Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 1
Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 2

“Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn đã có những bước đầu tư đầu tiên tại Việt Nam, như công ty Han Yang ở Phú Thọ, Amkor ở Bắc Ninh hay Hana Micron. Các công ty này đều đang gia công và lắp ráp công đoạn cuối cùng trong chuỗi giá trị cung ứng chất bán dẫn. Hàn Quốc cũng là một trong những nước phát triển nhất trong lĩnh vực chất bán dẫn, trong đó chuỗi cung ứng sản xuất không phải do một công ty làm hết mà phải chia giai đoạn, tạo thành một chuỗi giá trị cung ứng, đặc biệt là việc lắp ráp công đoạn cuối cùng các thành phẩm để gửi cho các công ty hàng đầu thế giới vào Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước có nhiều cơ hội để phát triển ngành chất bán dẫn. Vì vậy, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục xem xét cơ hội đầu tư mở rộng các chuỗi giá trị cung ứng của chất bán dẫn tại Việt Nam.

Trong ngành công nghiệp chất bán dẫn, sản xuất chip là lĩnh vực đầu tư lớn nhất, quy mô từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ USD mới có thể làm được nhà máy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét những diễn biến và thay đổi của tình hình thế giới. Chẳng hạn như tình hình sau bầu cử ở Mỹ, bởi Mỹ vẫn luôn là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Từ đó, chúng tôi xem xét có thể đầu tư sớm hơn hoặc lùi lại một chút. Việc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn phụ thuộc lớn vào chế độ và quy định về hải quan, xuất nhập khẩu mà các nước đề ra, đặc biệt là Mỹ và EU, nhưng nhìn chung, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng ngành chất bán dẫn ở Việt Nam.

Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Phát triển công nghiệp bán dẫn để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này cho thấy lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điều đó sẽ mang lại nhiều lợi thế.

Bên canh đó, có ba vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết.

Thứ nhất, về khung pháp lý, những quy định pháp luật phải tạo nền tảng, điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư và có những chế độ ưu đãi đặc biệt.

Thứ hai, về nguồn điện. Sản xuất chất bán dẫn cần yêu cầu về nguồn điện rất lớn, gấp rất nhiều lần so với ngành công nghiệp thông thường.

Thứ ba, về nguồn nhân lực. Chất bán dẫn không phải 100% sản xuất bằng máy móc, thiết bị, mà phải có con người hiểu biết và xử lý, tham gia vào các công đoạn. Do đó, Việt Nam phải đầu tư để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 3

“Hà Lan là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành bán dẫn toàn cầu và chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển lĩnh vực này. Năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm các khu công nghệ cao của Hà Lan và một năm sau, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã đến Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan. Trong chuyến thăm đó, Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ cao Việt Nam - Hà Lan đã được tổ chức tại Trung tâm R&D của Samsung ở Hà Nội để kết nối doanh nghiệp hai bên nhằm phát triển ngành công nghệ cao, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác giữa hai bên trong ngành bán dẫn.

Hiện nay, gần 85% chip trên toàn cầu đều sử dụng thiết bị bán dẫn của Hà Lan trong các giai đoạn thiết kế, phát triển và sản xuất. Ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại vô số cơ hội cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực và quy mô khác nhau. Tại Hà Lan, chuỗi cung ứng bán dẫn không chỉ bao gồm các tập đoàn lớn mà còn có mạng lưới hơn 300 nhà cung cấp vừa và nhỏ, tạo nên một hệ sinh thái chặt chẽ.

