11:04 29/09/2024

Vinatex lên kế hoạch chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phiếu tại Dệt may Liên Phương

Hà Anh

Vinatex sẽ chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần, chiếm 19,11% vốn điều kiện thực góp của CTCP Dệt may Liên Phương. Giá khởi điểm để chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (mã VGT-UPCoM) vừa thông báo nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng vốn thuộc sở hữu của VGT đầu tư tại CTCP Dệp may Liên Phương.

Theo đó, Vinatex sẽ chuyển nhượng toàn bộ 4,5 triệu cổ phần, chiếm 19,11% vốn điều kiện thực góp của CTCP Dệt may Liên Phương. Giá khởi điểm để chào bán cạnh tranh là 12.000 đồng/cổ phần.

Phương thức chuyển nhượng là Vinatex sẽ chào bán cạnh tranh cho dưới 100 nhà đầu tư quan tâm có sự cạnh tranh về giá thông qua công ty chứng khoán. Thời gian dự kiến triển khai từ tháng 9/2024.

Tạm tính theo giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra, Tập đoàn có thể thu về tối thiểu 54 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi Dệt may Liên Phương.

Trước đó vào ngày 1/7/2022, Vinatex cũng đã thông báo về kế hoạch thoái vốn 4,5 triệu cổ phần Dệt may Liên Phương với giá khởi điểm tại thời điểm đó là 19.800 đồng/cổ phần nhưng không thành.

Như vậy, hiện nay Vinatex tiếp tục thực hiện thoái vốn Dệt may Liên Phương với mức giá chào bán thấp hơn 39% so với 2 năm trước.

Theo tìm hiểu, Dệt may Liên Phương được thành lập năm 1960, nằm tại số 18 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Công ty sở hữu hơn 40.000m2 nhà xưởng trong khuôn viên rộng gần 80.000m2, sở hữu chuỗi dây chuyền sản xuất vải len chải kỹ khép kín từ công đoạn sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may mặc, bao gồm các thiết bị, công nghệ hiện đại, tân tiến đến từ các nước Đức, Ý, Bỉ, Nhật,…

Trước đó, vào tháng 8, Vinatex cũng thông báo việc chào bán hơn 2,81 triệu cổ phần CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (Donagamex) đang nắm giữ, tương ứng 25,7% vốn, cho dưới 100 nhà đầu tư với giá khởi điểm 35.000 đồng/cổ phần. Thời gian triển khai từ quý 3/2024. Dự kiến Vinatex thu về tối thiểu 98 tỷ đồng sau khi thoái vốn thành công.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.954 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ (8.098 tỷ); lợi nhuận sau thuế đạt 176 tỷ, tăng 50% so với cùng kỳ (117,4 tỷ) - trong đó, riêng lợi nhuận của Công ty mẹ là hơn 42 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bên kiểm toán đưa ra cơ sở của kết luận soát xét ngoại trừ Phần lãi trong công ty liên kết.

Cụ thể: Tập đoàn Dệt May Việt Nam đang ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty TNHH Coats Phong Phú, một công ty liên kết của Tập đoàn, được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu, với giá trị ghi sổ là 1.215.189 triệu đồng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30 tháng 6 năm 2024 (1/1/2024: 1.227.918 triệu đồng). Phần lãi từ Công ty TNHH Coats Phong Phú mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam ghi nhận trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30 tháng 6 năm 2024 là 217.774 triệu đồng (kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2023: lãi 232.322 triệu đồng).

Bên kiểm toán cho biết, bên kiểm toán không được tiếp cận với các sổ sách và tài liệu kế toán của Công ty TNHH Coats Phong Phú cho các kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2024 và ngày 30/6/2023, cũng như không trao đổi được thông tin với đơn vị kiểm toán của công ty liên kết này, nên không thể thực hiện được các thủ tục soát xét cần thiết đối với khoản đầu tư vào Công ty TNHH Coats Phong Phú tại ngày 30/6/2024 và phần lãi trong Công ty TNHH Coats Phong Phú mà Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã ghi nhận cho các kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2024 và ngày 30/6/2023.

Do đó, bên kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh có thể là cần thiết đổi với các số liệu này nếu chúng tôi được tiếp cận với các sổ sách và tài liệu kế toán của Công ty TNHH Coats Phong Phú cũng như trao đổi thông tin với đơn vị kiểm toán của công ty liên kết này để thực hiện các thủ tục soát xét cần thiết.

Về tiền thuê đất và tiền chậm nộp: Như được trình bày tại Thuyết minh 50 của báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, khi lập báo cáo tài chính cho kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30 tháng 6 năm 2024, Ban lãnh đạo của Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, một công ty con của Tập đoàn, đã thực hiện điều chỉnh lại một số số liệu so sánh liên quan đến chi phí thuê đất phải nộp cho giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2020 tại Khu đất số 2 Trường Chinh, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh với số tiền là 47.323 triệu đồng dựa trên cơ sở tính toán của Ban lãnh đạo theo hướng dẫn tại văn bản số 6238/STNMT-QLĐ ngày 27 tháng 6 năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh về việc xác định diện tích và mục đích sừ dụng đất tại khu đất số 2 Trường Chinh nêu trên và các quy định pháp luật liên quan.

Tại ngày báo cáo, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú vẫn đang trong quá trình làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để xác định chính xác số tiên thuê đắt còn phải nộp đổi với khu đất nói trên cho giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2020 và các chi phí chậm nộp liên quan, nếu có.

Do các quy định về tiền thuê đất thay đổi theo từng thời kỳ và việc áp dụng các quy định có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau cũng như việc xác định số thuế chính thức phải nộp vẫn đang trong quá trình thực hiện, bên kiểm toán chưa thực hiện được các thủ tục soát xét cần thiết liên quan đến số tiền thuê đất mà Tổng Công ty cổ phần Phong Phú phải nộp đối với khu đất nói trên và các chi phí chậm nộp liên quan, nếu có.

Theo đó, bên kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh có thể là cần thiết đối với các khoản mục thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 và ngày 1/1/2024; và các khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cho các kỳ sáu tháng kết thúc ngày 30/6/2024 và ngày 30/6/2023.

Bên cạnh đó, bên kiểm toán lưu ý đến Thuyết minh 50 của báo cáo tài chính hợp nhất trong đó đề cập đến việc một số thông tin so sánh tại ngày 1/1/2024 liên quan đến tiền thuê đất và tiền chậm nộp tiền thuê đất tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú, một công ty con của Tập đoàn, đã được điều chỉnh lại. Kết luận soát xét của bên kiểm toán có nội dung ngoại trừ như đã nêu ở trên có thể ảnh hưởng đến thông tin so sánh đã được điều chỉnh lại này.

Vinatex lên kế hoạch chuyển nhượng 4,5 triệu cổ phiếu tại Dệt may Liên Phương - Ảnh 1