Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3. Việc mở cửa này đem đến những cơ hội nào cho ngành du lịch trong thời gian tới, thưa ông?
Đây là cơ hội lớn cho sự trở lại của ngành du lịch sau giai đoạn bị “nén chặt”. Trong 2 năm phải chống chọi với dịch Covid-19, doanh nghiệp hàng không và du lịch… là những doanh nghiệp đầu tiên bị ảnh hưởng và cũng là những doanh nghiệp bị “tàn phá” nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Mặc dù, đã từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách nhưng mở cửa thị trường nội địa vẫn chưa đủ sức vực dậy các doanh nghiệp du lịch và hàng không. Chỉ khi mở cửa thị trường quốc tế mới thực sự tạo được cơ hội và sức bật cho ngành du lịch và hàng không phục hồi.
Dù vậy, đây mới là giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Để quay lại tốc độ tăng trưởng như năm 2019 và các năm trước đại dịch, Việt Nam cần thêm từ 1-2 năm nữa nhưng với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát và các chính sách phát triển ngành du lịch được đưa ra đúng hướng và bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.
Hơn nữa, trong bối cảnh một số nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Singapore… đã mở cửa, nếu Việt Nam vẫn lưỡng lự, không nhanh chân mở cửa thị trường, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội cạnh tranh. Khi đó, du lịch và hàng không thậm chí còn cần nhiều thời gian hơn nữa (3-4 năm) để phục hồi và dần trở về mức trước đại dịch.
Một khảo sát được TAB thực hiện tại thị trường Singapore cho thấy, có tới 90% khách du lịch của quốc đảo này sẵn sàng quay lại nếu Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế. Đây là những tín hiệu thị trường rất tốt cho ngành du lịch nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Mới đây nhất, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, TAB đã có cuộc làm việc với các đối tác tại Anh quốc. Kết quả cho thấy, du khách Anh mong muốn đi du lịch trở lại ngay khi Việt Nam mở lại du lịch quốc tế.
Do vậy, cho phép mở lại chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2 cũng như tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3 chính là những tín hiệu đầu tiên ra thế giới của Việt Nam về quyết tâm mở cửa trở lại. Đây sẽ là cơ hội lớn để ngành du lịch Việt Nam có thể bật tăng một cách nhanh chóng sau giai đoạn dài bị tàn phá bởi Covid-19.
Đặc biệt, không chỉ khách quốc tế có nhu cầu vào Việt Nam, mà ngay cả người Việt Nam cũng có nhu cầu ra quốc tế. Vì vậy, việc mở cửa thị trường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đi công tác và du lịch tới những quốc gia khác trên thế giới.
Sau thời gian 2 năm phải dừng hoạt động, theo ông, các doanh nghiệp du lịch phải chuẩn bị những gì để đón khách trở lại?
Sau quãng thời gian tạm dừng hoạt động, không riêng doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý cũng phải đối mặt với nhiều áp lực và thách thức để hoạt động trở lại.
Đó là: cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành chính sách xúc tiến, quảng bá, hướng dẫn cụ thể đối với từng thị trường khác nhau; các địa phương, điểm du lịch cần chuẩn bị để đón khách trong điều kiện tốt nhất và an toàn nhất…
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có nghiên cứu nào về nhu cầu và xu hướng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu được các tổ chức quốc tế công bố gần đây cho thấy xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19 đã có sự thay đổi rõ rệt.
Một khảo sát về xu hướng du lịch của du khách Anh sau đại dịch cho thấy, du khách Anh có nhu cầu du lịch quốc tế dài ngày hơn, ít di chuyển hơn và có xu hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè hay gia đình.
Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu những thay đổi này để việc mở cửa thực sự hiệu quả. Bởi chỉ khi hiểu được những thay đổi của nhu cầu của khách hàng sau Covid-19, chúng ta mới có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thị trường.
Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn khó khăn và lúng túng trong việc tìm hiểu nhu cầu của các thị trường trọng điểm. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan chuyên trách cần vào cuộc để đưa ra những thông tin hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại trước tình trạng thiếu hụt nhân lực sau giai đoạn phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19 khi nhiều nhân viên đã rời bỏ và chuyển ngành. Do vậy, dịch vụ sẽ khó đảm bảo chất lượng phục vụ khi nhân lực chưa đủ và chưa được đào tạo bài bản, nhất là trong bối cảnh nhiều kỹ năng mới cần được bổ sung (như: kỹ năng phòng dịch, hướng dẫn chống dịch cho khách hàng, sử dụng các công nghệ mới phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp...).
Đáng tiếc, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy một kế hoạch tổng thể hỗ trợ cho doanh nghiệp được triển khai. Với nguồn lực tài chính khó khăn, nhân lực chưa đủ, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách để quay trở lại “đường đua” du lịch.
Vậy theo ông, doanh nghiệp du lịch hiện nay cần được hỗ trợ những gì để có thể nhanh chóng trở lại “đường đua” du lịch một cách hiệu quả?
Như tôi đã chia sẻ, những vấn đề nêu trên chỉ mang tính “bốc thuốc” dựa trên những nhận định định tính ban đầu. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý nhà nước cần có những nghiên cứu tổng thể để xác định đâu là điểm yếu của du lịch sau đại dịch. Theo đó, cần điều chỉnh thế nào để thích ứng và phù hợp với bối cảnh mới, các bước đi cụ thể sẽ ra sao,… từ đó xây dựng những văn bản hướng dẫn rõ ràng, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả để vượt qua những khó khăn ban đầu.
Sau nhiều lần “tắt, bật” nền kinh tế, Nhà nước cần có một thông điệp rõ ràng về chính sách giúp doanh nghiệp biết chắc họ cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dịch dịch bệnh và kinh doanh an toàn. Các doanh nghiệp cần “cần câu” chứ không phải “con cá”.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng, vì vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, Chính phủ cần định hướng thông tin minh bạch, chính xác và thống nhất.
Chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số nên các văn bản hướng dẫn thực thi cần được đăng tải trên một cổng thông tin quốc gia để tránh tạo ra những cách hiểu không thống nhất giữa các đơn vị thực thi, từ đó gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc công bố thông tin chính thống cũng sẽ giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm và nắm bắt thông tin để lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn sau đại dịch.
VnEconomy 23/02/2022 16:00