09:31 07/10/2024

Ngành dệt may đối mặt Thỏa thuận Xanh châu Âu

Lưu Hà

Mặc dù các chính sách xanh của EU đang đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu dệt may Việt Nam, nhưng trong dài hạn, việc chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội cho doanh nghiệp...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal - EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Được thông qua ngày 15/1/2020, Thỏa thuận Xanh châu Âu định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ TẤT YẾU

Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tại thị trường EU, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia ASEAN như Myanmar, Campuchia, Lào và Indonesia... đang không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, nhiều nước trong số này đã và đang tích cực chuyển đổi sang mô hình sản xuất dệt may bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Thỏa thuận Xanh. Trước áp lực này, ngành dệt may Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh để duy trì và nâng cao vị thế trên thị trường EU.

Ngày 25 - 28/9/2024, 4 triển lãm chuyên ngành dệt may đã được khai mạc tại TP.HCM, trưng bày những giải pháp công nghệ mới nhất giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận được công nghệ hiện đại, từ đó đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) nghiêm ngặt của EU. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết nhiều nước tại thị trường EU đã yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hóa chất độc hại.

Trong thông điệp gửi tới các cổ đông mới đây, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, nhấn mạnh khi xu thế thương mại xanh là tất yếu, những bước đi đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

“Khi ngày càng nhiều thị trường lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may, mặc dù chi phí đầu tư cao, chuyển đổi xanh là tất yếu. TNG sẽ mạnh dạn đi trước đón đầu để tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu”, ông Thời khẳng định.

Những bước đi đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Những bước đi đầu tiên trên hành trình cắt giảm carbon hôm nay sẽ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tại Thái Bình, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái chuyên xuất khẩu mặt hàng đi các nước châu Âu, Mỹ. Ông Đặng Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, cho biết công ty hiện có 2.500 cán bộ công nhân viên, trong đó có khoảng 2.000 công nhân trực tiếp sản xuất. Để giảm phát thải carbon, công ty đã chuyển đổi toàn bộ việc sử dụng lò hơi than sang lò hơi điện. Bên cạnh đó, công ty cũng đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời và dự kiến trong sắp đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, để quản lý số liệu cho toàn bộ công ty, phía công ty cũng đã áp dụng phần mềm quản lý chi tiết từ đầu vào, đầu ra của mặt hàng.

Tại Thanh Hóa, khoảng 60% hàng dệt may của Công ty DehanGlobal xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Để đáp ứng được yêu cầu của đối tác, Công ty đã tập trung đầu tư công nghệ, đặc biệt là các chứng chỉ đánh giá nhà máy, chứng chỉ về an toàn cho sản phẩm vào thị trường. Ông Nguyễn Văn Đô, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, cho biết: “Muốn tuân thủ thì chúng ta phải đầu tư, ví dụ trước kia nhà xưởng nhỏ bây giờ phải lớn hơn, phải có thiết bị điều hòa nhiệt độ, năng lượng mặt trời, những thiết bị hỗ trợ khác... Đầu tư lớn hơn nhưng cũng phải tạo ra năng suất tốt hơn cho người lao động, đó là quy luật”.

Trong khuôn khổ hội thảo “Ứng dụng AI và sản xuất thông minh thúc đẩy sản xuất ngành may mặc” vừa qua, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng việc áp dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật vào quy trình sản xuất đang trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho tất cả các khâu, từ sản xuất nguyên liệu sợi - dệt, thiết kế, may và xây dựng thương hiệu một cách hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính và nhân sự, đây là rào cản đối với phần lớn doanh nghiệp hiện nay”; ông Việt chia sẻ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trị giá xuất khẩu nhóm hàng dệt may sang thị trường EU 8 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,78  tỷ USD, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, trong 8 tháng đầu năm 2024, có 6 thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may sang EU đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Với quy mô xuất khẩu đứng thứ ba trên thế giới, sử dụng hơn 2 triệu lao động, rõ ràng những ảnh hưởng của thị trường, xu hướng thế giới đến ngành dệt may Việt Nam là rất lớn. 

Tại hội thảo “Thoả thuận xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam: những điều doanh nghiệp cần biết”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, chia sẻ: “Việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh EU là yêu cầu cấp bách đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì và phát triển bền vững ở thị trường EU nói riêng và những thị trường cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2024 phát hành ngày 07/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành dệt may đối mặt Thỏa thuận Xanh châu Âu - Ảnh 1