Công nghiệp bán dẫn Việt Nam: Bước vào thời kỳ khởi sắc mới
Ngành công nghiệp bán dẫn được đánh giá có vai trò rất quan trọng và đang trở thành trụ cột kinh tế hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), với nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và tiến bộ công nghệ, thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023...
Theo dữ liệu từ Statista Market Insights, doanh thu thị trường bán dẫn trong nước dự kiến sẽ đạt 18,23 tỷ USD vào năm 2024, dự báo đạt 31,39 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,48% trong giai đoạn 2024-2029.
Với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về lĩnh vực bán dẫn trong khu vực và trên thế giới, mới đây Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, cùng nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Những nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút các nhà đầu tư quốc tế, mở ra cơ hội phát triển sôi động cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
MỤC TIÊU TRỞ THÀNH TRUNG TÂM HÀNG ĐẦU VỀ BÁN DẪN
Sản xuất bán dẫn là quy trình phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn chuyên biệt. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), một con chip thường trải qua ba khâu sản xuất chính, gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Trong đó, khâu thiết kế đóng góp khoảng 53% tổng giá trị một con chip, khâu chế tạo chiếm 24% và đóng gói chiếm 6%.
Việt Nam từ lâu đã được biết đến như một thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói nhờ sự hiện diện của các nhà máy từ các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Hana Micron… Tuy nhiên, hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam thực tế đã mở rộng bao phủ cả ba giai đoạn quan trọng trong chuỗi giá trị, dù phần lớn các hoạt động này hiện vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
20 năm trước, khi ngành bán dẫn của Việt Nam còn “lờ mờ”, một ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế bán dẫn từ Nhật Bản là Renesas đã chọn Việt Nam để thành lập một trung tâm thiết kế lớn. Hiện nay, không chỉ Renesas mà nhiều công ty thiết kế bán dẫn hàng đầu như: Global Unichip Corporation (GUC) và Faraday Technology của Đài Loan (Trung Quốc); Microchip, Marvell, Synopsys, Qorvo… của Mỹ đều đã hiện diện tại Việt Nam.
Trong chuỗi giá trị bán dẫn, thiết kế luôn là công đoạn có giá trị gia tăng cao nhất, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao và hạ tầng hỗ trợ hiện đại. Không ít chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tiếp tục tập trung vào thế mạnh lắp ráp và đóng gói để thiết lập vị trí mắt xích trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã xác định phát triển năng lực thiết kế phải là chiến lược ưu tiên để Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về bán dẫn.
Theo Chiến lược này, hướng đi cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam dựa trên công thức: C = SET + 1. Theo đó, sự phát triển ngành bán dẫn Việt Nam dựa trên bốn yếu tố: (1) sản xuất chip chuyên dụng; (2) tăng trưởng ngành điện tử/công nghiệp điện tử; (3) xây dựng đội ngũ kỹ sư bán dẫn tài năng; (4) kiến tạo Việt Nam trở thành điểm đến an toàn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu về bán dẫn.
Chiến lược này cũng xác định rõ lộ trình ba giai đoạn phát triển đến năm 2050 với nhiều mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, trong giai đoạn gần nhất từ năm 2024 đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu tạo ra ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, xây dựng một nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ và thiết lập 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.
Nhiều chuyên gia cho rằng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam định hướng rõ ràng cho phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử thế hệ mới (chip AI) thông qua một lộ trình phát triển cụ thể, với các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý có định hướng rõ ràng trong việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử.
Chiến lược này nắm bắt, tận dụng cơ hội trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu khi mà ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trải qua những biến động rất lớn, đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG BỨC TRANH BÁN DẪN VIỆT NAM
Với tầm nhìn dài hạn và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ thiết kế chip tiên tiến, dần từng bước đưa Việt Nam vào sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành bán dẫn.
Trong cuộc đua này, Viettel và FPT là hai doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và đã đạt được những thành tựu ban đầu. FPT đã ra mắt sản phẩm IoT đầu tiên ứng dụng trong ngành y tế, trong khi Viettel đã sản xuất chip phục vụ thiết bị 5G. Không chỉ dừng lại ở thiết kế, với vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành bán dẫn Việt Nam tiến lên, FPT và Viettel còn định hướng tự chủ sản xuất và đóng gói chip trong tương lai.
Một trong những mảng sáng quan trọng trong “bức tranh bán dẫn Việt Nam” là nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Hana Micron Vina và Hanmi Semiconductor đã thiết lập nhà máy sản xuất chất nền đóng gói, bảng mạch in và thiết bị đóng gói bán dẫn tại Việt Nam, trong khi Intel và Amkor đã xây dựng cơ sở đóng gói và kiểm thử bán dẫn tại Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một trong những “công xưởng” lớn của thế giới với sự hiện diện của hàng loạt nhà máy của những tên tuổi hàng đầu. Điển hình như Tập đoàn Samsung lựa chọn Việt Nam là cứ điểm xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất, đồng thời là nơi sản xuất của nhiều sản phẩm điện tử khác bao gồm tủ lạnh, tivi... Tập đoàn LG của Hàn Quốc cũng xây dựng các cơ sở sản xuất lớn tại Hải Phòng, tập trung vào các sản phẩm điện tử tiêu dùng như tivi, thiết bị gia dụng điện tử khác.
Tập đoàn Foxconn của Đài Loan (TQ), nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp sản phẩm cho Apple và nhiều thương hiệu lớn khác, hiện đã đầu tư hơn 3 tỷ USD để xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện tử tại Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của chuỗi công nghiệp lắp ráp và sản xuất điện tử, thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cải thiện, chuyển đổi số đang được thúc đẩy mạnh mẽ, khiến nhu cầu về thiết bị điện tử thông minh từ thị trường nội địa gia tăng nhanh chóng. Điều này mở ra tiềm năng để Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho tăng trưởng ngành bán dẫn.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số quốc gia, việc mở rộng ứng dụng IoT trong các thành phố thông minh, tự động hóa công nghiệp, nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe cũng đang thúc đẩy nhu cầu về các linh kiện bán dẫn như vi điều khiển, cảm biến và chip kết nối, giúp cho việc kết nối, xử lý dữ liệu và điều khiển trở nên hiệu quả hơn. Khi Việt Nam tiếp tục tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nhiều lĩnh vực, nhu cầu về các giải pháp bán dẫn được dự báo sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, tạo nên một thị trường bán dẫn sôi động và đầy triển vọng.
“Nhờ những nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi với chính sách ưu đãi thuế, các chương trình thúc đẩy đầu tư, chi phí lao động cạnh tranh và sự ổn định địa chính trị, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho ngành bán dẫn mà còn cho nhiều doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất điện tử. Đây chính là nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước phát triển trong ngành bán dẫn”, GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, nhìn nhận.
“THỎI NAM CHÂM” HÚT CÁC TẬP ĐOÀN BÁN DẪN NƯỚC NGOÀI
Theo GS.TS. Chử Đức Trình, với vai trò là thành viên của các hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường và tăng cường hoạt động thương mại với các nền kinh tế lớn. Điều này không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh mà còn củng cố triển vọng tăng trưởng của ngành bán dẫn trong tương lai.
Đối với ngành bán dẫn lao động đang trở thành thách thức lớn nhất. Theo đánh giá của nhiều công ty toàn cầu, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao đã dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt về nhân tài công nghệ trên toàn cầu. Báo cáo của McKinsey dự báo rằng ngành bán dẫn Mỹ có thể thiếu tới 146.000 công nhân vào năm 2029, trong khi Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ ước tính con số này sẽ là 67.000 vào năm 2030...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46-2024 phát hành ngày 11/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam