15:00 04/07/2022

Xanh hóa doanh nghiệp từ các mô hình kinh tế tuần hoàn

Phan Anh

Đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải được các doanh nghiệp triển khai áp dụng  thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích, giá trị lớn về kinh tế cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một mô hình kinh doanh mới được nhiều doanh nghiệp hướng tới và triển khai...

Mô hình kinh tế tuần hoàn
Mô hình kinh tế tuần hoàn

Với việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mỗi năm doanh nghiệp chế biến cafe có thể giảm gần 13.000 tấn CO2 phát thải trong quá trình đốt lò hơi. Toàn bộ bã cafe, cát thải đều được tuần hoàn, tái sử dụng. Riêng việc sử dụng viên năng lượng sinh khối giúp doanh nghiệp tiết kiệm 40-50 tỷ đồng/năm chi phí năng lượng lò hơi. Nước thải màu trong quá trình sản xuất cafe được lọc, làm sạch, tái sử dụng cho lò hơi, tiết kiệm hơn 112.000 m3 nước/năm, tái sử dụng 65% lượng nước tái chế, tiết kiệm 30% lượng nước và 40% năng lượng…

NHỮNG ĐIỂM SÁNG MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN

Đó là những giá trị mà Công ty Nestle đã thu được khi triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất và chế biến cafe của mình.

Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle Việt Nam, giá trị của kinh tế tuần hoàn nằm ở việc tạo giá trị tác động tích cực cho cộng đồng. Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ trong chuỗi sản xuất mà còn được áp dụng xuyên suốt trong cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng.

Chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn từ hạt cafe tới gạch không nung, ông Hưng cho biết những hạt cafe thu mua của nông dân khi đến nhà máy sẽ được chế biến. Bã cafe sau chế biến được sử dụng làm viên năng lượng sinh khối, thay thế hơn 74% nguồn năng lượng cho vận hành lò hơi.

Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ trong chuỗi sản xuất mà còn được áp dụng xuyên suốt trong cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng. Ảnh: Chu Xuân Khoa.
Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ trong chuỗi sản xuất mà còn được áp dụng xuyên suốt trong cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Cùng với đó, cát thải tạo ra trong quá trình vận hành lo hơi được sử dụng làm viên gạch không nung; bùn thải cafe được dùng làm phân vi sinh. Gạch không nung này được sử dụng cho công trình thương mại và dân dụng.

Theo ông Hưng, phát triển xanh, bền vững là điểm bắt đầu và chặng đường còn dài. Mục tiêu, cam kết của Nestle trên thế giới cũng như ở Việt Nam là hướng tới nền kinh tế tái sinh, tiến từ phát triển bền vững đến phục hồi, tái sinh, tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên.

Không chỉ dùng để chế biến cafe, kinh tế tuần hoàn cũng được ứng dụng trong chế biến gỗ để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm. PGS.TS.Vũ Huy Đại, Trường đại học Lâm nghiệp, cho biết ngành gỗ hiện có hơn 5.800 doanh nghiệp với 340 làng nghề. Trong quá trình chế biến gỗ luôn có phế liệu gỗ ở hầu hết các công đoạn từ khai thác đến gia công.  Đặc biệt, phụ phẩm gỗ chiếm tỷ lệ khối lượng khá cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thay vì bỏ các phụ phẩm, hiện nay, phế liệu gỗ tại các nhà máy đã được dùng để cung cấp nhiệt cho nồi hơi, lò hơi thay cho sử dụng than đá, hoặc dầu như trước đây, giúp bảo vệ môi trường và giảm khí thải CO2.

Ngoài ra, việc sử dụng phế liệu gỗ để sản xuất các viên nén, các loại vật liệu gỗ công nghiệp (MDF), ván dăm, ván ghép thanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

Xanh hóa doanh nghiệp từ các mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1

Đặc biệt, phế liệu gỗ sau chế biến tại các xí nghiệp có thể được thu gom để sản xuất tập trung các sản phẩm năng lượng. Các sản phẩm năng lượng như viên nén gỗ, gỗ củi ép mùn cưa, than gỗ đã góp phần vào giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Một số nhà máy lớn, cụm chế biến gỗ đã áp dụng mô hình tái sử dụng phụ phẩm của nhà máy để tạo sản phẩm có giá trị…

Với mô hình của Công ty cổ phần Phú Tài, phụ phẩm từ cây gỗ được tận dụng làm viên nén năng lượng và chất đốt cho hệ thống nồi hơi của nhà máy. Hàng năm đã tiết kiệm cho công ty hàng trăm tỷ đồng từ việc tận dụng các phụ phẩm trong chế biến làm chất đốt cho nồi hơi sấy gỗ và doanh thu từ sản xuất viên nén năng lượng, đưa tổng lợi nhuận tăng 2-3%.

