15:00 08/05/2021

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021

Khánh Linh

Tăng nóng lại đột ngột quay đầu giảm, giảm sâu lại đột ngột bật tăng phi mã bất chấp kết quả kinh doanh là tình trạng của nhiều cổ phiếu trong 4 tháng đầu năm 2021...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

VN-Index vượt đỉnh lịch sử trong tháng 4/2021 khi chốt phiên giao dịch 20/4 chỉ số ở mức 1.268,28 điểm, giá trị giao dịch trong ngày đạt 22.464 tỷ đồng. Cũng trong tháng 4, thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt trên 14,51 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 366.944 tỷ đồng.

Trong không khí sôi động của thị trường, nhiều cổ phiếu penny cũng để lại  cảm xúc đặc biệt với nhà đầu tư khi giá cổ phiếu trồi sụt liên tục, "phi" như tàu lượn…

CHÓNG MẶT VỚI RIC CỦA QUỐC TẾ HOÀNG GIA

Ấn tượng mạnh nhất phải nhắc đến cổ phiếu RIC của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia. Đang duy trì giao dịch 4.000 đồng/cổ phiếu suốt từ giai đoạn 2020 trở về trước, bất ngờ đầu năm 2021 RIC bật tăng với những chuỗi ngày dài miệt mài kịch trần và đạt đỉnh 46.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 4/3, tương ứng tăng 10 lần từ đầu năm.

Điều đáng nói, đà tăng của RIC không có một nguyên nhân nào hỗ trợ cả kể kết quả kinh doanh, thậm chí RIC còn nằm trong diện kiểm soát. RIC thường xuyên rơi vào tình trạng thua lỗ. Từ năm 2013 đến nay, cứ 2 năm báo lỗ RIC mới có một năm ghi lãi. Đến quý 1/2021, RIC tiếp tục báo lỗ 26,6 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên 336 tỷ đồng.

Sau chuỗi dài tăng trần, RIC lại rơi vào chuỗi ngày giảm sàn, đưa cổ phiếu về mức 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm 69%. Không dừng lại đó, RIC lại bắt đầu chuỗi ngày bật tăng mạnh với 7 phiên tăng trần liên tiếp sau đó và về vùng giá 28.000 đồng/cổ phiếu. Rồi RIC lại đột ngột lao dốc. Nói RIC lượn khiến nhà đầu tư chóng mặt quả thật không sai chút nào. RIC cứ liên tiếp tăng phi mã rồi lại giảm đột ngột nhiều lần như thế. Chốt phiên sáng nay, thị giá của RIC đang ở 18.000 đồng.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 1

Cũng đột biến như giá, mỗi phiên, lượng cổ phiếu khớp lệnh dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đơn vị, có phiên khớp nhiều nhất 400.000 đơn vị nhưng cũng có những phiên chỉ có vài nghìn cổ phiếu được khớp.

CEO - CÔNG TY CP TẬP ĐOÀN C.E.O

Dù không “cua gắt” như RIC nhưng cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn C.E.O cũng đưa nhà đầu tư đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Suốt gần một năm giao dịch loanh quanh thị giá 6.000 - 7.000 đồng, đến cuối năm 2020, CEO bất ngờ tăng trần liên tiếp và đạt đỉnh vào đầu năm 2021 ở mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020. Cổ phiếu đạt đỉnh, ban lãnh đạo công ty từ Tổng giám đốc đến thành viên Ban Kiểm soát và người có liên quan tranh thủ bán ra ồ ạt cổ phiếu CEO.

Sau khi lãnh đạo hoàn tất bán ra cổ phiếu, CEO lại quay đầu với những ngày giảm liên tiếp, về mốc 9.000 đồng/cổ phiếu. Giảm rồi lại bất ngờ tăng mạnh về đỉnh 13.000 vào ngày 6/4. Sau khi đạt đỉnh lần thứ 2 kể từ đầu năm, CEO lại chuỗi ngày lao dốc không phanh và chốt phiên hôm nay 7/5, thị giá CEO 9.500 đồng/cổ phiếu.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 2

Những pha tăng đột ngột của CEO cũng không có bất kỳ thông tin nào hỗ trợ. Trong khi đó, năm 2020, CEO còn lỗ 103 tỷ đồng, kết thúc quý 1/2021, CEO tiếp tục lỗ thêm 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2 tỷ. Từ ngày 20/4 vừa qua, cổ phiếu của CEO còn chính thức bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm theo trường hợp bị cảnh báo.

