13:59 03/08/2022

Bài 5: Dòng chảy thương mại khí hóa lỏng toàn cầu bị đảo lộn như thế nào?

An Huy

Ngay cả khi chi phí vận chuyển rất đắt đỏ, áp lực tranh giành nguồn cung với sự tham gia của châu Âu đã làm đảo lộn dòng chảy khí hóa lỏng (LNG) của thế giới, khi mức giá sẵn sàng trả của khối này đã đánh bật các khách hàng truyền thống ở châu Á...

Một tàu chở LNG cập cảng châu Âu.
Một tàu chở LNG cập cảng châu Âu.

Những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu cho thấy một điều rằng: dù đã định sẵn chiến lược dài hạn là chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái sinh bền vững hơn, Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải xoay sở đủ cách trong ngắn hạn để ứng phó với dòng khí đốt từ Nga ngày càng nhỏ dần.

Trong lúc Moscow “siết van” khí đốt, châu Âu đổ đi khắp nơi tìm nguồn năng lượng để giữ cho nền kinh tế vận hành, nhất là khi mùa đông – mùa tiêu thụ khí đốt cao điểm – đang tới gần. Các nhà máy điện chạy bằng than vận hành trở lại. Hàng tỷ USD được chi ra để xây dựng cảng nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG), chủ yếu từ các mỏ khí đá phiến ở vùng Texas của Mỹ. Giới chức châu Âu cũng tích cực bay tới Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để tìm kiếm các thoả thuận cung cấp năng lượng.

 

Châu Âu “đang giành lấy LNG khỏi những thị trường ít sẵn sàng nhất để trả mức giá mà châu Âu sẵn sàng trả. Điều này đặt châu Á vào một vị trí không hề dễ chịu”.

CEO Ben van Beurden, Shell

Nỗi lo lớn nhất ở châu Âu vào thời điểm này là Nga có thể tiếp tục cắt giảm cung cấp khí đốt, thậm chí là ngừng hoàn toàn, buộc các nước EU phải áp dụng biện pháp chia khẩu phần khí đốt, các doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa nhà máy và hàng nghìn, hàng triệu công việc có nguy cơ bị mất.

Cho tới hiện tại, “cuộc săn” năng lượng của châu Âu đã đạt được thành công đáng kể. Nhưng do giá năng lượng tiếp tục tăng cao và Nga không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của sự xuống thang, nên châu Âu hầu như không được phép phạm sai lầm trong nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế khí đốt Nga.

“Có một mối lo rất lớn và hợp lý về mùa đông sắp tới”, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề khí đốt toàn cầu Michael Stoppard thuộc S&P Global nói với báo New York Times.

CUỘC CHUYỂN ĐỔI KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC

Hơn 5 tháng sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu đang bắt buộc phải thực hiện một cuộc chuyển đổi cực kỳ nhanh chóng và ngày càng không thể đảo ngược để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho việc thắp sáng, sưởi ấm, làm mát và vận hành các nhà máy. Chiến lược dài hạn của châu Âu vốn là chuyển sang những nguồn năng lượng tái sinh, nhưng vấn đề cấp bách trước mắt là làm thế nào để vượt qua mùa đông năm 2022 một cách an toàn.

Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khí đốt mà Nga - quốc gia vốn là nhà cung cấp năng lượng hoá thạch lớn nhất của châu Âu – bơm cho khu vực này hiện chỉ bằng 1/3. Tuần trước, hãng khí đốt quốc doanh của Nga Gazprom giảm dòng chảy khí đốt đi qua Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất của đường ống này, khiến giá khí đốt giao sau tại châu Âu tăng lên mức kỷ lục. Trong vòng 1 ngày sau tuyên bố của Gazprom, EU phê chuẩn kế hoạch cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022-3/2023.

Sự dịch chuyển của châu Âu khỏi khí đốt Nga - điều không thể hình dung sau nhiều thập kỷ khu vực này quen dùng khí đốt từ vùng Siberia bơm qua những đường ống dài hàng nghìn dặm – đang gây ra cú sốc tại các nhà máy trên khắp châu Âu và buộc các chính phủ phải tìm nguồn năng lượng thay thế.

Nỗ lực của EU hiện tại bù đắp được phần lớn nguồn cung khí đốt Nga hao hụt. Cho dù Gazprom “siết van”, nguồn cung khí đốt mà châu Âu nhận được trong nửa đầu năm nay gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái – theo chuyên gia Jack Sharples thuộc Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford. Nổi bật nhất là LNG, loại năng lượng được vận chuyển bằng tàu biển và về cơ bản đã thế chỗ khí đốt vận chuyển bằng đường ống từ Nga để trở thành nguồn năng lượng khí đốt chính của châu Âu. Khoảng một nửa nguồn cung LNG của châu Âu hiện nay đến từ Mỹ, nước trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay.

