“Đánh bạc” với penny: Kiềm chế lòng tham vì “hòn than” đang nóng
Tiền trên thị trường rất nhiều, những cổ phiếu cơ bản tốt về kinh doanh, lợi nhuận đều đã tăng trưởng suốt một thời gian, cơ hội ngắn hạn kém hấp dẫn nên dòng tiền “bu vào” những game đánh sóng...
Sau khi chinh phục đỉnh mới 1.420 điểm vào đầu tháng 7, Vn-Index đã quay đầu lao dốc trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư. Kể từ tháng 8 đến nay, thị trường biến động cực mạnh.
TIỀN VÀO PENNY NHIỀU KỶ LỤC
Trong hai tuần đầu tiên, Vn-Index tăng điểm tốt và vượt qua mốc 1.370 điểm vào ngày 19/8 khi các ca nhiễm mới hàng ngày tại Tp.HCM cho thấy xu hướng giảm dần. Sau đó, thị trường bắt đầu lao dốc khi Tp.HCM thắt chặt giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 23/8, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó". Chốt phiên giao dịch 16/9, Vn-Index dừng chân tại 1.345,8 điểm, vẫn tăng 2,6%.
Không phải VN30 mà chính Vn-Smallcap và Vn-Mid mới là động lực chính giữ nhiệt cho thị trường. Kết thúc phiên giao dịch 16/9, VN30 đạt 1.448,9 điểm, gần như không đổi so với đầu tháng 8, thanh khoản sụt đáng kể, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên cũng giảm từ 12.000 - 13.000 tỷ đồng/phiên xuống còn 6.000 - 7.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, hơn tháng qua Vn-Small lại tăng dựng ngược 22,8%, đạt 1.653 điểm, đây là vùng giá cao nhất kể từ ngày thành lập 2014 tới nay. Thanh khoản nhóm này cũng cao gần gấp đôi tháng trước, khối lượng trung bình mỗi phiên khoảng 180 triệu được khớp.
Nếu như thời điểm trước đó, giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ lình xình 1.000 - 2.000 tỷ đồng/phiên thì từ tháng 8 đến nay, giá trị giao dịch tăng tương ứng với khối lượng, lên trung bình khoảng 3.500 tỷ đồng/phiên. Riêng trong tháng 8, tổng giá trị giao dịch của nhóm này là gần 72.000 tỷ đồng thông qua khớp lệnh lẫn thoả thuận, đây cũng là giá trị khớp lệnh kỷ lục của nhóm này tính theo tháng kể từ ngày thành lập.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá trị giao dịch tiếp tục khớp ở mức kỷ lục, phiên 16/9 thanh khoản 3.600 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền trên thị trường vẫn đang quanh quẩn "kiếm ăn" khi mà rổ Vn30 đang chững lại.
Hầu hết các cổ phiếu lớn trong rổ Vn-Small đều tăng trưởng bứt phá kể từ tháng 8, thậm chí có những mã tăng 5-6 lần. Có đến 76% cổ phiếu rơi vào phạm vi sinh lời từ 0% đến 20%.
CẦN BIẾT KIỀM CHẾ LÒNG THAM
Làn sóng tăng giá xuất hiện ở hàng loạt cổ phiếu đầu cơ nhỏ tạo nên sức hút khó cưỡng. Sóng mạnh nhất có lẽ phải kể đến nhóm dược. Đánh dấu cho sự trở lại của nhóm này bắt đầu từ ngày 7/8 khi thị trường xuất hiện thông tin Công ty Y Dược Vimedimex (VMD) được chấp thuận trở thành đối tác nhập khẩu vaccine Spunik V về Việt Nam. VMD liên tục kịch trần, lan toả cho cả nhóm dược, nhiều mã như DBT, CP1, CDP, IMP, TRA, DHG cũng 2 tuần ròng rã leo đỉnh không mệt mỏi.
Những mã như TGG, trong vòng một tháng tăng gấp 5 lần từ 12.000 đồng lên 60.300 đồng/cổ phiếu. Hay BII, sau khi được thâu tóm, cổ phiếu này cũng tăng gấp 3 lần trong vòng chưa đầy một tháng, từ vùng giá 9.000 đồng lên 32.000 đồng/cổ phiếu. Những điều này cũng diễn ra tương tự tại các mã như APG của Chứng khoán APG, SMT của Công ty CP Sametel, DDV của Vinachem, GKM của Khang Minh Group.
Lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam từng ghi nhận nhiều bài học cay đắng từ FTM, RIC, sau chuỗi vài chục phiên kịch trần liên tiếp đã quay xe đổ đèo, "múa bên trăng". Người thiệt hại nhất vẫn là những nhà đầu tư cá nhân chậm chân.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, trong tháng 8, nhà đầu tư trong nước mở mới 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 120.379 tài khoản và 127 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 8 vừa qua là con số lớn thứ 2 trong lịch sử, chỉ xếp sau số tài khoản mở mới trong tháng 6 với hơn 140.000 tài khoản.
Còn theo dữ liệu của FiinPro cho thấy, trong tháng 8, cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.380 tỷ đồng, gấp 8 lần so với tháng 7. Đây cũng là tháng thứ 11 mua ròng liên tiếp của nhà đầu tư cá nhân trong nước với tổng giá trị gần 67.000 tỷ đồng. Bước sang tuần 13-17/9, nhà đầu tư cá nhân rót ròng 1.649 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Trái ngược với cá nhân trong nước, các nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 5.314 tỷ đồng (hay -231 triệu USD), tự doanh cũng bán ròng 120 tỷ đồng (hay -5 triệu USD). Khối ngoại cũng bán ròng 7.129 tỷ đồng.
Bình luận về vấn đề này, ông Phan Linh - Giám đốc chuyên môn Công ty tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng, "hòn than" đang rất nóng, ai cũng hiểu nguy hiểm như thế nào nhưng không ai nghĩ rằng mình là người cuối cùng cầm hòn than đó.
Ví dụ với BII sau khi nhóm cổ đông mới thâu tóm nhà đầu tư kỳ vọng vào ban lãnh đạo mới sẽ có những chiến lược mới và nguồn tiền dồi dào để vực lại tình hình kinh doanh vốn bết bát của BII ( Bảo Thư ) trước kia. Với định hướng ban đầu tập trung vào việc mở rộng bất động sản khu công nghiệp để tận dụng quỹ đất hiện có. Công ty sẽ xúc tiến thu hút đầu tư và ký kết các hợp đồng thuê đất tại Cụm công nghiệp Tân Bình, Cụm công nghiệp Thắng Hải 1, Thắng Hải 2. Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng Cụm công nghiệp Thắng Hải 3.
Trong khi những khu công nghiệp mới vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu triển khai, mà để một khu công nghiệp mới từ lúc triển khai đến lúc cho thuê nếu nhanh cũng mất 3-5 năm. Vậy trong quãng thời gian đó lợi nhuận của BII sẽ đến từ đâu? Chưa kể chất lượng tài sản còn rất nhiều điểm mờ mà các nhà đầu tư cần chú ý.
"Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhà đầu tư bị mù quáng bởi tốc độ tăng giá của dòng cổ phiếu này và phiêu theo những lời hô hào trên các diễn đàn mà quên đi mất chất lượng tài sản và lợi nhuận của dòng cổ phiếu này có rất nhiều vấn đề. Hãy kiềm chế bớt lòng tham của mình trước khi tất cả đều phải chạy ào thoát thân qua một cánh cửa hẹp", ông Linh khuyến cáo.