17:56 15/04/2024

Đưa Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Nhĩ Anh

Đến năm 2030, sẽ xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại buổi Họp báo hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024 diễn ra ngày 15/4, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, dự kiến ngày 21/4/2024, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tỉnh, đồng thời, tổ chức khởi công một số dự án trọng điểm trên địa bàn trong đó có tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu Nghị- Chi Lăng theo hình thức BOT.

“CẦU NỐI” QUAN TRỌNG KẾT NỐI KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC ASEAN, TRUNG QUỐC 

Thông tin về quy hoạch, ông Vũ Hoàng Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn, cho biết phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 sẽ xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là “cầu nối” ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.

Tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì họp báo.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì họp báo.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông- lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt 8- 9%/năm. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 2,5-3,5%/năm; công nghiệp-xây dựng khoảng 12-13%/năm; dịch vụ khoảng 8-9%/năm.

 
Tại Nghị quyết 11 của Ban chấp hành Trung ương về quy hoạch phát triển khu vực trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định lựa chọn Lạng Sơn là một trong 5 cực tăng trưởng xanh của khu vực.

Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2030, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12- 13%; Công nghiệp- xây dựng chiếm 32- 33%; Dịch vụ chiếm 50- 51%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4- 5%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng.

Để đạt được các mục tiêu, quy hoạch nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm: tập trung đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển du lịch trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế lớn, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Cùng với đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Quy hoạch xác định 4 khâu đột phá phát triển, gồm: chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lạng Sơn có nền kinh tế hiện đại, năng động, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống số. Lạng Sơn trở thành vùng đất xanh hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng sạch, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

Lạng Sơn tiếp tục giữ vững vị thế là địa phương có hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường sắt phát triển hàng đầu Việt Nam, điểm trung chuyển trên bộ quan trọng hàng đầu trong kết nối Trung Quốc- Việt Nam- các nước ASEAN và các nước trên thế giới. An sinh xã hội của người dân được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc.

ĐẾN NĂM 2030, LẠNG SƠN CÓ 17 ĐÔ THỊ CÁC LOẠI

Về phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội, UBND tỉnh Lạng Sơn thông tin, phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và năng lực cạnh tranh. Xây dựng tỉnh Lạng Sơn thành trung tâm dịch vụ cấp vùng, trung tâm giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu hiện đại, năng động, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế. Phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế đặc sản địa phương, gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch.

Các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh Lạng Sơn được định hướng phát triển theo mô hình: 1 trục phát triển, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng kinh tế xã hội.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn mở rộng); 3 đô thị loại IV; 13 đô thị loại V.

Quy hoạch cũng nêu phương án phát triển các khu chức năng, gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn; Hệ thống khu công nghiệp; Cụm công nghiệp; Khu du lịch; Các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; Khu quốc phòng, an ninh; những khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đối với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai, đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với nhu cầu sử dụng đất của tỉnh theo chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, UBND tỉnh thông tin.

Đáng chú ý, về danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện, UBND tỉnh thông tin dự án dự kiến ưu tiên thực hiện gồm 173 dự án, trong đó 27 Dự án đầu tư của trung ương trên địa bàn tỉnh; 38 dự án đầu tư của tỉnh và 108 dự án thu hút đầu tư.

Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh được phê duyệt là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò như một bản thiết kế toàn diện, tổng quan, xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển dài hạn cho từng ngành, lĩnh vực và hình thành khung định hướng phát triển kinh tế xã hội dài hạn giúp tỉnh Lạng Sơn nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa khát vọng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.