Để chuẩn bị cho mùa đông, các nước châu Âu đang hối thúc các công ty năng lượng làm đầy dự trữ khí đốt, phòng trường hợp Nga đóng hết các dòng chảy. Dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đạng 67% công suất, nhiều hơn 10 điểm phần trăm so với cách đây 1 năm. Mức dự trữ này mang lại một sự yên tâm nhất định rằng các nước châu Âu có thể đạt gần mục tiêu đầy 80% dự trữ khí đốt trước khi bước vào mùa đông như EU đề ra.

Dù vậy, sự bất an vẫn ngày càng gia tăng, và có nhiều lý do để lo ngại rằng nỗ lực của châu Âu có thể không còn mang lại nhiều tác dụng khi thời tiết chuyển lạnh.

Nga thừa biết chiến dịch tích trữ khí đốt của EU và có thể sẽ cản trở bằng cách cung cấp ít khí đốt hơn - giới phân tích nhận định. Và những hiện tượng thời tiết cực đoan - như một mùa đông lạnh giá bất thường, một cơn bão ở vùng Biển Bắc khiến hoạt động sản xuất khí đốt của Na Uy bị gián đoạn, hay một mùa bão mạnh hơn bình thường trên Đại Tây Dương khiến cho các chuyến tàu chở LNG bị trì hoãn - đều có thể đẩy châu Âu vào cảnh không có đủ năng lượng để dùng.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) gặp Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov để bàn về vấn đề năng lượng, tháng 7/2022 - Ảnh: AzerNews.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) gặp Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov để bàn về vấn đề năng lượng, tháng 7/2022 - Ảnh: AzerNews.

“Chúng tôi đang tiến gần tới vùng nguy hiểm”, ông Massimo Di Odoardo – Phó chủ tịch phụ trách vấn đề khí đốt tại công ty nghiên cứu Wood Mackenzie - nhận định.

Phản ánh những mối lo này, giá khí đốt giao sau tại châu Âu đã tăng gấp đôi trong 2 tháng qua, lên mức khoảng 200 Euro/mWh trên sàn TTF ở Hà Lan, cao cấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

THỬ THÁCH MÙA ĐÔNG 2022

Giá năng lượng tăng chóng mặt đang đặt nhiều ngành công nghiệp của châu Âu vào thế rủi ro, bắt buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh để thích ứng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng nhu cầu khí đốt của khu vực có thể giảm 9% trong năm nay.

Chẳng hạn, một nhà máy thép đặt ở Hamburg, Đức của hãng ArcelorMittal đã dùng khí đốt tự nhiên cho việc tách sắt để đưa vào lò điện. Gần đây, nhà máy này chuyển sang mua kim loại đầu vào từ một nhà máy khác của ArcelorMittal ở Canada, nơi có giá năng lượng rẻ hơn. Dù đã tăng cao so với chuẩn lịch sử, giá khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ hiện mới chỉ bằng khoảng 1/7 so với ở châu Âu.

 

“Rủi ro lớn nhất hiện nay là giá năng lượng dùng cho các hộ gia đình và nhà máy tăng bùng nổ trong mùa đông này. Đó là điều mà người dân và doanh nghiệp hầu như không thể ứng phó”.

Chuyên gia Henning Gloystein, Eurasia Group

“Giá khí đốt tự nhiên đang quá cao so với những gì chúng tôi có thể chịu được”, CEO Uwe Braun của nhà máy ArcelorMittal ở Hamburg phát biểu.

Ít nhà phân tích hay lãnh đạo doanh nghiệp nào cho rằng cuộc khủng hoảng khí đốt của châu Âu sẽ dịu đi trong những tháng tới. Thay vào đó, mùa đông có thể khiến những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón và kính của khu vực này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy.

Tin tức về các vụ đóng cửa nhà máy hoặc cắt giảm sản xuất đã bắt đầu xuất hiện. Ở Romania, ALRO Group mới đây cho biết sẽ ngừng sản xuất tại một nhà máy nhôm lớn và sa thải 500 công nhân do giá năng lượng cao khiến nhà máy không thể cạnh tranh.