Mô hình sáng kiến tuần hoàn còn được ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như  TBC với mô hình trong tái chế bao bì nhôm hay Central Group với sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn “Không rác thải tại Samui” được áp dụng thành công ở Thái Lan.

Bà Preyawat Puketkew, Giám đốc vận hành và kế hoạch Văn phòng phát triển bền vững của Tập đoàn Central, cho biết mô hình “Không rác thải tại Samui” là sáng kiến phát triển bền vững nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở Samui dựa trên nguyên tắc kiến tạo giá trị chia sẻ. Trọng tâm của sáng kiến là phân loại chất  thải tại nguồn; qua đó tận dụng tối đa giá trị từ chất thải, bao gồm sản xuất phân bón sinh học cho các nông hộ trong cộng đồng và các sản phẩm phụ từ khí sinh học thay cho khí hóa lỏng sử dụng làm nhiên liệu đốt.

NHỮNG GIÁ TRỊ KHI ĐẦU TƯ CHO KINH TẾ TUẦN HOÀN

Việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, rõ ràng cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng và các đối tác kinh doanh.  Đặc biệt việc giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất sẽ góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Các chuyên gia khẳng định phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tốn tiền đầu tư nhưng mang lại những giá trị khác cho doanh nghiệp. Đơn cử như với sáng kiến của Central đã tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho doanh nghiệp mà là tái đầu tư cho cộng đồng để cùng phát triển. Khi cộng đồng phát triển, doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn và tạo ra giá trị lớn hơn.

Xanh hóa doanh nghiệp từ các mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2

Còn với Nestle, việc giảm được 700 tấn nhựa mỗi năm sẽ được quy đổi ra giá trị cắt giảm phát thải carbon. Với những cơ chế chính sách về thị trường carbon hiện nay, đó sẽ là tiền, là giá trị lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp từ hoạt động đầu tư cho kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, đây là bài toán đầu tư phát triển của doanh nghiệp chứ không nên coi là chi phí tốn kém. Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại những giá trị lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp, cho xã hội và môi trường.

 
Nếu doanh nghiệp không có quyết tâm, cam kết và tầm nhìn dài hạn cho phát triền bền vững thì khó có thể thực hiện được.

Để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các chuyên gia nhấn mạnh sự quyết tâm hành động của các đơn vị, doanh nghiệp, phải đầu tư cho công nghệ, máy móc thiết bị. 

Chẳng hạn, để giảm rác thải nhựa, Nestle chủ động thay toàn bộ ống hút nhựa thành giấy. Mặc dù chi phí ống hút giấy so với nhựa đắt gấp 3 lần trong khi giá bán không đổi nhưng đã giúp giảm gần 700 tấn nhựa thải ra môi trường mỗi năm. “Nếu doanh nghiệp không có quyết tâm, cam kết và tầm nhìn dài hạn cho phát triền bền vững thì khó có thể thực hiện được”, ông Hưng nói.

Bà Preyawat Puketkew nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn đòi hỏi thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng. Sự thành công của mô hình này bắt đầu từ sự nỗ lực tham gia của tất cả các đối tác liên quan, đến từ cộng đồng địa phương, sự tham gia của các nông trang, người dân. Đây là một mô hình mẫu để có thể nhân rộng cho các nơi ở Thái Lan và hy vọng sẽ được ứng dụng tại Việt Nam.

Với lĩnh vực chế biến gỗ, ông Đại kiến nghị cần đầu tư, xây dựng các mô hình điểm về kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất chế biến gỗ phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp làm cơ sở để nhân rộng và phát triển cho các doanh nghiệp khác tham quan học tập. Cùng với đó hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hiệu quả của kinh tế tuần hoàn.