Đáp ứng 86 tiêu chí, doanh nghiệp dệt may mới xuất khẩu được đơn hàng
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết lợi ích từ ngành dệt may rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng 86 chỉ tiêu đánh giá để có được 1 đơn hàng dệt may...
Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 9 tháng năm 2024 đã vượt mốc 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang ấm dần và đã tăng trưởng trở lại như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada … riêng thị trường EU mức tăng trưởng còn thấp.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho hay hiện đơn hàng của doanh nghiệp dệt may hồi phục tương đối tốt. Nửa cuối năm 2024, tăng trưởng của ngành dự kiến tăng 15% so với nửa đầu năm.
Việc đơn hàng phục hồi là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp là thiếu lực lượng lao động để đáp ứng được đơn hàng.
Bên cạnh đó, các chứng chỉ xanh được yêu cầu từ thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn. Và nay ngay cả Trung Quốc cũng đưa ra hàng loạt đòi hỏi về sản phẩm dệt may.
5 năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam không thể tăng giá được đơn hàng do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố xanh trong hoạt động sản xuất đã cản bước tăng giá thành sản phẩm may mặc.
Làm sao để hoạt động vẫn hiệu quả, giải quyết được việc làm cho người lao động là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay.
Vậy phải đi theo hướng nào? Các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas, H&M… giờ doanh nghiệp không được đốt nồi hơi bằng than đá, củi mà phải dùng điện để đốt, với chi phí đốt vải vụn tăng 15% chi phí sản xuất.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, ngành dệt may đã đi trước về chứng chỉ xanh trong 5 năm gần đây, nếu không thì không có đơn hàng như hôm nay.
“Lợi ích từ ngành dệt may rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đáp ứng 86 chỉ tiêu đánh giá để có được 01 đơn hàng dệt may, không đơn giản chút nào”, ông Giang tâm tư.
Ông Giang cho rằng để đạt được các chỉ tiêu xanh, doanh nghiệp phải đầu tư tận gốc, quản trị số, robot hóa là tất yếu. Tại TP.HCM, hiện ngành dệt may đã có các nhà máy robot hóa. Như công ty quốc tế Phong Phú, nhà máy ở quận 9, robot hóa, đạt các chuẩn mực tiêu chuẩn xanh.
Bà Bùi Thị Thu Hà, quản lý dự án Sáng kiến tài chính công bằng Việt Nam (FFV), cho rằng các doanh nghiệp chủ động muốn xanh, trước tiên là các nhà xuất khẩu, vì sản phẩm phải đạt được các chỉ tiêu xanh. Cụ thể là nhà xuất khẩu giày, may mặc, mái nhà các phân xưởng phải là điện mặt trời. Họ sẽ là người chủ động trong việc xanh hóa, là những khách hàng xanh đầu tiên. Tiếp đó là các nhà xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ 2024, tất cả khách hàng doanh nghiệp không chỉ đánh giá rủi ro về tài chính, tín dụng mà còn đánh giá rủi ro về môi trường xã hội.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may đang cần nhiều vốn để xanh hóa hoạt động. Chia sẻ tại hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích – rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng” do Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp chuyển đổi xanh cần cách tiếp cận vốn mới trong việc phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh. Theo đó, xu hướng tài chính hỗn hợp (blended finance) kết hợp các nguồn vốn công và tư, giúp giảm rủi ro và thu hút đầu tư vào các dự án khí hậu.
Nguồn vốn này từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức tài chính phát triển (DFI). Trên thực tế, một số doanh nghiệp dệt may, xuất khẩu tại Việt Nam ứng dụng công nghệ để quản lý tài nguyên của mình.