Đang ở vùng đỉnh lịch sử nhưng cổ phiếu phân bón vẫn còn dư địa tăng?
Giá cổ phiếu sản xuất phân bón đã bứt phá suốt thời gian qua, nhưng giá phân bón vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đã đặt ra dấu hỏi cho nhiều nhà đầu tư liệu rằng liệu nhóm cổ phiếu nhóm này vẫn còn sóng?
Cùng với dầu khí, cổ phiếu phân bón trong tuần qua đã làm mưa làm gió thị trường với hầu hết các mã đều tăng trưởng tích cực. Trong tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 21,7%; DPM tăng 22%, LAS tăng 12%, BFC tăng 20%, SFG tăng 18%, VÀ và NFC cũng kịch trần phiên cuối tuần 1/10.
GIÁ PHÂN BÓN SẼ Ở NỀN CAO CHO HẾT 2022
Giá cổ phiếu phân bón tăng cao dựa trền nền thông tin tích cực về giá phân bón và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp. Cập nhật cho thấy, tới tháng 9/2021, giá tất cả các loại phân bón đều đã tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020, trong đó giá phân DAP tăng 125%, giá phân Urea tăng 121%, giá phân lân tăng 130%.
Đây là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp phân bón có kết quả kinh doanh rất tốt trong 6 tháng đầu năm. Nổi bật như Đạm Phú Mỹ với lợi nhuận sau thuế Quý 2/2021 đạt 684 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, DCM với lợi nhuận sau thuế 6T/2021 đạt 434 tỷ đồng, đã đạt 117% kế hoạch cả năm, Phân bón Bình Điền (BFC) với lợi nhuận sau thuế 6T/2021 đạt 113 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Tại DPM, mới đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, 9 tháng đã qua, DPM đã cơ bản vượt tất cả các chỉ tiêu đề ra: Sản xuất kinh doanh vượt kế hoạch góp phần đáp ứng đủ nhu cầu phân bón trong nước, các dự án mới sau khi đưa vào hoạt động tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế góp phần đa dạng hóa sản phẩm.
Nhận định về xu hướng giá phân bón cuối năm 2021 và 2022, Chứng khoán Agriseco cho rằng, giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao và nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch Covid 19 để đảm bảo an ninh lương thực.
Trong sản xuất phân đạm, khí thiên nhiên và than là 2 nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu. Với khí thiên nhiên, đà tăng sẽ tiếp diễn vào khi mùa đông tới, các nước có nhu cầu tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh lượng dự trữ khí đang sụt giảm. Theo cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), dự trữ tính đến ngày 13/8 ở mức 2.776 Bcf, thấp hơn khoảng 17% so với cùng kỳ.
Với than, Trung Quốc hiện nay đang là nhà sản xuất và xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Với cam kết về biến đổi khí hậu, Trung Quốc có những kế hoạch để cắt giảm sản lượng khai thác và sản xuất than. Điều này có thể khiến giá than duy trì ở mức cao bởi nỗi lo không đáp ứng được nhu cầu tăng lên khi nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau đại dịch.
Hơn nữa, Trung Quốc đã có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, điều này đã làm cho giá phân bón tiếp tục tăng cao, tuy nhiên có thể yếu tố này chỉ duy trì trong ngắn hạn đến khi cung cầu trở nên bình ổn.
Đây cũng là một tin mừng cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam khi mà Trung Quốc luôn chiếm trên 40% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Những nhà sản xuất nội địa như DPM, DCM hay BFC có thể cải thiện được thị phần trong nước và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới.
Còn theo ghi nhận của VnEconomy, sau khi Công ty Apatit Lào cai tuyên bố không thể cung cấp được quặng apatit cho sản xuất DAP và Lân thì nhà máy DAP Lào Cai đã tuyên bố phải ngừng sản xuất còn DAP Đình Vũ tuyên bố chỉ có thể cầm cự sản xuất được hết tháng 9/2021. Ngay sau tuyên bố của DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ thì giá DAP của hai nhà máy này tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng từ mức 14.300.000 đồng/tấn lên mức 15.500.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, dù chấp nhận mức giá cao này nhưng nhiều đại lý không tìm được nguồn hàng để mua.
Trước tình hình thế giới và trong nước có thể nhận thấy giá phân bón trong nước sẽ thiết lập mức giá kỷ lục mới từ tháng 10/2021.
CỔ PHIẾU PHÂN BÓN TĂNG ĐẾN BAO GIỜ?
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh, ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021.
Triển vọng của ngành bao gồm nhu cầu tăng cao, phục hồi sản xuất nông nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đặc biệt khi bước vào vụ lúa Đông Xuân.
Kỳ vọng chính sách thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Nội dung sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón (dự kiến 5%) đã được tổng hợp trong dự thảo luật thuế giá trị gia tăng. Khi dự thảo được thông, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế VAT đầu vào, giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân Urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn.
Chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.
Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng.
Agriseco Research lựa chọn một số cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ chính sách cũng như đà tăng giá của phân bón như DCM, DPM. Đây sẽ là những cơ hội tích lũy cổ phiếu tại các nhịp giảm điểm của thị trường và kỳ vọng tăng giá trong 3 - 6 tháng tới.
Tuy vậy, rủi ro của ngành là giá phân bón tăng mạnh có thể ảnh hưởng tới các hộ nông dân và ngành nông nghiệp nói chung, có thể sẽ có những biện pháp nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường.
Một trong những đầu ra rất quan trọng với phân bón ở thị trường Việt Nam là sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên thì giá gạo sau đà tăng kể từ năm 2020 lại có sự sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm, điều này có thể tác động tiêu cực lên nhu cầu phân bón.
Về dài hạn, FAO dự báo rằng nhu cầu chỉ tăng trưởng với CAGR là 1% trong giai đoạn 2022-2026. Diện tích đất nông nghiệp cũng đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm, xu thế phân hữu cơ, phân vi sinh có lợi cho môi trường sẽ ngày càng phổ biến