Trái ngược quan điểm phổ biến hiện nay về ảnh hưởng bất lợi của chiến tranh Nga-Ukraine đối với giá hàng hoá cơ bản toàn cầu, tầm quan trọng của xuất khẩu hàng hoá đối với Nga lớn hơn nhiều tầm quan trọng của việc Nga xuất khẩu hàng hoá cơ bản đối với thế giới”, nghiên cứu nhận định.
Các chuyên gia của Yale lập luận rằng chính nền kinh tế Nga mới hứng chịu “thiệt hại nhiều nhất” trong dài hạn từ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng dầu khí. Đó là bởi EU đã nhất trí tiến tới chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga kể từ cuối năm nay và cắt giảm nhập khẩu than Nga bắt đầu từ giữa tháng 8. Các nước châu Âu như Đức và Italy cũng đang nỗ lực để “cai” khí đốt Nga.
Nguồn thu xuất khẩu của Nga chủ yếu đến từ hàng hoá cơ bản, đặc biệt là năng lượng. “Thu từ xuất khẩu những mặt hàng này đóng góp hơn một nửa tổng ngân sách chính phủ Nga hàng năm. Hiện nay, tỷ lệ này thậm chí còn lớn hơn”, nhóm nghiên cứu của Yale nhấn mạnh. Nhóm nghiên cứu của Yale cũng cho rằng nền kinh tế Nga đang “lao đao” vì các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Dù vậy, các số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Nga đang trụ vững tốt hơn kỳ vọng nhờ nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu khí trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Lượng giảm nhưng giá tăng và bán được nhiều hơn cho khách châu Á, kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 5 đạt khoảng 20 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mức bình quân 15 tỷ USD mỗi tháng mà Nga thu được trong năm 2021 từ xuất khẩu dầu. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga có thể đạt 285 tỷ USD trong năm nay – Bloomberg cho hay.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nga 2,5 điểm phần trăm. Định chế này dự báo kinh tế Nga suy giảm 6% trong năm nay, thay vì giảm 8,5% như đưa ra trong lần dự báo trước. IMF cũng cho rằng nền kinh tế Nga có vẻ đang chống chọi với các biện pháp trừng phạt một cách tốt hơn đánh giá ban đầu.
Hồi cuối tháng 7, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) khiến thị trường tài chính toàn cầu ngạc nhiên khi cắt giảm lãi suất về 8%, thấp hơn mức trước khi nổ ra chiến tranh. Cơ sở mà CBR đưa ra cho động thái này là lạm phát hạ nhiệt, đồng nội tệ tăng giá mạnh và nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.
Đồng Rúp Nga đã phục hồi ngoạn mục sau cú giảm sâu vào những ngày đầu của chiến tranh Nga-Ukraine, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới năm nay.