Tại một số quốc gia, bao gồm Anh và Đức, các công ty năng lượng vẫn chưa đẩy hết phần chi phí gia tăng về phía khách hàng, đồng nghĩa với một cú sốc tồi tệ hệ hơn vẫn còn đang chờ phía trước.

“Rủi ro lớn nhất hiện nay là giá năng lượng dùng cho các hộ gia đình và nhà máy tăng bùng nổ trong mùa đông này. Đó là điều mà người dân và doanh nghiệp hầu như không thể ứng phó”, ông Henning Gloystein - một giám đốc của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group – phát biểu.

CUỘC TRANH MUA LNG VỚI CHÂU Á

Việc vận chuyển khí hoá lỏng, nguồn năng lượng chính để thay thế khí đốt Nga tại châu Âu vào lúc này, vẫn còn đắt đỏ. Và việc châu Âu mua ngày càng nhiền LNG rốt cục có thể ảnh hưởng bất lợi đến các khu vực khác của thế giới có sự phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng này. Châu Âu đang giành mua khí đốt khỏi những khách hàng lớn truyền thống của loại năng lượng này, chủ yếu ở châu Á, nhưng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Châu Âu “đang giành lấy LNG khỏi những thị trường ít sẵn sàng nhất để trả mức giá mà châu Âu sẵn sàng trả. Điều này đặt châu Á vào một vị trí không hề dễ chịu”, CEO Ben van Beurden của hãng năng lượng Shell, một nhà cung cấp LNG, phát biểu.

Những nước như Đức và Romania cũng đang triển khai các biện pháp khác để ứng phó với khủng hoảng khí đốt, bao gồm đưa các nhà máy phát điện chạy than hoạt động trở lại hoặc trì hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy này này. Ý tưởng ở đây là giảm thiểu việc sử dụng khí đốt cho phát điện, và thay vào đó tiết kiệm khí đốt cho những việc quan trọng hơn như sưởi ấm nhà dân và vận hành nhà máy. IEA dự báo nhu cầu than toàn cầu trong năm nay sẽ đạt khoảng 9 tỷ tấn, bằng với mức đỉnh thiết lập vào năm 2013.

Nhưng còn đó nhiều bấp bênh. Châu Âu hiện có hơn 20 cảng nhập khẩu LNG, nhưng ở Đức chưa có cảng nào. Đức đang gấp rút xây dựng 4 cảng LNG và dành ra 2,5 tỷ Euro để thuê 4 tàu xử lý LNG, nhưng hiện chưa rõ liệu bất kỳ cơ sở nào trong số này có thể được đưa vào hoạt động đủ nhanh để giải toả áp lực cho mùa đông sắp đến.

Thời tiết cũng sẽ là một yếu tố rất quan trọng, và không chỉ thời tiết ở châu Âu. Một mùa dông lạnh giá ở châu Á - thị trường chủ đạo bấy lâu của LNG – có thể làm gia tăng cuộc cạnh tranh giữa châu Á và châu Âu để giành giật nguồn cung LNG đang hạn hẹp trên toàn cầu.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Grohnde, Đức hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters.
Một nhà máy điện hạt nhân ở Grohnde, Đức hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters.

Chưa kể, các nguồn khí đốt khác cũng khó tăng thêm. “Nếu khí đốt Nga bị cắt hẳn, sẽ chẳng còn nhiều dư địa để nguồn cung từ các nơi khác tăng thêm”, chuyên gia Sharples của viện Oxford nhận định.

Ngoài ra, còn có những vấn đề khó lường nữa. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng khí đốt này, Chính phủ Hà Lan đã vạch ra một kế hoạch đóng cửa mỏ khí đốt khổng lồ Groningen ở miền Bắc nước này. Mỏ này là một trong số ít những nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ở châu Âu đại lục, nhưng vấp phải sự phải đối của người dân địa phương do việc khai thác khí đốt ở đây gây ra những vụ động đất.

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu tình hình hiện nay có dẫn tới việc Hà Lan cho mở lại Groningen - mỏ khí đốt mà chuyên gia Stoppard của S&P Global gọi là “người khổng lồ ngủ quên” vì có khả năng cung cấp một lượng khí đốt lớn, có thể tương đương 40% tiêu thụ khí đốt hàng năm của Đức. Chính phủ Hà Lan đã quyết định tạm hoãn kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt này vì “những diễn biến địa chính trị bất ổn”, nhưng khẳng định sẽ chỉ vận hành lại mỏ “trong trường hợp xấu nhất, khi sự an toàn của người dân bị đặt vào thế rủi ro”.