16:00 16/11/2023

Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận: Phan Rang – Tháp Chàm sẽ là đô thị du lịch thứ 5 vùng Nam Trung Bộ

Ban Mai

Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ có 12 đô thị, trong đó, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sẽ được phát triển trở thành đô thị quan trọng trong tam giác phát triển du lịch Nha Trang - Đà Lạt – Phan Rang - Tháp Chàm…

Biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận.
Biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, có nội dung về phương hướng phát triển hệ thống đô thị của tỉnh cũng như việc sắp xếp lại một số đơn vị hành chính.

NINH THUẬN SẼ CÓ 12 ĐÔ THỊ

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu để có 12 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; 04 đô thị loại IV; 07 đô thị loại V. Tỉnh cũng phát triển 06 đô thị ven biển.

Cụ thể, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sẽ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ, giáo dục, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao của Tỉnh Ninh Thuận, là đô thị trung tâm của tỉnh, phát triển theo định hướng phát triển bền vững, xanh và thông minh.

Đây sẽ là thành phố du lịch thứ 5 của tiểu vùng du lịch phía Nam của vùng Nam Trung Bộ (04 đô thị du lịch hiện hữu gồm Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết), là đô thị quan trọng trong tam giác phát triển du lịch Nha Trang - Đà Lạt – Phan Rang-Tháp Chàm. Đồng thời, là đầu mối giao thông liên vùng, trung tâm giao lưu kinh tế với vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Đông Nam bộ.

Quy hoạch đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 - Nguồn: UBND tỉnh Ninh Thuận.
Quy hoạch đô thị tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 - Nguồn: UBND tỉnh Ninh Thuận.

04 đô thị loại IV, trong đó có 2 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 2 đô thị mới gồm Phước Nam, Cà Ná (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn 2021-2025).

07 đô thị loại V, trong đó có 1 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 6 đô thị mới gồm Lợi Hải; Phước Đại; Thanh Hải (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V giai đoạn 2021-2025) và Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận dự kiến thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh (quy mô 43.900 ha) thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, nằm trên địa bàn các huyện Thuận Nam và Ninh Phước.

PHÁT TRIỂN THEO BA HÀNH LANG KINH TẾ: GIAO THÔNG – SINH THÁI – VEN BIỂN

Theo quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ có 04 vùng lãnh thổ, 03 vùng động lực, 03 hành lang phát triển kinh tế.

04 vùng lãnh thổ, gồm: Vùng trung tâm (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và phụ cận), vùng phía Bắc (huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải), vùng phía Tây (huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái) và vùng phía Nam (huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam).

03 Vùng động lực phát triển, gồm: Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm, bao gồm không gian thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm vùng, các đô thị vệ tinh phụ trợ có các chức năng riêng biệt gồm Lợi Hải (công nghiệp); Thanh Hải (du lịch); Phước Dân (thương mại dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề);

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh: bao gồm không gian huyện Thuận Nam và huyện Ninh Phước; là vùng phát triển công nghiệp – cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch; trong đó đô thị Phước Nam là trung tâm vùng; các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm Cà Ná (công nghiệp- cảng biển); Sơn Hải (du lịch-dịch vụ);

Vùng phát triển phía Tây: bao gồm không gian huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái; là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch; trong đó trung tâm vùng phát triển phía Tây là đô thị Tân Sơn, các đô thị phụ trợ với các chức năng riêng biệt gồm Lâm Sơn (thương mại dịch vụ và năng lượng) và Phước Đại (thương mại dịch vụ, đào tạo và điều phối năng lượng).

03 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang phát triển đa dạng: Bám dọc theo các trục tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đi qua tỉnh, là hành lang có tiềm năng phát triển quan trọng và đa dạng nhất, kết nối hệ thống đô thị, công nghiệp, cảng biển của tỉnh Ninh Thuận.

Hành lang phát triển sinh thái: Bám dọc theo trục Đông – Tây, Quốc lộ 27, 27B và không gian sinh thái dọc sông Dinh, vườn quốc gia Phước Bình kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cụm công nghiệp phụ trợ, sản xuất nông nghiệp, năng lượng và du lịch trải nghiệm, trung tâm điều phối năng lượng thủy điện tích năng Bác Ái, năng lượng tái tạo.

Hành lang phát triển ven biển: Bám dọc theo tuyến đường ven biển (TL701, 702) từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ, là khu vực có mật độ thấp, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt gắn với 06 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và các khu đô thị du lịch, khu chức năng ven biển được cụ thể hóa trong quy hoạch khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.

 

Sẽ thu hồi 16.959 ha đất, xây nhà máy điện hạt nhân

Đến năm 2023, tổng diện tích đất tự nhiên của Ninh Thuận là 335.534 ha, trong đó: đất nông nghiệp 281.679 ha; đất phi nông nghiệp 50.324 ha; đất chưa sử dụng 3.531 ha; Thực hiện thu hồi 16.959 ha, trong đó: 12.163 ha đất nông nghiệp và 4.796 ha đất phi nông nghiệp; Chuyển mục đích sử dụng đất 13.464 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng 5.468 ha, trong đó chuyển vào mục đích nông nghiệp là 4.258 ha, chuyển vào mục đích phi nông nghiệp là 1.210 ha.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển đối với địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.