Trong đó, nhiều lĩnh vực không hoàn toàn thuộc ngành công nghệ cao nhưng vẫn áp dụng phương thức và máy móc tiên tiến, ví dụ như các doanh nghiệp về gia công kim loại, cơ khí, quang học, kỹ thuật. Dù ở quy mô nhỏ, các nhà cung cấp này lại đóng góp 41% tổng doanh thu và chiếm 59% lực lượng lao động ngành bán dẫn Hà Lan. Chúng tôi rất mong được hợp tác với các đối tác để xây dựng một hệ sinh thái tương tự tại Việt Nam, từ đó thu hút nhiều nhà cung cấp hơn trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Hiện đã có nhiều nhà cung cấp thiết bị bán dẫn tại Việt Nam và các dự án đầu tư gần đây của doanh nghiệp Hà Lan cùng các tập đoàn quốc tế khác trong lĩnh vực này càng chứng minh tiềm năng lớn của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của ngành bán dẫn, Việt Nam cần tập trung xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng thời xây dựng các trung tâm hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, tuy nhiên hiện tại họ vẫn gặp khó khăn trong việc gia nhập và phát triển trong thị trường bán dẫn, nơi mà các doanh nghiệp lớn đang chiếm ưu thế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ số. Hà Lan luôn sẵn sàng hợp tác cùng các cơ quan nhà nước và các đối tác tại Việt Nam để hoàn thiện hệ sinh thái bán dẫn tại đây. Tôi tin rằng khi ngành bán dẫn của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu trong tương lai.

Trong thời gian tới, Hà Lan sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ngành bán dẫn và hỗ trợ các sự kiện quan trọng như Triển lãm công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 để tăng cường kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan cũng như giữa các tổ chức trong lĩnh vực bán dẫn. Tôi tin rằng những hoạt động hợp tác này không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực bán dẫn mà còn góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực này ra toàn cầu”.

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 4

“Trong bối cảnh hội nhập và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, ngành công nghiệp bán dẫn nổi lên như một trong những trụ cột chiến lược của thế kỷ 21.

Công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn giữ vai trò cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số của mỗi quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-TTg về chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam vươn thành điểm đến an toàn trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt về công nghệ và nhân lực. Công nghệ sản xuất chip vẫn là điểm yếu của Việt Nam so với các nước phát triển, trong khi các doanh nghiệp trong nước hiện tại chủ yếu tham gia vào khâu thiết kế.

Tôi cho rằng để thực sự vươn tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần có chính sách phát triển các mảng sản xuất, đóng gói và thử nghiệm vốn có giá trị gia tăng cao hơn. Cụ thể như công nghệ sản xuất chip tiên tiến là những công nghệ cốt lõi để chế tạo các chip với kích thước siêu nhỏ, hiệu năng cao, chất lượng bề mặt chip đồng đều và hiệu suất cao, đạt được độ tinh khiết và giảm tối đa tỷ lệ lỗi sản phẩm. Đồng thời, sản xuất vật liệu bán dẫn tiềm năng ứng dụng trong các thiết bị điện tử thế hệ mới có độ tinh khiết cao và nâng cao hiệu suất của chip…

Để phát triển công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực là một vấn đề cấp thiết. Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn. Cần có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình quản lý và vận hành các cơ sở đào tạo liên quan đến lĩnh vực này.

Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân chia sẻ tài chính, hạ tầng và các nguồn lực khác, nhằm phát huy tối đa tính năng động và sáng tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn. Trong quá trình rà soát, sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công, khoa học, công nghệ và quản lý tài sản công, cần bổ sung các quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động hợp tác này.

Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng, đó là cung cấp nguồn năng lượng. Ngành bán dẫn đòi hỏi có nguồn điện ổn định, không chỉ đáp ứng đầy đủ về mặt số lượng mà còn phải đảm bảo về mặt chất lượng. Nguồn điện không ổn định là một trong những thách thức lớn đối với sản xuất chip bán dẫn. Sự biến động về điện áp, tần số và chất lượng điện năng có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, năng suất và hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển kinh tế xanh, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các nhà đầu tư. Nếu Việt Nam không đáp ứng được các nhu cầu này khả năng cạnh tranh trong ngành bán dẫn sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển năng lượng để đảm bảo nguồn cung cấp điện bền vững cho ngành công nghiệp bán dẫn như phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời phải đảm bảo một nguồn điện nền ổn định trong bối cảnh thủy điện không còn nhiều dư địa phát triển và điện than dần phải bị đóng cửa theo lộ trình đến năm 2050”.

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 5

“Trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp bán dẫn có vai trò rất quan trọng. Đây được xem là một trong những động lực mới quan trọng cho phát triển, để có chính sách đồng bộ như khuyến khích thu hút nhà đầu tư cũng như nhân tài trong lĩnh vực này.

