Đầu tư tác động còn nhiều "đất" phát triển tại Việt Nam
Tại Việt Nam, đầu tư tác động (hình thức đầu tư từ các tổ chức, quỹ… với kỳ vọng tạo ra những tác động về xã hội và môi trường song song với thu nhập tài chính) dù khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng quy mô trong thời gian tới…
Chia sẻ tại Hội nghị “Tư vấn và kết nối đầu tư Khởi nghiệp tạo tác động” diễn ra ngày 30/3, bà Hoàng Thị Nhật Lệ, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành LBG Asia cho biết, trên thế giới, đầu tư tác động đang nổi lên khá mạnh mẽ. Ước tính của GIIN về quy mô đầu tư tác động toàn cầu năm 2019 chỉ ra rằng, có khoảng 1.720 tổ chức tham gia đầu tư, với giá trị đầu tư khoảng 715 tỷ USD.
MÔ HÌNH MỚI NHƯNG NHIỀU TIỀM NĂNG
Hiện tại, ở Việt Nam, khái niệm đầu tư tác động còn khá mới và chưa được đưa vào bất cứ một văn bản chính thức nào. “Tuy vậy, hoạt động đầu tư mang tính chất của đầu tư tác động đúng nghĩa đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện”, bà Lệ cho biết.
Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp (năm 2020) đã đưa vào khái niệm “doanh nghiệp xã hội”, là điều khoản pháp lý quan trọng, nêu rõ vai trò của doanh nghiệp xã hội có các hoạt động vừa định hướng lợi nhuận và định hướng xã hội cũng như môi trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn có các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp xã hội cũng thực hiện các hoạt động đầu tư tác động. Đó là các tổ chức phi chính phủ, bên cạnh đó, còn có các hợp tác xã, các trường, các quỹ từ thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp (năm 2015).
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp tác động xã hội đang tập trung nhiều trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm (31,7%); giáo dục đào tạo kỹ năng ( 29,7%), sinh kế phi nông nghiệp (may, nấu ăn, sản xuất mây tre đan) (16,4%); tư vấn, hỗ trợ kinh doanh (13,8%), thủ công mỹ nghệ (11,9%)…
Cũng theo bà Lệ, có một điểm sáng mà các doanh nghiệp tác động xã hội Việt Nam đạt được so với các quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, khoảng 70% doanh nghiệp tác động xã hội của Việt Nam có lãi, 18% hòa vốn và 12% lỗ trong quá trình hoạt động, theo số liệu từ SEUK năm 2017 và MAGIC năm 2015. Con số này là khá tích cực so với các quốc gia khác như Anh hay Malaysia. Tại Anh, chỉ có 51% doanh nghiệp tác động xã hội báo lãi, trong khi con số hòa vốn và lỗ chiếm lần lượt là 20% và 29%. Còn tại Maylaysia, có tới 51% doanh nghiệp tác động xã hội báo lỗ.
DOANH NGHIỆP VẪN GẶP KHÓ KHI HUY ĐỘNG VỐN
Đầu tư tạo tác động xã hội là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ ko chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam. Theo Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Huy Nhượng, một trong những chiến lược của nhiều tập đoàn lớn là hướng tới tạo tác động xã hội ngày càng sâu rộng.
Nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân và UNDP năm 2018 định nghĩa, doanh nghiệp tạo tác động xã hội là tổ chức ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là hai nguyên lý trung tâm của chiến lược vận hành tổ chức. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội/môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.
“Trong thời gian qua, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều doanh nghiệp các bạn trẻ muốn phát triển doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Tuy nhiên các doanh nghiệp này gặp nhiều thách thức về vốn”, ông Nhượng chia sẻ.
Chia sẻ tâm tư của doanh nghiệp tác động xã hội trong quá trình đi gọi vốn, bà Vũ Thị Liễu, nhà sáng lập, giám đốc điều hành ECOSOI, doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu ứng dụng sợi dứa cho ngành thời trang và may mặc cho biết, công ty gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận nhà đầu tư.
Theo đó, doanh nghiệp này bắt đầu gọi vốn từ tháng 1 năm nay và đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi bắt đầu trao đổi sâu hơn, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về định giá của công ty, cả về giá trị hữu hình và giá trị vô hình. “Dù là công ty rất non trẻ, nhưng chúng tôi cũng có những giá trị vô hình khi đong đếm nhận diện trên thị trường. Cụ thể, từ khóa “sợi lá dứa” được tìm thấy rất nhiều tại các nước như Philipines, Anh. Tại Việt Nam, từ khóa được tìm thấy nhiều nhất lại là “sợi lá dứa ECOSOI”, bà Liễu chia sẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi trao đổi và tiếp cận với nhà đầu tư về khả năng mở rộng và sáng tạo sản phẩm. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã định hướng sản phẩm của mình là sợi và tiếp theo là vải. Sáng tạo sản phẩm của chúng tôi cũng mới đang chỉ dừng lại ở sợi và vải”, bà Liễu nói và cho biết, để từ sợi và vải này muốn tạo ra các sản phẩm thời trang buộc doanh nghiệp phải các đối tác khác.
Doanh nghiệp cũng phải chứng minh về việc đã có hợp đồng nếu muốn gọi vốn đầu tư, chứng minh doanh thu với các sản phẩm sẽ có trong tương lai. “Đây là các bài toán nhiều thách thức và có nhiều sai số”, bà Liễu nói và cho biết thêm rằng, một trong những thách thức khác là cần chứng minh chi phí. “Có những chi phí rất lớn mà chúng tôi không có chứng từ. Đây có lẽ cũng là bài học mà các bạn trẻ khởi nghiệp cần lưu ý”.
Cuối cùng là định giá lương cho đội ngũ trong quá trình khởi nghiệp. “Nhà đầu tư cũng đặt câu hỏi khi thấy đội ngũ không làm full time tại công ty”, nhà sáng lập, giám đốc điều hành ECOSOI và kỳ vọng có thể tìm được các nhà đầu tư sẽ hiểu và hỗ trợ cho doanh nghiệp, không chỉ là về tài chính mà còn về đầu ra cho sản phẩm.