Thủ tướng: "Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải đổi mới giáo dục"
Thủ tướng yêu cầu đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học...
Tham dự Lễ Khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 4, tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Vĩnh Phúc) ngày 26/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhnhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.
"Phong trào khởi nghiệp trong thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập, môi trường pháp lý còn nhiều điểm vướng mắc, chưa tổng thể.
Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục- đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên.
ĐOÀN THANH NIÊN LÀ NƠI ƯƠM MẦM Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP
Để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, có vai trò quan trọng trong việc hiệu triệu, định hướng, dẫn dắt thanh niên, Trung ương Đoàn cần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và tạo môi trường lý tưởng cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp.
"Đoàn phải là nơi phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên", ông nói.
Dự báo tình hình thời gian tới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường thì phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần lấy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của người Việt Nam làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
"Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy và hành động", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế. Mặt khác, sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.
"Thành công sẽ đến với ai làm việc bằng đam mê và sáng tạo với tinh thần tận hiến cho cộng đồng, làm những việc mà người khác không làm được", Thủ tướng nói.
Hai là, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; tiếp tục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Tập trung đào tạo, ươm mầm tài năng, hình thành nguồn nhân lực công nghệ vững chắc, làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC VỀ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Ba là, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo.
"Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy chương trình chuyển đối số trong giáo dục, gắn các hoạt động chuyển đối số với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Bốn là, tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường, của giảng viên, của sinh viên.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho khởi nghiệp như: Phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nguyên liệu để sản xuất thử nghiệm, vốn mồi, hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn, doanh nghiệp khởi nghiệp ngay trong trường đại học,...
Đẩy mạnh kết nối Nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thu hút không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, từ các cá nhân và cộng đồng.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp; đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát triển các chương trình, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo hình thành các Quỹ sáng tạo khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học.
Tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực hợp lý đối với các hoạt động khởi nghiệp. Tăng cường tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động dạy và học ở nước ta.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ có giải pháp kết nối các Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các trường đại học với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp Quốc gia. Phát triển mạng lưới kết nối tri thức và đổi mới sáng tạo toàn quốc, thu hút sự tham gia và tích cực khai thác nguồn tài nguyên vô tận của trí tuệ con người Việt Nam kết nối với quốc tế.
Sáu là, các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững.
"Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, và có tính chiến lược, không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu, chắc đến đó và phải hiệu quả. Mặc dù vậy, các nước đi sau vẫn có thể rút ngắn được quá trình này nếu học hỏi và áp dụng được kinh nghiệm của các nước đi trước", người đứng đầu Chính phủ quán triệt.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng bằng sức trẻ, một ngày không xa thanh niên Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới.