"Thực tế các nhà đầu tư nước ngoài và các định chế tài chính quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam khá sớm. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có 9 ngân hàng có sở hữu vốn nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh và một số tổ chức có góp vốn vào các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, thị phần tổng tài sản của khối ngân hàng nước ngoài và liên doanh tại Việt Nam vẫn chỉ loanh quanh ở mức 10%.
Lý do là các định chế tài chính nước ngoài rất thận trọng khi rót vốn vào Việt Nam. Họ hoạt động “bình bình” với chiến lược rất thận trọng, dù thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển.
Bên cạnh đó, do thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam còn thiếu chuẩn mực và bài bản nên dẫn đến tình trạng một số ngân hàng nước ngoài thoái vốn, bán mảng bán lẻ cho một số tổ chức khác. Điển hình như trường hợp Ngân hàng ANZ bán bớt mảng này gần đây và chuyển sang dạng thức kinh doanh khác với chiến lược thay đổi.
Tương tự, nhiều ngân hàng liên doanh cũng chuyển hiện diện tại Việt Nam thành ngân hàng con hay văn phòng đại diện. Hiện có 9 ngân hàng con của nước ngoài tại Việt Nam hoạt động như 1 ngân hàng bản địa dù vẫn còn một số hạn chế nhất định. Song rất đáng chú ý, họ lại tham gia kênh khác như trở thành cổ đông chiến lược, cổ đông tài chính trong các ngân hàng Việt Nam.
Một vấn đề rất đáng quan tâm trong thực trạng room sở hữu của ngân hàng nước ngoài là tình trạng chưa sử dụng hết tỷ lệ trần room 30% tại các ngân hàng. Hiện nay trong 4 ngân hàng nhà nước lớn, mới có 3 ngân hàng lớn là Vietcombank, Viettinbank và BIDV có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 16,7-25,5%, còn Agribank mới đang chuẩn bị cổ phần hóa. Như vậy, bình quân tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong 4 ngân hàng nhà nước lớn mới chỉ loanh quanh ở mức 16-17%, vẫn còn dư địa tới 13% trong khu vực này.
Về phía các ngân hàng thương mại tư nhân, tuy một số ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết room cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ khoảng 27- 28% song nhiều ngân hàng vẫn có nhu cầu tìm thêm vốn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp là rất vất vả và khó khăn.
Trong khi đó, quá trình thẩm định đánh giá phê duyệt của Việt Nam quá lâu khiến nhà đầu tư bị lỡ cơ hội. Chưa kể chính sách, chủ trương định hướng của Việt Nam thiếu nhất quán khiến nhà đầu tư nước ngoài rất khó định hướng.
Mặt khác xét về chủ quan, các định chế tài chính nước ngoài thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn nên có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh. Trong bối cảnh này, họ đã nhận diện có kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như lập quỹ đầu tư để đầu tư thứ cấp. Đây là các vấn đề rất cần được xem xét trong việc nhận diện lý do và cơ sở để nới trần tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới".
"Kể từ ngày 1/1/2020, khi chính thức triển khai Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2004 của Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết về hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel II thì áp lực tăng vốn tự có của các ngân hàng thương mại ngày một gia tăng.
Để tăng vốn, nhiều ngân hàng đã lên phương án phát hành cổ phiếu, giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, nhiều ngân hàng lại tìm kiếm, đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong trần room ngoại được pháp luật quy định. Đa số nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản trị cao; nhờ đó các ngân hàng thương mại có thể tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Cùng với đó, nhiều dự báo cho rằng, từ năm 2022, nợ xấu sẽ bộc lộ rõ nhất trong hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp đến kỳ trả nợ vay trung và dài hạn sau khi ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại nợ và giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước trước đó.
Do đó, việc khống chế tỷ lệ 30% có thể khiến các ngân hàng bỏ lỡ cơ hội phát triển do không đáp ứng đủ nguồn vốn trong khi nguồn vốn nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực cũng như thực hiện đề án tái cơ cấu và thực hiện chuẩn mực Basel tại các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Trong khi các ngân hàng thương mại quan tâm đến nhà đầu tư chiến lược để đem lại hiệu quả đồng vốn đầu tư thì mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư lại nhắm đến sức khỏe của đối tác kèm theo năng lực quản trị tương ứng với chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh các ngân hàng tự chủ động khắc phục khó khăn do nguyên nhân chủ quan như nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đổi mới công nghệ, xử lý nợ xấu… để tiếp cận các nhà đầu tư chiến lực tiềm năng thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán là điều rất cần thiết.
Vì vậy, việc mở room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sỡ hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu…".
"Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng – tài chính của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong bình ổn vĩ mô, duy trì sự ổn định và an toàn của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại vẫn yếu về tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản trị, khả năng cạnh tranh.
Vì vậy, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng cũng như trong thu hút FDI nói chung đều hướng tới tiếp cận nguồn lực tài chính và kỹ năng quản trị, công nghệ tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù đã đẩy mạnh hội nhập, nhưng Việt Nam rất thận trọng trong hội nhập tài chính và tự do hóa tài chính trong các vấn đề giá cả, lãi suất, cán cân tài chính, sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài… Do đó, đặt trong bối cảnh tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần xem xét lại quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng.
Bởi việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài vào cũng mang lại kỳ vọng cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trong việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, đi kèm với các bí quyết quản trị, công nghệ, góp phần tái cấu trúc lại ngân hàng một cách hiệu quả hơn.
Hơn thế nữa, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư sang các nền kinh tế khác, trong đó có cả những nền kinh tế phát triển như Đức, Hoa Kỳ… Do vậy, việc tận dụng vốn cũng như kinh nghiệm, thông lệ tốt của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng vươn tầm khu vực.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều điểm cần cân nhắc. Đó là nếu có rủi ro khủng hoảng kinh tế thế giới hoặc khu vực, nền kinh tế đối mặt với các cú sốc về tài chính, cán cân thanh toán quốc tế… nhà đầu tư nước ngoài có thể thoái vốn khỏi thị trường bất cứ lúc nào.
Theo đó, cần có công cụ, cơ chế giám sát hiệu quả để đảm bảo không xảy ra tình trạng đột biến, bất ngờ. Ngoài ra, có thể áp dụng cơ chế tiếp cận “linh hoạt” về tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại trong các ngân hàng thương mại; đó là Việt Nam có thể cân nhắc xem xét mở room sở hữu riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư châu Âu theo lộ trình đã cam kết tại EVFTA".
VnEconomy 22/12/2021 06:00