Tôi cho rằng nguồn nhân lực, nhân tài trong lĩnh vực này không chỉ là những người Việt Nam đang ở nước ngoài mà là cả người nước ngoài cùng chung sức góp phần phát triển; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ngay ở trong nước.  Đây là những điểm then chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vì vậy, TP.HCM cũng như các địa phương khác cũng sẽ có các chính sách ưu đãi cao nhất để thu hút đầu tư vào lĩnh vự bán dẫn.

Theo tôi, công nghiệp bán dẫn là một trong những mũi nhọn có thể giúp Việt Nam tăng tốc. Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, thu hút nguồn nhân lực tham gia vào lĩnh vực này, cần rà soát, có thể chế quy định đủ mạnh, đủ thông thoáng. Đây là những điều Việt Nam cần phải làm.

Cùng với đó, cần đầu tư hệ thống hạ tầng cũng như hình thành và phát triển hệ sinh thái để phục vụ cho phát triển công nghiệp bán dẫn.

Để thu hút công nghệ cao trong đó có bán dẫn, TP.HCM đã và đang thực hiện chiến lược phát triển cơ cấu lại kinh tế thành phố theo hướng giảm thâm dụng lao động và phát triển công nghệ cao”.

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 6

“Dưới góc độ tiếp cận của cộng đồng doanh nghiệp, đây là một thời điểm hết sức phù hợp khi mà Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được ban hành trong bối cảnh tất cả các quốc gia đều chạy đua chip và các cường quốc lớn đều đã có những đạo luật chip.

Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đã có chiến lược phát triển chip và có những chiến lược rõ ràng thu hút đầu tư về chip bán dẫn. Các quốc gia cùng khu vực với Việt Nam như Malaysia, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có chiến lược thu hút đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn rất rõ ràng.

Vì vậy, đây là thời điểm hết sức thích hợp để Việt Nam có chiến lược bán dẫn tương thích, góp phần làm cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ sở cất cánh. Chiến lược này đã đề ra các lộ trình rõ ràng và đưa ra một công thức mang tính logic cao, khoa học mà chưa có chiến lược phát triển nào có trước đó.

Tôi cho rằng chiến lược này sẽ mang lại các lợi ích sâu sắc và lâu dài cho ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử, vừa là đầu ra của ngành công nghiệp chip bán dẫn, vừa góp phần đảm bảo tự chủ và tự cường cho quốc gia và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với mục tiêu doanh thu công nghiệp bán dẫn 25 tỷ USD/năm giai đoạn 1, nếu nói ở thời điểm hiện tại thì chúng ta thấy là cao và là tham vọng lớn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với những nỗ lực, lộ trình rõ ràng thì không gì không thể đạt được và cũng phải thiết lập mục tiêu như thế để tương đồng với trình độ phát triển khu vực cũng như tiềm lực của chính chúng ta.

Mục tiêu của chiến lược đã ghi rất rõ và mang lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc và cho các ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là sản xuất công nghiệp điện tử. Hiệp hội cũng thấy trong toàn bộ mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn lấy ngành công nghiệp điện tử làm trung tâm. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài là một trong 3 trọng tâm của chiến lược.

Đặc biệt, giải pháp thu hút đầu tư FDI có chọn lọc là một trong những đề xuất của Hiệp hội Công nghiệp điện tử Việt Nam và đã được đưa vào trong chiến lược. Việt Nam đã và đang thực hiện thu hút các đầu tư FDI hiệu quả, có chọn lọc. Các doanh nghiệp Samsung, Amkor… đã có những cam kết đầu tư hàng tỷ USD trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, từ khâu R&D đến thiết kế, đóng gói.

Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử được thành lập dựa trên các lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất điện tử tại Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn gia tăng vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên trường quốc tế, trong chuỗi cung ứng. Chỉ khi tự chủ được mảng sản xuất bán dẫn thì công nghiệp điện tử mới có thể tự chủ được và chúng ta mới có thể có vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng. Chỉ có các hoạt động mang hàm lượng chất xám cao hơn từ khâu thiết kế, chế tạo đến khâu marketing một cách quy mô toàn cầu thì chúng ta mới có thể nâng tầm vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 7

VnEconomy 12/11/2024 08:15

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam 

Đón cơ hội, đưa công nghiệp bán dẫn Việt Nam “cất cánh” - Ảnh 8