Giá urê sẽ hạ nhiệt, lợi nhuận doanh nghiệp phân bón dự báo giảm mạnh năm 2022
Xuất khẩu urê của các nước sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022, do đó giá urê sẽ hạ nhiệt khi lượng cung ra thị trường nhiều hơn...
Thống kê từ SSI Research cho thấy, cổ phiếu ngành phân bón tăng 190%, cao hơn nhiều so với mức tăng 34% của chỉ số VN-Index. Các cổ phiếu đáng chú nhất bao gồm DPM tăng 212% so với đầu năm, DCM tăng 179% so với đầu năm, LAS tăng 194% so với đầu năm và BFC tăng 105% so với đầu năm.
Giá urê thế giới tăng trung bình khoảng 94% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Phân bón Quốc tế, nhu cầu phân bón cho năm 2020/2021 tăng 5,2% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010/2011. Nhu cầu tăng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng của giá cây trồng thế giới, như ngô (+39%), đường (+39%), đậu nành (+44%), bông (+46%) và lúa mì (+28%). Đi ngược xu hướng này là gạo (-2%).
Mặc dù nhu cầu tăng trưởng đáng khích lệ, song các yếu tố nguồn cung sau đây sẽ giải thích cho việc tăng giá urê. Thứ nhất là chi phí nguyên vật liệu tăng gồm than và khí tự nhiên. Do thiếu hụt, khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng 329% so với cùng kỳ, trong khi giá than tăng 61-127% so với cùng kỳ tùy nơi xuất xứ, làm tăng chi phí sản xuất cho các công ty sản xuất urê, và họ phải chuyển sang cho người mua với một mức giá cao hơn. Mặc dù sau đó Trung Quốc đã áp dụng mức trần đối với giá than trong tháng 11/2021, nhưng điều này vẫn chưa giải quyết được vấn đề thiếu than và giá urê vẫn tăng trong cuối năm 2021.
Thứ hai, Trung Quốc quyết định cắt giảm sản lượng phân bón urê và phốt phát mạnh hơn trước đây từ tháng 9/2021 để đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường và tiết kiệm than cho ngành điện trong thời gian mùa Đông. Trung Quốc và Nga vốn chiếm 11% và 16% tổng sản lượng xuất khẩu urê toàn cầu trong năm 2019 hạn chế xuất khẩu để đảm bảo cung cấp đủ cho tiêu dùng nội địa, do đó gây ra sự thiếu hụt đáng kể đối với thương mại toàn cầu.
Thứ ba, chi phí vận chuyển tăng gián tiếp khiến giá urê tăng. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào than nhập khẩu. Do đó, Trung Quốc phải chịu chi phí vận chuyển cao và chuyển cho khách hàng với giá than cao hơn. Vấn đề này càng trở nên khó khăn hơn khi Trung Quốc chuyển từ mua than của Úc sang mua than của Mỹ/Nga/các nước khác, khoảng cách xa khiến chi phí vận chuyển tăng lên.
Nguồn cung urê tại Việt Nam đi ngang trong 11T2021. Mặc dù có công suất dư thừa (công suất hoạt động đạt 85%), các công ty sản xuất urê Việt Nam không thể hoạt động hết công suất để hưởng lợi từ giá urê cao. DPM tiến hành bảo trì trong tháng 4, trong khi DCM cũng bảo trì trong tháng 11, do đó sản lượng sản xuất giảm 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhà máy Hà Bắc và Ninh Bình tăng 22% sản lượng sản xuất, nhưng không thể chạy hết công suất do xảy ra nhiều vấn đề kỹ thuật trong suốt cả năm. Với việc nguồn cung trong nước ít bị ảnh hưởng, giá urê trong nước theo sát xu hướng tăng giá urê thế giới.
Đánh giá về triển vọng năm 2022, theo SSI Research, giá urê toàn cầu có thể vẫn ở mức cao trong suốt mùa Đông, khi tình trạng thiếu than ở Trung Quốc và việc thiếu khí đốt ở châu Âu như hiện nay vẫn gây khó khăn cho việc tăng sản lượng sản xuất.
Do đó, giá urê có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ, trong khi nửa cuối năm 2022 có thể giảm từ mức cao trong nửa cuối năm 2021 do các vấn đề thiếu than và khí đốt dần được giải quyết.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc ngừng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ kéo dài đến ngày 22/6/2022. Trong khi đó, hạn ngạch xuất khẩu của Nga được áp dụng từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022. Do đó, xuất khẩu urê của các nước này sẽ được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022, do đó giá urê sẽ hạ nhiệt khi lượng cung ra thị trường nhiều hơn.
Lợi nhuận của DPM và DCM nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong Q4/2021, sau đó giảm dần. SSI ước tính lợi nhuận ròng của DPM sẽ giảm 21% so với năm 2021, đạt 2.341 tỷ đồng; còn DCM sẽ giảm 13% đạt 1.578 tỷ đồng. Giá mục tiêu cho DPM là 44.200 đồng/cổ phiếu và DCM là 32.900 đồng/cổ phiếu.