16:56 20/12/2021

Ngân hàng “án binh” chờ tín hiệu mới từ room ngoại

Thời gian gần đây, không chỉ hoạt động M&A giữa các ngân hàng nội lặng sóng, thị trường cũng không có thêm thương vụ giữa nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng trong nước...

Sau làn sóng ngân hàng đồng loạt thực hiện khoá tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài hồi đầu năm, đến nay thị trường vẫn chưa ghi nhận thêm thương vụ bán vốn nào mới...

ĐỒNG LOẠT "ÁN BINH"

Vào năm 2019, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng được mở màn bằng thương vụ Vietcombank chào bán 3% vốn cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd. Và cuối năm, chốt lại bằng thương vụ 876 triệu USD của BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank.

Sang năm 2020, thị trường cũng ghi nhận thêm một thương vụ thành công. Đó là ngân hàng Aozora, Nhật Bản đầu tư và nắm giữ 15% cổ phẩn của OCB.

 
Theo quy định hiện tại, "room" ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%. Ngoài ra, giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân nước ngoài tại ngân hàng là 5% vốn điều lệ, với tổ chức là 15%, còn với nhà đầu tư chiến lược là 20%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ ngân hàng.

Kể từ đó đến nay, không chỉ hoạt động M&A giữa các ngân hàng nội lặng sóng, thị trường cũng không có thêm thương vụ giữa nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng trong nước. Thậm chí, hàng loạt ngân hàng còn điều chỉnh giảm và khóa room ngoại.

Điển hình nhất, cuối năm 2020, HDBank đã điều chỉnh room từ 30% xuống 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.

Tương tự, SHB công bố tạm khóa room của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2021 thông qua. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của ngân hàng này đã thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không quá 20% vốn điều lệ.

Hay như, VPBank cũng giới hạn tỷ lệ room ngoại hiện tại chỉ là 15%. Phần room ngoại còn trống, tương ứng 15% vốn điều lệ VPBank, bằng tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một ngân hàng.

Một số ngân hàng cũng khoá tỷ lệ room ngoại thấp hơn so với quy định về giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt Nam là 30% gồm: Techcombank (22,4908%); OCB (22%); VietCapital Bank (5%); SeABank (5%)…

Ngân hàng “án binh” chờ tín hiệu mới từ room ngoại - Ảnh 1

Nhìn chung, mục đích của việc khóa room đểu được các ngân hàng cho biết là chủ yếu để tìm nhà đầu tư chiến lược. Còn nếu không khóa room, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mua trên sàn, lấp đầy room, ngân hàng không còn không gian để bán lô lớn. Ngoài ra, không nhà đầu tư chiến lược nào muốn mua ít cả, họ muốn mua đủ nhiều để có một vị thế trong ngân hàng

HƯỚNG VỀ TRIỂN VỌNG NỚI ROOM

Thật ra, câu chuyện thu hút vốn không phải vấn đề mới và đã tồn tại từ rất lâu. Gần đây nó lại nổi lên với tính cần thiết bởi 2 yếu tố chính.

Thứ nhất, sự hỗ trợ của các nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh giúp các ngân hàng tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.

Cụ thể, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng tài sản của ngân hàng khá cao trong khi tăng trưởng vốn chưa tương xứng. Dù các ngân hàng Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tăng vốn thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư hiện hữu, phát hành trái phiếu riêng lẻ… nhưng xét mặt bằng chung, vốn của nhiều ngân hàng vẫn còn mỏng.

Tính đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng theo Thông tư 41/2016/TT đang ở mức 11,37%. Mới chỉ có một vài ngân hàng đang triển khai Basel 3, còn lại chỉ dừng ở Basel 2.

Thêm vào đó, những tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động ngân hàng trong thời gian tới là khó tránh khỏi, nhất là vấn đề liên quan đến nợ xấu. Nếu không có bộ đệm vốn đủ dày, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản rất cao.

Thứ hai, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam. Vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Tại buổi tiếp, các ngân hàng và tập đoàn tài chính Hàn Quốc tại Việt Nam như Shinhan Bank, Keb Hana, Woori… đều mong muốn được nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài, đề xuất Việt Nam triển khai và được tham gia vào lĩnh vực mobile money, ngân hàng số…

 
Tính đến 30/6/2021, thị trường có 19 tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 3/4 ngân hàng và ngân hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15%, trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.

Như vậy, không thể phủ nhận cơ hội mở ra cho ngân hàng nội khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là rất lớn, thế nhưng giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn ngoại đang làm khó các ngân hàng trong việc tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Theo một lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ, việc tìm và lựa chọn đối tác chiến lược đã khó, đến khi tới được vòng đàm phán lại vướng các điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc khóa room nước ngoài đang diễn ra cả với ngân hàng còn nhiều không gian cũng như ít không gian. Ngay cả những đơn vị đã kín chỗ cũng muốn khoá xuống nhưng điều kiện không cho phép.

“Khoá được xuống bao nhiêu thì đều làm. Vì các ngân hàng đều đang kỳ vọng vào việc nhà quản lý sẽ nâng dần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ cần nới một chút và cộng với dư địa đang có, họ đều muốn thu về những món lớn”, vị lãnh đạo này ngân hàng này nói.

Được biết, tăng room ngoại cho các tổ chức tín dụng là điều nằm trong phụ lục của WTO từ năm 2006, tuy nhiên đến nay quy định mới chỉ dừng lại ở con số 30%. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).

CẦN NỚI NHƯNG KHÔNG THỂ VỘI

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ đã có cơ chế mở cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua 100% vốn các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc.

Còn đối với các ngân hàng khác, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư và vai trò quản lý nhà nước. Nếu mở chỉ nên mở với từng loại hình tổ chức tín dụng cụ thể và có lộ trình.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang đi theo hướng này. Tại chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có đề cập tới nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng Việt Nam theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tăng cường huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu nước ngoài tham gia xử lý tổ chức tín dụng  yếu kém được mở room lên 100%.

Thêm vào đó, ông Hiếu cho rằng, quan điểm của nhà đầu tư là ở đâu kinh doanh có lợi nhuận cao thì họ sẽ ở lại, nếu không họ sẽ rút lui để chuyển vốn sang nơi kỳ vọng sinh lời cao hơn. Ngay cả khi đã trở thành đối tác chiến lược, nhưng nếu nhà đầu tư ngoại không còn tìm thấy khả năng sinh lời tại ngân hàng, họ sẵn sàng thoái vốn.

“Dù các quốc gia trên thế giới khá cởi mở đối với vấn đề này, nhưng hoạt động ngân hàng ở Việt Nam đang giữ vai trò huyết mạch cho nền kinh tế hiện nay. Để phục vụ mục tiêu này cần có một bệ đỡ tài chính chắc chắn, không thể nóng vội”, ông Hiếu nêu quan điểm.