08:38 01/08/2022

Bài 1: Châu Âu có thể “sống” mà không cần khí đốt Nga?

An Huy

Châu Âu đang chìm trong một cuộc khủng hoảng năng lượng, và điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia trong khu vực sẽ trầy trật để giữ cho các ngôi nhà được sưởi ấm và các nhà máy tiếp tục hoạt động trong mùa đông này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: AP.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: AP.

Sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào hôm 24/2, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt lên Nga. Cùng với đó, dòng chảy khí đốt từ Nga sang các nước EU ngày càng giảm. Tuần trước, lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí trực tiếp giữa Nga và Đức - giảm còn 20% công suất của đường ống.

Đối với châu Âu, khí đốt Nga có thể coi như một “nguồn nhựa sống”, bởi năng lượng này được dùng để cung cấp cho các nhà máy, phát điện, và sưởi ấm. Trước chiến tranh, Nga đáp ứng tới 40% nhu cầu khí đốt của toàn khu vực.

Trong lúc cố gắng xoay sở để chuẩn bị cho khả năng bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn, các nhà lãnh đạo châu Âu cáo buộc Moscow sử dụng năng lượng làm “vũ khí” trong cuộc đối đầu với phương Tây liên quan tới chiến tranh Nga-Ukraine. Về phần mình, điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc này, nói rằng việc cung cấp khí đốt giảm xuống là do yếu tố kỹ thuật bất khả kháng và do chính các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.

Cũng trong tuần trước, EU đã nhất trí một kế hoạch chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay, như một nỗ lực để vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nếu Nga tiếp tục “siết van”, thậm chí là cắt khí đốt hoàn toàn đối với khu vực.

Có một câu hỏi được đặt ra: Liệu châu Âu có thể “sống” mà không cần tới khí đốt Nga?

Dưới đây là những điều cơ bản cần biết về cuộc chiến khí đốt giữa Nga và châu Âu, do hãng tin AP điểm qua, để trả lời câu hỏi trên:

DÒNG KHÍ ĐỐT NGA CUNG CẤP CHO CHÂU ÂU ĐÃ GIẢM TỚI MỨC NÀO?

Đến hiện tại, chưa có một con số cụ thể được đưa ra về mức độ giảm của dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu. Chỉ biết rằng dòng chảy này đã giảm mạnh. Từ trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Nga đã không bán khí đốt trên thị trường giao ngay, mà thay vào đó cung cấp theo các hợp đồng dài hạn.

Sau khi chiến tranh nổ ra, Nga đến nay đã đỉnh chỉ việc cung cấp khí đốt cho 6 nước châu Âu gồm Bulgaria, Phần Lan, Ba Lan, Đan Mạch, Hà Lan và mới nhất là Latvia. Lý do mà Nga đưa ra cho việc cắt khí đốt đối với 5 nước đầu tiên là các nước này không chịu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp. Đối với Latvia, Nga ngày 30/7 cáo buộc nước này vi phạm các điều kiện về mua hàng, nhưng không công bố cụ thể đó là gì.

Ngoài ra, Nga còn giảm cung cấp khí đốt đối với 6 quốc gia châu Âu khác. Trong đó, Đức đang bị Nga giảm 80% lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1. Riêng công ty Shell Energy Europ tại Đức đã bị Nga ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn.

VÌ SAO KHÍ ĐỐT NGA CÓ TẦM QUAN TRỌNG LỚN ĐỐI VỚI CHÂU ÂU?

Trước chiến tranh, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của châu Âu. Hiện nay, tỷ trọng này sụt giảm xuống còn 15%, khiến giá khí đốt tăng vọt và đặt ra sức ép lớn đối với những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trong khu vực. Ngoài phát điện và sưởi ấm là những công dụng dễ thấy, khí đốt được sử dụng trong nhiều quy trình mà hầu hết mọi người không bao giờ nhìn thấy, từ luyện thép cho tới sản xuất ô tô, từ sản xuất chai lọ thuỷ tinh cho tới tiệt trùng sữa và bơ.

Các công ty ở châu Âu cảnh báo rằng họ không thể chuyển ngay sang sử dụng các nguồn năng lượng khác như dầu và điện để phát nhiệt. Trong một số trường hợp, các trang thiết bị dùng để xử lý kim loại hoặc thuỷ tinh trong trạng thái nóng chảy sẽ bị hỏng nếu nguồn nhiệt bị tắt.

