Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 1
Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 2

Xin Bộ trưởng cho biết thời điểm này có thuận lợi để Việt Nam xây dựng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nhất là sau khi Đề án của Chính phủ vừa được ban hành trong thời gian mới đây?

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã khẳng định vai trò của nền kinh tế tuần hoàn cùng với các nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp hướng đến phát triển bền vững. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo cụ thể về chủ trương này.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực tháng 1 năm 2022 cũng đã khẳng định và đặt cơ sở pháp lý rất cụ thể của nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn chính là thực hiện ý kiến chí đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện thực hóa những chủ trương lớn của Đảng, các chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia một cách đầy đủ, hệ thống từ các chủ trương chính sách của Nhà nước lan tỏa thực hiện đến các cấp, các tỉnh, thành phố và từng người dân. Khối doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm, trực tiếp thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Nền kinh tế tuần hoàn mở ra một xu thế mới của thời đại, thay thế nền kinh tế tuyến tính. Thách thức đặt ra với nền kinh tế tuyến tính hiện nay chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, môi trường ô nhiễm và việc xử lý các chất thải ra môi trường khó khăn. Do đó, tôi cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một xu thế, một tư duy mới trong thời đại ngày nay.

Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 3

Việt Nam đã có chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này đã được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn… Theo Bộ trưởng, đâu là điểm mấu chốt để hiện thực hóa phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?

Kinh tế tuần hoàn phải được đặt ra trong một khuôn khổ chính sách đồng bộ; đồng thời phải được thiết kế lồng ghép trong chiến lược quy hoạch. Kinh tế tuần hoàn cũng phải được triển khai cụ thể trong từng doanh nghiệp, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, lựa chọn sản phẩm đầu ra, liên kết phối hợp với người tiêu dùng. Cùng với đó, tư duy và nhận thức của người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi để nhận biết sản phẩm mình đang dùng có hiệu quả về môi trường, xã hội và kinh tế.

Trong tiến trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, con đường lựa chọn chính là phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Các mô hình kinh tế, tư duy đổi mới này sẽ giúp Việt Nam đạt được các cam kết của mình, chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước, chuyển mô hình sử dụng năng lượng từ nâu sang xanh, từ phát thải khí nhà kính sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này cũng đảm bảo cho sự phát triển bền vững thông qua sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn đang ngày càng khan hiếm.

Trên tinh thần đó, điều quan trọng nhất là từ ý tưởng phải đi đến các hành động. Khi có nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ có thái độ ứng xử với chất thải, để các chất thải không trở thành gánh nặng cho công tác xử lý, gây ô nhiễm môi trường mà sẽ chuyển thành năng lượng, thành những loại tài nguyên có thể tái tạo.

Đây cũng chính là hành động góp phần để Việt Nam thay đổi, thực hiện cam kết với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, tiến tới mục tiêu phát thải bằng “0”– Net Zero vào năm 2050, hướng tới thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí Metan, phục hồi tài nguyên rừng, hình thành thị trường trao đổi tín chỉ carbon…

Khi các sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn được lan tỏa từ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp thành công tới nhiều doanh nghiệp và người dân, chắc chắn Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đặt ra, nền kinh tế sẽ chuyển đổi được và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 4

Việc lựa chọn, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những cơ hội, lợi ích gì trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, công nghệ xanh… cho đất nước, thưa Bộ trưởng?

Kinh tế tuần hoàn là một nguyên lý phát triển để có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng là cách để Việt Nam giải bài toán khó về môi trường. Kinh tế tuần hoàn sẽ dẫn dắt việc thực hiện thay thế sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn đúng đắn để tìm đến một mô hình kinh tế bền vững hơn.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, yếu tố quan trọng nhất, quyết định chính là công nghệ. Cùng với đó phải đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức sẽ quyết định vấn đề thiết kế để cả hệ thống kinh tế, từng lĩnh vực đến từng doanh nghiệp liên kết với nhau, mang lại hiệu quả lợi ích cho tất cả mọi người. Nền kinh tế này sẽ kết nối được mọi người dân từ khâu sản xuất, tiêu dùng đến tái chế, tái sử dụng.

Như vậy, tôi cho rằng, sự lựa chọn này mang lại lợi ích tổng hợp cả về kinh tế cũng như xã hội, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra những lĩnh vực sản xuất mới, thu hút đầu tư hiệu quả hơn. Điều này cũng giúp Việt Nam giải bài toán khó đang đặt ra, làm thế nào để đảo ngược xu thế ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái đang thay đổi cần phải phục hồi.

Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 5

Trong bối cảnh hiện nay, đâu là những khó khăn thách thức đặt ra khi Việt Nam lựa chọn phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn?

Tôi khẳng định, kinh tế tuần hoàn là một xu thế phát triển tất yếu. Thách thức lớn nhất là phải thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi người. Đầu tư cho kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi không chỉ đầu tư bằng nguồn vốn, mà cả đầu tư bằng nhận thức và tri thức, thay đổi tư duy, cách làm là chính.

Để hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện và đạt đến mức thay đổi về kinh tế, đòi hỏi một trình độ, năng lực quản trị, thiết kế  và một chính sách quốc gia có tầm nhìn tạo ra lộ trình để mọi người cùng quan tâm, gắn kết, cùng chia sẻ, thực hiện.

Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 6

Sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm những nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế, các đối tác phát triển. Bộ trưởng đánh giá thế nào về những nỗ lực này của Việt Nam?

Trong thời gian qua, không chỉ Chính phủ, các bộ như Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chịu trách nhiệm đầu mối về biến đổi khí hậu, mà sự tham gia đóng góp vào thành công của đất nước còn có vai trò của ngoại giao biến đổi khí hậu, của những người làm công tác ngoại giao và các bộ, ngành.

Ngoại giao đóng góp cho biến đổi khí hậu. Ngược lại, biến đổi khí hậu trở thành một phương tiện, cách thức giúp Việt Nam làm tốt công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế đất nước; đồng thời gắn vấn đề kinh tế phát triển với ứng phó thách thức biến đổi khí hậu. Thông qua ngoại giao biến đổi khi hậu để huy động, thu hút nguồn lực từ quốc tế hỗ trợ phát triển, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn hướng đến mô hình kinh tế bền vững hơn  - Ảnh 7

VnEconomy 06/07/2022 06:00