EU sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện thực hoá các mục tiêu kinh tế thông qua 5 công cụ
Những công cụ này sẽ mang lại giá trị gia tăng trong quan hệ đối tác, hiện thực hoá tham vọng của Việt Nam về phát triển bền vững...
Ngày 27/9, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Julien Guerrier có buổi gặp gỡ đầu tiên với báo chí khi ông bắt đầu chính thức nhiệm kỳ của mình sau lễ trình Quốc thư lên Chủ tịch nước vào ngày 26/9.
Tại buổi gặp, Tân Đại sứ EU đã chia sẻ những ưu tiên và quan tâm trong nhiệm kỳ công tác 4 năm sắp tới tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Đại sứ EU cho rằng Việt Nam không xa lạ, ông đã từng đến Việt Nam du lịch, đặc biệt hơn cách đây 27 năm ông đến Việt Nam rất nhiều lần với tư cách thành viên đoàn đàm phán của EU với Việt Nam trong quá trình gia nhập WTO. Từ đó tới nay, ông đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn của Việt Nam.
Các nước thành viên EU đều là những người bạn của Việt Nam, ủng hộ nhiệt thành cho các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Khu vực châu Á Thái Bình Dương có vị trí trung tâm, EU có chiến lược hướng tới khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương mà ở đó Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng về dân số, địa lý… là đối tác quan trọng của EU.
Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ EU Julien Guerrier cho biết muốn hoàn thành sứ mệnh tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam với tham vọng đạt được mức thu nhập của các nước phát triển vào năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, với kinh nghiệm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của mình, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Không chỉ hỗ trợ về ý tưởng, EU có 5 công cụ hỗ trợ cụ thể để Việt Nam hiện thực hoá được các mục tiêu đặt ra.
Công cụ đầu tiên đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Vị đại sứ cho rằng với việc thực hiện EVFTA, những năm gần đây dòng trao đổi thương mại hai bên đã có sự tăng trưởng tới 32%, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam hiện nay bằng 4 lần so với xuất khẩu từ EU sang Việt Nam.
Công cụ thứ hai được EU sử dụng để giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính bền vững trong các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế, như giao thông vận tải, giáo dục, y tế, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… đó là cơ chế cấp vốn. EU dành trên 300 tỷ euro tài trợ cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Công cụ thứ ba chính là cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng hỗ trợ Việt Nam thông qua nhóm G7 cùng các đối tác quốc tế khác. Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng xanh, sạch với vốn 15,5 tỷ USD từ nguồn ngân sách công cũng như đầu tư tư nhân.
Công cụ thứ tư chính là nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. EU có một quỹ đầu tư dành cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có những viện nghiên cứu mà Việt Nam có thế mạnh.
“Việt Nam có nhiều nhà nghiên cứu, nhà đổi mới sáng tạo có uy tín, kinh nghiệm. Chúng tôi khuyến khích họ đăng ký để tiếp nhận được nguồn viện trợ từ quỹ này, thông qua đó các chuyên gia, viện nghiên cứu hai bên cùng nhau trao đổi kiến thức, kỹ năng, công nghệ với nhau”, vị Đại sứ chia sẻ.
Công cụ thứ năm Đại sứ đưa ra đó là, thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh thông qua Dự án tăng cường hợp tác an ninh với châu Á, qua đó giúp Việt Nam xây dựng năng lực của mình trong lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh mạng.
Đặc biệt ông Đại sứ nhắc lại khẩu hiệu của Việt Nam là “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Ý nghĩa khẩu hiệu phản ánh được nguyện vọng của nhân dân hai bên về việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giao lưu nhân dân nhằm hiện thực hoá mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc” thông qua giao lưu về giáo dục, học thuật… EU khuyến khích các sinh viên Việt Nam đến du học tại EU, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên.
“EU muốn tiếp tục duy trì là đối tác đáng tin cậy, là người bạn của Việt Nam. Thông qua những công cụ này sẽ mang lại giá trị gia tăng trong quan hệ đối tác, hiện thực hoá tham vọng của Việt Nam về phát triển bền vững. Tôi kỳ vọng, EU và Việt Nam cùng chung tay nắm bắt và hiện thực hoá cơ hội này”, Đại sứ EU nhấn mạnh.
Nhân cuộc gặp gỡ, phóng viên VnEconomy đã đặt câu hỏi về việc EU sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thế nào để đáp ứng các quy định, cũng như giúp doanh nghiệp xuất khẩu bền vững sang thị trường EU khi EU thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cũng như các quy định đặt ra trong Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn cho dệt may?.
Trả lời câu hỏi này, Đại sứ Julien Guerrier cho rằng đây là các tiêu chuẩn tiên tiến của EU trong vấn đề xanh hoá và phát triển bền vững. EU đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong quá trình điều chỉnh, thích ứng và tuân thủ được các quy định của EU.
Nhìn nhận ở góc độ khác, những quy định EU đặt ra lại chính là cơ hội giúp Việt Nam xanh hoá được các lĩnh vực công nghiệp của mình. Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình, qua đó thành công hơn trong xuất khẩu. Đồng thời giúp sản phẩm của Việt Nam “bước chân” được vào các quốc gia khó tính khác trên thị trường thế giới.
EU mong muốn đồng hành với Việt Nam thông qua cơ chế đối tác cụ thể, hỗ trợ trong các lĩnh vực để Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu xanh hoá của EU.
Với câu hỏi về việc tháo gỡ thẻ vàng IUU cho thuỷ sản của Việt Nam có phải là ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông? Vị đại sứ cho biết hai bên đã có thảo luận trong nhiều năm gần đây về vấn đề này. Ông hy vọng có sự thay đổi nhanh chóng trong quá trình triển khai từ phía Việt Nam.
Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi trong các quy định pháp luật, nhưng việc thực thi thực tế là một vấn đề. Tháng 10 tới sẽ có đoàn thanh tra của EU sang Việt Nam để kiểm tra, xem xét sự thay đổi và phải chờ kết quả từ đoàn thanh tra để biết được tình hình về vấn đề này.