Gần 60% người hưởng lương hưu là nữ
Lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội chiếm quá nửa trong tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu ở nhóm này cũng cao hơn nam, chiếm 55,9%...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành cơ bản đảm bảo tính bình đẳng giữa lao động nam và nữ, đảm bảo an sinh cho mọi đối tượng tham gia.
Tính đến nay, trong tổng số khoảng 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 55%. Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, tỷ lệ lao động nữ tham gia chiếm khoảng 55,4%; về bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ lao động nữ tham gia chiếm khoảng 59,3%.
Tương ứng với tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội cao hơn so với nam, tỷ lệ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của nữ giới cũng cao hơn. Thống kê cho thấy, hiện số người hưởng lương hưu hằng tháng có tới 55,9% là nữ.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bên cạnh chế độ hưu trí, khi tham gia bảo hiểm xã hội, lao động nữ còn được hưởng nhiều chế độ, quyền lợi khác, nổi bật là chế độ thai sản.
Riêng trong giai đoạn 2016-2023, cả nước có 12,8 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản. Bình quân, có khoảng 1,6 triệu lượt người hưởng thai sản/năm, thậm chí có năm ghi nhận số lượt hưởng tăng cao lên đến 2 triệu người (năm 2019). Riêng năm 2023, đã ghi nhận trên 1,54 triệu lượt người hưởng, tăng 22,2% so với năm 2022.
Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, chế độ thai sản đối với lao động nữ quy định như sau: Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng, nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, đây là chế độ thiết thực đối với lao động nữ. Vì thế, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản dành cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/con sinh ra.
Hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trong luật mới chỉ bao gồm hai chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, kinh phí chi hỗ trợ để thực hiện chính sách trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con dự kiến giai đoạn 2024 - 2030, ngân sách nhà nước phát sinh tăng 750 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 107 tỷ đồng).
Tuy nhiên, đối với người lao động sẽ được hưởng thêm quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về phía Cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cho rằng hệ thống trợ cấp thai sản phổ cập tại Việt Nam có thể giảm gánh nặng tài chính, từ việc đóng bảo hiểm xã hội đối với các hộ gia đình không có khả năng đóng góp, góp phần tăng mức độ bảo vệ thai sản cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Qua đó, tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội.