15:00 22/11/2023

Đồng Nai chật vật giải ngân vốn đầu tư công cuối năm

Thiên Ân

Tính đến nay, Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công thấp của cả nước. Tính đến hết tháng 10 tỷ lệ gải ngân chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng trong tổng vôn đầu tư công 14.700 tỷ đồng của năm 2023.

Đồn Nai đang chật vật giải ngân vốn đầ tư công thời điểm cuối năm 2023.
Đồn Nai đang chật vật giải ngân vốn đầ tư công thời điểm cuối năm 2023.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, đến nay tỉnh Đồng Nai mới chỉ giải ngân đạt khoảng 34% kế hoạch vốn của cả năm, tức hơn 5.000 tỷ đồng trong tổng số 14.700 tỷ đồng.

Theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng lớn nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Qua rà soát, các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai đạt thấp vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn vật liệu và các quy hoạch chưa đồng bộ; trong đó, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án.

Các dự án bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng gồm một số dự án trọng điểm như: Hạng mục cầu Thống Nhất thuộc dự án đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa; dự án đường hương lộ 2; dự án xây cầu Vàm Cái Sứt; dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 768 đoạn từ cầu Thủ Biên đến tỉnh lộ ĐT767, thuộc thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu…

Ở cầu Thống Nhất, hạng mục này được khởi công vào đầu năm 2023. Đến nay đã gần một năm trôi qua, việc thi công dự án vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào  do vướng mặt bằng dù khu vực thi công chủ yếu là diện tích mặt nước sông Cái. Đến cuối tháng 10, việc di dời các nhà lồng, bè nuôi cá trong khu vực thi công thì  dự án mới được tiếp tục triển khai.

Các dự án khác cũng cùng “chung số phận”, tương tự như hạng mục cầu Thống Nhất, đã được khởi công thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Linh, Phó giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay phần lớn các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư thời gian qua đều bị chậm tiến độ. Không có mặt bằng hay mặt bằng “da beo” đã khiến việc thi công của các nhà thầu gặp nhiều khó khăn, dự án bị chậm tiến độ, việc giải ngân vốn đầu tư vì vây cũng bị ảnh hưởng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, thực tế này đòi hỏi việc bố trí vốn đầu tư công cần hợp lý hơn, trong đó nguồn vốn cần được bố trí cân đối cho công tác giải phóng mặt bằng và xây lắp.

Ông Phan Trung Hưng Hà, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, phân tích: Công tác giải phóng mặt bằng luôn được đánh giá là khâu phức tạp nhất trong quá trình triển khai thực hiện một dự án. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án thời gian qua lại luôn ở mức cao. Điều này dẫn đến tình trạng khi giải phóng mặt bằng bị “ách” và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, ngày 27/9/2023, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tấn Đức đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh các tháng cuối năm 2023. Chỉ thị nhấn mạnh đồng thời tái xác định mục tiêu trong năm 2023 của tỉnh phấn đấu tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh phải đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chỉ còn hơn một tháng để giải ngân gần 66% vốn đầu tư công còn lại của năm 2023, quả là một thách thức không nhỏ dối với tinh Đồng Nai, nếu không muốn nói là “bất khả thi”. Chỉ tính riêng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai (dự án thành phần 1 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước thẩm quyền về đầu tư), từ nay đến hết năm 2023, các đơn vị liên quan phải thực hiện giải ngân nguồn vốn hơn 1.400 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, được biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện còn một số dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội này, với số vốn được giao là 1.436 tỷ đồng. Nguồn vốn phân bổ này có thời hạn trong năm 2023; cho nên nếu Đồng Nai không thể giải ngân hết nguồn vốn này thì có khả năng sẽ bị “cắt” vào năm tới và các năm tiếp theo sau nữa.