Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 1
Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 2

Theo bà, phụ nữ khởi nghiệp có khó khăn hơn so với nam giới không? Nếu có thì những khó khăn và rào cản đó đến từ đâu?

Tôi cho rằng, khởi nghiệp với bất kì ai cũng đều không dễ dàng tuy nhiên phụ nữ khi khởi nghiệp gặp phải một số khó khăn và thách thức hơn nam giới. Làm việc trong lĩnh vực tài chính vi mô, chúng tôi có cơ hội được đồng hành cùng quá trình khởi sự kinh doanh của chị em, chúng tôi nhận thấy khó khăn chính mà chị em thường gặp là vấn đề tiếp cận vốn và rào cản chị em không dễ vượt qua đó là vấn đề tâm lý.

Trong tiếp cận vốn, thực tế cho thấy nhiều chị em, đặc biệt là chị em có thu nhập thấp sinh sống ở khu vực nông thôn khi có ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp thì không dễ dàng được tin tưởng để trao tài sản của gia đình phục vụ cho việc thế chấp vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Mặc dù là “tay hòm chìa khóa” nhưng họ thường chỉ được quản lý các khoản chi tiêu nhỏ, không được làm chủ các tài sản có giá và bản thân họ cũng không được quyền quyết định sử dụng các tài sản đó cho mục đích khởi nghiệp. Bởi vậy, khi đi vay, đặc biệt ở các nơi yêu cầu tài sản thế chấp thì họ khó đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Về tâm lý, nhiều chị em mặc dù có mong muốn được khởi nghiệp nhưng lại thiếu tự tin vào bản thân và chưa dám thể hiện hết mình. Đôi khi chị em cũng bị chi phối bởi những quan niệm cố hữu về việc phụ nữ thì nên chăm lo cho gia đình nhiều hơn là việc làm kinh tế, hoặc có thể cho rằng việc làm kinh tế là trách nhiệm của nam giới. Bởi vậy, mặc dù có nhiều cơ hội đến với chị em , nhưng chị em lại không nắm bắt được do chưa vượt qua được tâm lý đó.

Những năm gần đây, chúng ta có thể thấy, dần dần xã hội đã có những tư duy cởi mở hơn về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, khởi nghiệp và bản thân các chị cũng tự nhìn nhận được giá trị của mình đồng thời được xã hội khích lệ, nên rào cản đó đã được phần nào vượt qua và nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công, khẳng dịnh được vai trò của mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 3

Nói đến tài chính vi mô là nói đến việc cung cấp những món vay nhỏ, không cần tài sản thế chấp và việc hoàn trả được chia đều ra trả dần cả gốc và lãi… Liệu chúng ta có thể thống kê được đã có bao nhiêu phụ nữ đã thành công, vươn lên từ những đồng vốn vi mô của TYM hay không, thưa bà?

Trong 30 năm qua, đã có hàng triệu món vốn mà TYM hỗ trợ cho phụ nữ và rất nhiều trong số đó là từ thời điểm cơ hội tiếp cận vốn của chị em còn vô cùng khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ của TYM đạt hơn 2.000 tỷ đồng với gần 180.000 thành viên, khách hàng. Đã có hàng trăm nghìn phụ nữ thoát nghèo và hàng ngàn chị em trở thành doanh nhân vi mô. Trong đó có 93 chị được trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam, 7 chị đạt giải thưởng trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 4

Khởi nghiệp trong điều kiện hiện nay, theo bà, ngoài vốn vay, thì phụ nữ còn cần trợ giúp những gì?

Trong khởi nghiệp, vốn là điều kiện quan trọng nhưng không phải là điều kiện duy nhất để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Theo tôi, ngoài vốn, chị em rất cần được hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng để nâng cao năng lực. Ở TYM, chúng tôi nhận thấy điều đó rất rõ. Có nhiều chị em, khi bắt đầu vay vốn còn chưa biết sử dụng đồng vốn như thế nào, chưa biết xây dựng kế hoạch kinh doanh và quản lý chi tiêu ra sao, dẫn đến lúng túng khi bắt đầu. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của TYM trong việc đào tạo nâng cao năng lực, tổ chức cho chị em tham quan thực tế và chia sẻ kinh nghiệm, chị em từng bước biết lên kế hoạch kinh doanh, quản lý chi tiêu, sử dụng đồng vốn tạo ra thu nhập và tích luỹ, từ đó mở rộng thêm qui mô sản xuất kinh doanh và tiếp tục tiếp cận với những vòng vốn lớn hơn.

Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội đang trở thành xu hướng tất yếu. Nắm bắt được xu thế này, trong thời gian vừa qua, TYM đã trực tiếp tổ chức đào tạo về công nghệ số cho gần 65.000 phụ nữ và người thân, đồng thời phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo nội dung này cho gần 17.000 thành viên, giúp trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ số để chị em có thể tham gia vào nền kinh tế số và tìm kiếm cơ hội trong kinh doanh, khởi nghiệp.

Đại dịch Covid–19 đã làm thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động kinh doanh mà công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi đó. Vì vậy, chị em cần tiếp tục được hỗ trợ nâng cao kỹ năng về công nghệ số để có thể nắm bắt được các cơ hội do công nghệ số mang lại và vững tin tiếp bước trên con đường khởi nghiệp của mình. 

Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 5

Với riêng bà, vừa là một phụ nữ của gia đình lại vừa đảm nhận những công việc bận rộn của xã hội, bằng cách nào bà có thể tròn vai được như vậy?

Có lẽ tôi cũng chưa dám nhận mình đã tròn cả hai vai, vì làm tròn cả hai vai đối với cả phụ nữ hay nam giới đều không hề dễ dàng. Với cá nhân mình, tôi cho rằng, việc sắp xếp công việc khoa học, làm việc với trách nhiệm cao nhất, đồng thời biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những yếu tố cần thiết để có thể hoàn thành được hai vai, nhất là những thời điểm cả gia đình và tổ chức đều có những áp lực.

Bên cạnh đó, biết huy động sự tham gia, sẻ chia của các thành viên trong gia đình cũng như biết phát huy, khích lệ, động viên cán bộ trong tổ chức chung tay cùng với mình giải quyết công việc là những yếu tố hết sức quan trọng để mình hoàn thành cả việc gia đình và việc cơ quan.

Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 6

Là một phụ nữ đang làm công việc kết nối, hỗ trợ những người phụ nữ khác, đức tính cần có nhất là gì, thưa bà?

Làm việc kết nối, hỗ trợ chị em, nhất là đối với chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ thu nhập thấp cần nhiều đức tính, trong đó đức tính rất quan trọng là sự tận tâm và chia sẻ, tôi nghĩ là như vậy. Ở TYM, một trong 3 giá trị cốt lõi làm nên TYM và được TYM vun đắp trong nhiều năm qua là sự “ tận tâm”. Bất kỳ cán bộ nào của TYM khi xác định gắn bó với TYM, cũng cần đức tính đó.

Trong tương lai gần, cá nhân bà nói riêng và TYM nói chung có những dự định gì để tiếp tục “truyền lửa” cho chị em phụ nữ khắp mọi miền nước Việt?

Thông điệp của TYM trong suốt 30 năm qua chính là “Bậc thang đi lên của phụ nữ”, vì vậy “Thoát nghèo – Khởi nghiệp – Làm giàu” chính là từng bậc thang mà chúng tôi hướng tới để hỗ trợ chị em vươn lên từng bước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đa dạng trong công tác hỗ trợ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng nhóm chị em phụ nữ.

Cụ thể năm 2022, TYM sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm hỗ trợ thành viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thành viên có dự án tạo việc làm cho cộng đồng, thành viên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bên cạnh các sản phẩm truyền thống của TYM. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số ứng dụng công nghệ vào quy trình nghiệp vụ để có thể cải tiến chất lượng phục vụ chị em. Bên cạnh đó, TYM phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội phụ nữ tại các địa bàn có TYM hoạt động để tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ mọi mặt để chị em có thêm kiến thức, kỹ năng, tự tin tham gia vào mọi mặt đời sống xã hội.

Ghép từng nấc thang giúp phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 7

VnEconomy 08/03/2022 11:00