ITA CỦA TẬP ĐOÀN TÂN TẠO

Trong số những cổ phiếu đồ thị như tàu lượn không thể không nhắc đến ITA của Tập đoàn Tân Tạo. Thị giá ITA đã như một cốc trà đá bao lâu nay bỗng chốc bật dậy tăng kể từ cuối năm 2020 và gần chạm mốc mệnh giá vào giữa tháng 1/2021 với mỗi phiên thanh khoản 15-20 triệu cổ phiếu. Đà tăng ITA được cho là do kỳ vọng của nhà đầu tư vào kế hoạch doanh thu đạt 842 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 271 tỷ đồng trong năm 2020.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 3

Tuy nhiên, trái ngược với mong đợi của nhà đầu tư là kết quả kinh doanh bết bát của ITA, quý 4/2020, ITA lỗ 10 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, ITA ghi nhận 624 tỷ đồng doanh thu, giảm 51,5% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019 và đương nhiên không đạt mục tiêu đã đề ra. Cổ phiếu ITA vì thế cũng cắm đầu lao dốc liên tiếp lùi về mốc 5.000 đồng/cổ phiếu ngày 8/2/2021 và giao dịch loanh quanh mức giá này.

Cho đến cuối tháng 3, ITA tiếp tục tăng. Đến ngày 16/4, ngay sau khi ITA công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh với lãi sau thuế dự kiến đem về hơn 237 tỷ đồng, tăng 32% thì cổ phiếu ITA liền tăng trần đạt đỉnh mới 9.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, ITA lại chuỗi ngày đổ đèo liên tiếp và đang đi ngang ở vùng giá 7.260 đồng/cổ phiếu.

LDG - Công ty CP Đầu tư LDG

Bất động sản là một trong những ngành được đánh giá tăng trưởng tích cực từ đầu năm 2021 đến nay nhờ giá nhà tăng phi mã, lãi suất ngân hàng giảm, nguồn cung hạn hẹp.

Tuy nhiên, LDG lại không nằm trong quỹ đạo tăng trưởng của ngành, quý 4/2020, lợi nhuận của LDG bốc hơi còn vỏn vẹn 13 tỷ trong khi quý 1/2019 lãi 603 tỷ đồng. LDG còn chịu nhiều thông tin tiêu cực trên thị trường khi xây nhà không có phép. Mặc dù vậy, cổ phiếu LDG đã tăng mạnh trong tháng 1/2021, đạt gần 9.000 đồng/cổ phiếu, đây cũng là mức tăng ấn tượng của LDG trong suốt gần 2 năm trở lại đây.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 4

Sau khi tăng mạnh gần về mệnh giá, LDG lại quay đầu sụt giảm về mức 6.500 đồng/cổ phiếu. Trong tháng 2-3, LDG đi ngang và sau đó lại bắt đầu chuỗi ngày tăng mạnh khi có thông tin kế hoạch lãi sau thuế của năm 2021 gấp 23 lần so với năm trước và chủ tịch đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu. LDG chính thức chạm mốc 9.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/4. Tuy nhiên, ngay sau đó, LDG lại quay đầu giảm sàn liên tục và chốt phiên hôm nay, LDG được mua bán xung quanh mức giá 7.600 đồng/cổ phiếu.

HCD - CÔNG TY CP ĐẦU TƯ SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI HCD

Giao dịch với mức giá chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu từ đầu năm HCD, sau nhiều phiên tăng liên tiếp, và đến ngày 14/4, HCD tăng kịch trần giao dịch quanh mức 6.290 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản tốt với hàng trăm nghìn đến vài triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, ngay sau đó, HCD lại cắm đầu giảm và thị giá HCD 4.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên 7/5.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 5

HCD hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hạt nhựa, tấm lát sàn, ốp cao cấp. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế HCD đạt hơn 1,4 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2019. Năm 2021, HCD đặt mục tiêu doanh thu 700 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, tăng 26 lần so với năm 2020. Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2021, lợi nhuận của HCD vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020 và mới đạt được 4% so với mục tiêu đề ra.

