10:39 07/09/2021

“Xuống tiền” nhóm nào khi cổ phiếu vừa và nhỏ sắp “hết vị”?

An Nhiên

Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều, trong khi cổ phiếu nhóm khác đã điều chỉnh mạnh so với mức đỉnh cũ...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2021 của Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho thấy, chỉ số Vn-Index biến động mạnh trong tháng 8, kết thúc tháng, Vn-Index ghi nhận mức tăng 1,64% lên 1.331,47 điểm.

CỔ PHIẾU NHÓM VỪA VÀ NHỎ “HẾT VỊ”?

Thanh khoản bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE thông qua giao dịch khớp lệnh đạt 21,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với tháng trước. Thanh khoản nhóm VN30 giảm 4% so với tháng trước, chiếm 49% tổng thanh khoản của Vn-Index. VNSmall ghi nhận mức tăng trưởng thanh khoản cao tăng 102% so với tháng trước), VNMid cũng tăng trưởng thanh khoản ấn tượng tăng 71% so với tháng trước.

Cổ phiếu VN Small và VN Mid tăng mạnh bất kể sự biến động của toàn thị trường. Ba câu chuyện chính trong tháng này tạo tiền đề cho sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ: (1) Giá cước vận tải nội địa liên tục tăng thúc đẩy các cổ phiếu vận tải/cảng. (2) Kỳ vọng mạnh mẽ vào đầu tư công để kích thích kinh tế sau Covid-19 đã mở đường cho đà tăng của cổ phiếu Xây dựng hạ tầng & Vật liệu. (3) Thông tin tích cực về việc nhập khẩu vaccine Covid-19 đã hỗ trợ cho làn sóng cổ phiếu dược phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính liên quan đến phân phối/nhập khẩu/bảo quản vaccine.

Thanh khoản theo từng nhóm trong những tháng gần đây.
Thanh khoản theo từng nhóm trong những tháng gần đây.

Đánh giá về triển vọng thị trường chứng khoán tháng 9, theo VDSC, trợ lực chính giúp nâng đỡ Vn-Index trong tháng 9 là những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng/bao phủ vaccine và câu chuyện nới lỏng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt như hiện tại.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, việc giãn cách xã hội chặt chẽ kéo dài có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tháng này, kỳ vọng Vn-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380 điểm.

Trong tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và mua ròng mạnh cổ phiếu. Tuy nhiên, việc tiếp tục giãn cách mà chưa thể nới lỏng trong tháng 9 sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chung và có khả năng dẫn đến hành động bán chốt lời khi nhà đầu tư nước ngoài đã khá thành công trong việc "bắt đáy" giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 7.

VDSC cũng bày tỏ quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều dựa trên danh sách cổ phiếu theo dõi.

Đồng thời, giữ quan điểm trung lập đối với nhóm cổ phiếu Bất động sản do hoạt động bán hàng và bàn giao gặp khó khăn trong Q3/2021. Đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí cũng trung lập do khả năng giá dầu tăng đột biến trong nửa cuối năm 2021 là tương đối thấp.

NHÓM NGÂN HÀNG SẼ HÚT DÒNG TIỀN?

Trong khi đó, theo VDSC, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn, trong đó VDSC vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng như CTG, TCB, ACB, MBB trong năm 2022.

Việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới. Do đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp Vn-Index.

Diễn biến các nhóm ngành trong tháng 8/2021.
Diễn biến các nhóm ngành trong tháng 8/2021.

Về khuyến nghị đầu tư, VDSC cho rằng nếu việc tiêm chủng vaccine diễn ra sát với kế hoạch, những tác động xấu nhất đối với doanh nghiệp sẽ được phản ánh vào quý 3/2021 trước khi bật lên trong quý cuối cùng của năm khi các hoạt động sản xuất và tiêu dùng dự kiến sẽ sôi động hơn. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2021 được điều chỉnh giảm xuống 26% so với cùng kỳ từ 33% trước đó.

Trong giai đoạn hậu giãn cách, VDSC tiếp tục ưu tiên các công ty logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản vì nhiều công ty trong số đó sẽ tiếp tục khả quan trong mùa cao điểm vào quý 4/2021. Ngoài ra, kỳ vọng rằng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ tích cực thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư vào các ngành khác như thép (HPG), bán lẻ (MWG) trước khi lợi nhuận của họ bắt đầu tăng vào cuối năm nhờ vào những tác động tích cực từ việc dỡ bỏ phong tỏa.

Cuối cùng, VDSC khuyến nghị chốt lời tại PC1/NKG/PVT/HSG với mức sinh lời tương ứng là 31%/28%/17%/6% so với tháng trước do các cổ phiếu này đã đạt giá mục tiêu của chúng tôi và giảm tỷ trọng tại VHM.