Giá năng lượng cao đang đặt châu Âu trước nguy cơ suy thoái kinh tế vì đẩy lạm phát lên cao ngất ngưởng khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng để trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu gồm lương thực-thực phẩm, xăng dầu và điện nước. Nếu Nga cắt khí đốt hoàn toàn, đó có thể là một đòn “chí mạng” đối với nền kinh tế vốn đang lao đao của châu Âu.

27 nước thành viên EU đang cố gắng làm đầy dự trữ khí đốt trước mùa đông – giai đoạn cao điểm của tiêu thụ khí đốt hàng năm. Tuy nhiên, dự trữ khí đốt của khu vực hiện mới đạt 65%, so với mục tiêu đạt 80% trước ngày 1/11.

ĐƯỜNG ỐNG NORD STREAM 1 LÀ GÌ?

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt chạy ngầm dưới biển Baltic nối từ Nga tới Đức, và là con đường chính của khí đốt Nga bán cho Đức. Nga giải thích cho việc giảm cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 còn 20% là do một turbine của đường ống được gửi tới Canada để bảo dưỡng vẫn chưa được đưa về tới nơi, trong khi một turbine khác lại đang cần được sửa do hỏng hóc.

“Tình hình càng thêm phần phức tạp vì các hạn chế và trừng phạt áp lên đất nước chúng tôi”, người phát ngôn Dmitry Peskov của điện Kremlin nói.

Các nhà lãnh đạo châu Âu bác bỏ giải thích kỹ thuật này của Nga. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói Moscow “đang tìm cách phá sự hỗ trợ to lớn dành cho Ukraine và tạo ra sự chia rẽ trong xã hội chúng ta. Để làm được điều này, họ khuấy đảo sự bấp bênh và đẩy giá cả lên cao”.

Theo một số ước tính, châu Âu cần tiết kiệm 12 tỷ mét khối khí đốt, tương đương 120 tàu chở khí hoá lỏng (LNG) để đạt mục tiêu dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu.

Ngoài Nord Stream 1, còn có 3 đường ống khác dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, nhưng đường ống đi qua Ba Lan và Belarus đã ngừng hoạt động. Đường ống đi qua Ukraine và Slovakia cũng đang chứng kiến lượng khí đốt suy giảm trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn. Đường ống còn lại đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgaria.

Ngoài khí đốt từ Nga, châu Âu còn mua khí đốt qua các đường ống từ Na Uy, Bắc Phi và Azerbaijan.

NGA MUỐN GÌ TRONG CUỘC CHIẾN KHÍ ĐỐT?

Lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga đã giảm đáng kể so với trước chiến tranh, nhưng giá năng lượng tăng cao đồng nghĩa với việc thu từ xuất khẩu năng lượng của nước này thực chất lại tăng lên – theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Định chế có trụ sở tại Paris ước tính thu từ xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Nga sang châu Âu trong 5 tháng kể từ đầu cuộc chiến tranh đã tăng gấp đôi so với mức bình quân cùng kỳ những năm gần đây, đạt 95 tỷ USD. Con số này thậm chí lớn gấp 3 lần so với kim ngạch xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu trong toàn bộ mùa đông mỗi năm của những năm trước.

Bởi vậy, ngân sách của Nga vẫn dồi dào dù bị phương Tây áp các biện pháp trừng phạt nặng nề. Ngược lại, một cuộc suy thoái kinh tế ở châu Âu do khủng hoảng năng lượng có thể khiến EU phải cắt giảm sự hỗ trợ dành cho Ukraine, đồng thời có thể phải nhượng bộ Moscow trên bàn đàm phán.

“Xét tới những gì chúng ta đã chứng kiến trong 1 năm qua, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu loại trừ khả năng Nga chấp nhận từ bỏ doanh thu từ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để giành lấy đòn bẩy chính trị”, Giám đốc điều hành Fatih Birol của IEA nhận định.

CHÂU ÂU CÓ THỂ LÀM GÌ?