RGC - CÔNG TY CỔ PHẦN PV INCONESS

Cổ phiếu RGC lại có chu kỳ tăng sốc, không tịnh tiến như HCD. Suốt từ đầu năm 2021 đến tháng 2, RGC gần như giữ nguyên ở mức giá loanh quanh 3.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản gần như không có. Từ cuối tháng 2 trở đi là chuỗi ngày leo thang không mệt nghỉ, RGC tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp và ở mức giá 24.700 đồng/cổ phiếu, gấp 8 lần tính đến ngày 5/4. Thanh khoản mỗi phiên cải thiện đáng kể với từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu được khớp lệnh.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 6

Tuy nhiên, ngay sau đó, RGC tuột dốc, thị giá của RGC chốt phiên 7/5 là 16.200 đồng/cổ phiếu, giảm 17% trong vòng 1 tháng.

Về kết quả kinh doanh, PV Inconess thua lỗ nhiều năm liên tiếp. Năm 2020 công ty lỗ 16,8 tỷ đồng, còn năm 2019 lỗ 18,5 tỷ đồng. Quý 1/2021, PV Inconess tiếp tục lỗ 1,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế đến ngày 31/3/2021 lên 145 tỷ đồng.

FTM CỦA CÔNG TY ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỨC QUÂN

Cũng giống như những cổ phiếu ở trên, FTM suốt một thời gian dài được mua bán với mức giá rẻ như mớ rau 1.200 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2021, FTM đã tăng liên tục với nhiều phiên kịch trẩn 4.350 đồng/cổ phiếu chốt phiên 15/4, đăng gần gấp 4 lần trong vòng 2,5 tháng. Sau khi tăng miệt mài một thời gian là những chuỗi ngày giảm với 8 phiên giảm sàn của FTM với thanh khoản nhỏ giọt. Chốt phiên giao dịch hôm qua, FTM lau sàn với mức giá 2.670 đồng/cổ phiếu, giảm 12,46% trong vòng 1 tuần, và giảm 14% trong vòng 1 tháng.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 7

Kể từ năm 2019 đến nay, FTM liên tục thua lỗ. Quý 1/2021, FTM tiếp tục lỗ thêm 47 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ luỹ kế lên 243 tỷ đồng. Do thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu FTM bị đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 26/4.

HAP - TẬP ĐOÀN HAPACO

HAP của Tập đoàn Hapaco cũng có biên độ giao động giá chóng mặt kể từ đầu tháng 3 đến nay. Trước đó, HAP duy trì suốt nhiều tháng ròng ở vùng giá dưới 6.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí, có thời gian đầu năm 2020 còn giao dịch ở vùng giá 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu.

Từ 1/3, HAP tăng vọt liên tiếp với chuỗi ngày 10 phiên tăng trần, đưa giá lên cao gần gấp 3 lần ở mức 19.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau đó, HAP bổ nhào giảm với 5 phiên liên tiếp kịch sàn. Chốt phiên 7/5, HAP có giá 14.400 đồng/cổ phiếu.

Điểm danh những cổ phiếu "tàu lượn" chóng mặt 4 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 8

Danh sách loạt cổ phiếu "phi như tàu lượn" trong 4 tháng đầu năm còn phải kể đến như DSN của Công ty CP Công viên nước Đầm Sen, FIR của Công ty CP Địa ốc First Real; KLF của Công ty xuất nhập khẩu CFS; CII của Công ty CP Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM; ACC của Công ty CP Xây dựng Bình Dương...

Không phải tất cả các cổ phiếu đánh võng chóng mặt nói trên đều có kết quả kinh doanh kém, nhưng điểm chung là biến đông giá đều không liên quan gì đến yếu tố cơ bản. Thậm chí phần lớn các mã này là các cổ phiếu "rác" thị giá rất thấp, doanh nghiệp làm ăn be bét. Biến động giá tuy được cho là dựa trên yếu tố kỳ vọng nào đó, nhưng chủ yếu vẫn là đánh vào lòng tham của kiểu giao dịch chụp giật vốn rất phổ biến.