06:00 07/07/2022

Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Đỗ Phong

Công nghiệp; nông- lâm- thủy sản và dịch vụ là một trong số những ngành, lĩnh vực được các các chuyên gia đề xuất, khuyến nghị ưu tiên lựa chọn triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam...

Chia sẻ kinh nghiệm, góp ý xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam
Chia sẻ kinh nghiệm, góp ý xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn cho Việt Nam

Ngày 6/7, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam trong xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Cùng với việc chia sẻ kết quả “Khảo sát của JICA về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” được thực hiện từ tháng 1/2022, các chuyên gia, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã thảo luận, góp ý dự thảo khung Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam nhằm chuyển đổi nền kinh tế tuyến tính của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn và thiết lập một xã hội bền vững.

HỖ TRỢ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KINH TẾ TUẦN HOÀN

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn là trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tới năm 2030. Luật Bảo vệ môi trường đã thể chế hóa chủ trương này, dành 1 điều riêng về Kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tiêu chí, lộ trình, trách nhiệm và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Nghị định giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn vào cuối năm 2023.

TS. Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), cho biết JICA hiện là một trong những cơ quan đang hợp tác chặt chẽ với Viện để xúc tiến việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn.

 
Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong định hình nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách thúc đẩy các hoạt động 3R, tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân…, sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để cân nhắc các yếu tố quan trọng, ưu tiên trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Nhật Bản đã thành công trong việc xây dựng và ban hành các chính sách về kinh tế tuần hoàn cũng như áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn. Các kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản là cơ sở quan trọng hỗ trợ Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách có liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Đến nay, Nhật Bản đã có nhiều chính sách quốc gia quan trọng về kinh tế tuần hoàn. Từ năm 1999, Nhật Bản đã xây dựng chính sách tầm nhìn về kinh tế tuần hoàn và được cập nhật lần 2 vào năm 2020. Chính phủ Nhật Bản cũng ban hành đạo luật cơ bản về thiết lập xã hội tuần hoàn- vật chất an toàn năm 2000 và phát triển các kế hoạch cơ bản thực hiện chủ trương này.

Ông Murooka Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho rằng sự hợp tác với Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để xây dựng lộ trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Những kinh nghiệm của Nhật Bản trong định hình nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách thúc đẩy các hoạt động 3R, tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân…, sẽ là nguồn tham khảo hữu ích để cân nhắc các yếu tố quan trọng, ưu tiên trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam - Ảnh 1

Trong lịch sử phát triển chính sách Kinh tế tuần hoàn của Nhật Bản, đối với các giai đoạn phát triển kinh tế và xã hội khác nhau ở Việt Nam và cân nhắc xu thế toàn cầu, cần phải xác định mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể cũng như trọng tâm ngành cụ thể để xác định chuyển đổi nền Kinh tế tuần hoàn bằng các hành động, biện pháp khả thi. Như vậy, việc chuyển đổi sang Kinh tế tuần hoàn là một hành trình. Việt Nam cần tiếp cận từng bước một với hệ thống giám sát và đánh giá minh bạch nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đóng góp mô hình kinh doanh sáng tạo của họ.

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển khung chính sách Kinh tế tuần hoàn, từ Luật cơ bản đầu tiên tập trung vào khái niệm về một xã hội tuần hoàn vật chất được ban hành năm 1999 đến tầm nhìn của Kinh tế tuần hoàn xây dựng vào năm 2020, ông Adachi Ichiro, Chuyên gia Quản lý Môi trường của JICA tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để xây dựng Kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và cần lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên đưa vào kế hoạch hành động.

ĐỀ XUẤT LĨNH VỰC ƯU TIÊN TRIỂN KHAI 

Chia sẻ kết quả khảo sát của JICA về nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị, ông Koki Takano, Phó trưởng dự án nghiên cứu, lưu ý các điểm cần cân nhắc xem xét với khung kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Đó là cần sự nhất quán với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam; đồng thời lồng ghép các xu hướng và chương trình nghị sự toàn cầu. “Việc lồng ghép các chương trình nghị sự hoặc thách thức toàn cầu vào kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội và phát triển quan hệ đối tác, tài trợ, kêu gọi các nguồn lực…”, chuyên gia này nói.

 
Lĩnh vực đề xuất ưu tiên cho triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam gồm: các ngành công nghiệp; Nông- lâm- thủy sản và dịch vụ.

Khung kế hoạch cũng cần tiếp thu các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác như EU, Nhật Bản và các nước ASEAN có những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, việc thiết lập các mục tiêu, kết quả và cụ thể hơn là từ việc lựa chọn các ngành/lĩnh vực ưu tiên để triển khai thực hiện trước trong điều kiện thực tế của Việt Nam…

Từ kết quả khải sát, nhóm nghiên cứu đề xuất xác định 3 lĩnh vực ưu tiên cho triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam gồm các ngành công nghiệp (sản xuất chế tạo, năng lượng, xây dựng); Nông lâm thủy sản (trồng trọt, chăn nuôi) và du lịch (vận chuyển kho bãi và du lịch).

Ông Koki Takano cho biết các lĩnh vực ưu tiên có thể được xác định dựa trên việc phân tích dữ liệu hoặc bằng chứng chắc chắn cho thấy các lĩnh vực này nên thực hiện kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn có thể bắt đầu với các lĩnh vực khả thi mà kinh tế tuần hoàn có thể tương đối dễ dàng để giới thiệu và áp dụng. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực tương đối quen thuộc với kinh tế tuần hoàn và ít gặp phải các khó khăn trong việc triển khai như nông nghiệp, chất thải...

Góp ý về những lĩnh vực ưu tiên lựa chọn triển khai, các chuyên gia cho rằng, kinh tế tuần hoàn bao hàm nhiều lĩnh vực nên trong lộ trình cần xác định được các ngành/lĩnh vực cụ thể hơn và cần có lĩnh vực ưu tiên, dễ làm trước, khó làm sau hoặc lĩnh vực đã được các nước triển khai.

Bà Quách Thị  Xuân, Liên Minh không rác Việt Nam, góp ý rằng việc lựa chọn để xác định các ngành ưu tiên nên dựa vào các tiêu chí đã đưa ra trong Nghị định như: sử dụng nhiều tài nguyên, phát thải nhiều, có tác động xấu đến môi trường… Cùng với đó còn dựa và tiêu chí dễ làm, hiệu quả cao và có giảm phát thải không…

Việt Nam có nhiều ngành có nhu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng có 2 ngành có thể triển khai và có tác động xấu nhất tới môi trường là tuần hoàn chất thải hữu cơ; và ngành nhựa. Bên cạnh đó là các ngành dệt may, điện, điện tử cũng rất có tiềm năng…, các chuyên gia đề xuất.