Được cung cấp ngày càng ít khí đốt Nga, EU đã chuyển sang tăng cường sử dụng một loại năng lượng đắt đỏ hơn là LNG, nhập khẩu bằng tàu biển từ Mỹ và Qatar. Đức đang đẩy nhanh việc xây dựng các cảng nhập khẩu LNG trên bờ Biển Bắc của nước này, nhưng việc này cũng phải mất vài năm mới có thể hoàn thành. Trong số 4 cảng nổi để tiếp nhận LNG mà Đức đang xây, cảng đầu tiên có thể đi vào hoạt động cuối năm nay.

Nhưng riêng LNG không thể đủ để lấp đầy khoảng trống mà khí đốt Nga để lại. Các cảng xuất khẩu LNG trên khắp thế giới hiện đang vận hành hết công suất trong bối cảnh thị trường khí đốt thắt chặt, và lượng LNG xuất khẩu khó có thể tăng thêm nhiều. Một sự cố ở đâu đó cũng có thể khiến nguồn cung giảm thêm. Chẳng hạn, một vụ nổ tại một cảng khí đốt ở Freeport, Texas - chủ yếu xuất khẩu khí đốt sang châu Âu – đã khiến cho nguồn cung LNG của châu Âu giảm 2,5% chỉ sau một đêm.

Ngoài ra, châu Âu còn phải cạnh tranh với châu Á để giành giật nguồn LNG hạn hẹp. Vì vậy, các nhà phân tích của Capital Economics dự báo giá khí đốt sẽ giữ ở mức cao. Ngay cả giá khí đốt ở Mỹ, thị trường vốn thường có sự cách ly với phần còn lại của thế giới, cũng có thể tăng mạnh vì Mỹ là một nước xuất khẩu LNG lớn – theo Capital Economics.

Vì thế, tiết kiệm khí đốt và tăng sử dụng các nguồn năng lượng khác là việc sống còn. Chẳng hạn, Đức dự kiến kéo dài thời gian sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, thiết lập một hệ thống đấu giá khí đốt nhằm khuyến khích việc tiết kiệm, và cài đặt lại các bộ ổn nhiệt tại các toà nhà công cộng.

Các bộ trưởng năng lượng EU đã nhất trí một dự thảo luật nhằm giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong khối trong thời gian từ tháng 8/2022-3/2023 bằng các biện pháp tự nguyện. Các biện pháp bắt buộc sẽ được kích hoạt nếu lượng khí đốt tiết kiệm được không đủ.

Các nước châu Âu đang ra sức giành lấy các nguồn cung năng lượng thay thế cho khí đốt Nga. Lãnh đạo Italy, Pháp và EU mới đây đã ký thoả thuận với các đối tác ở Algeria, Azerbaijan và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để mua thêm khí đốt tự nhiên và LNG từ các quốc gia này.

NGƯỜI CHÂU ÂU SẮP PHẢI TRẢI QUA MỘT MÙA ĐÔNG LẠNH GIÁ?

Khả năng nhà dân, trường học và bệnh viện ở châu Âu bị cắt giảm nhiệt sưởi trong mùa đông này là thấp, bởi các chính phủ dự định trước tiên sẽ áp dụng việc chia khẩu phần khí đốt đối với doanh nghiệp. Chính phủ Đức cũng có thể cho phép các nhà cung cấp khí đốt đẩy phần chi phí gia tăng về phía khách hàng, đồng nghĩa với việc hoá đơn khí đốt của các nhà máy và người tiêu dùng có thể tăng rất mạnh.

IEA khuyến nghị các quốc gia châu Âu vận động người dân tiết kiệm khí đốt tại nhà và lên kế hoạch chia sẻ khí đốt trong trường hợp khẩn cấp.

Nhưng thời gian đang không đứng về phía châu Âu.

“Các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải chuẩn bị cho khả năng này ngay từ bây giờ để tránh những hệ quả tồi tệ có thể xảy đến từ cách phản ứng rời rạc và bất ổn. Mùa đông này có thể là một bài kiểm tra lịch sử đối với sự đoàn kết của châu Âu, một bài kiểm tra mà châu Âu không được phép thất bại, vì ảnh hưởng của sự thất bại sẽ vượt xa khỏi lĩnh vực năng lượng”, ông Birol nói.

Mời quý độc giả đón đọc bài 2: Ngành thép châu Âu có sụp đổ nếu thiếu khí đốt Nga?", trong loạt bài cùng chủ đề: "Khủng hoảng năng lượng và ảnh hưởng đến kinh tế châu Âu".