07:00 27/01/2024

Giá xây dựng tại Tokyo đắt nhất Châu Á – Thái Bình Dương

Ban Mai

Tokyo (Nhật Bản) đã “vượt mặt” Sydney Úc) trở thành thành phố đắt đỏ nhất để thi công thiết kế mặt bằng với 2.071 USD/m2…

Tokyo, Nhật Bản.
Tokyo, Nhật Bản.

Theo đơn vị tư vấn bất động sản JLL, chi phí trung bình cho thi công thiết kế mặt bằng trên toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với chi phí hoàn thiện trung bình trên mỗi m2 tăng lên mức 1.161 USD, từ mức 1.159 USD của năm ngoái.

Sau khi mất vị trí vào tay Sydney trong bảng xếp hạng năm ngoái, Tokyo đã lấy lại vị trí này và trở thành thành phố đắt đỏ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chi phí thi công thiết kế mặt bằng ở mức 2.071 USD/m2.

JLL cho rằng, chi phí để thi công thiết kế mặt bằng ở Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục tăng, phản ánh tình trạng lạm phát đang diễn ra, giá hàng hóa cao hơn và chi phí xây dựng tăng.

“Áp lực lạm phát đang tác động đến các quy trình kinh doanh của dự án, tuy nhiên mặc cho giá xây dựng tính theo đồng Yên Nhật tăng 20%, niềm tin vào thị trường Tokyo vẫn được duy trì vì xu hướng dịch chuyển đầu tư theo chất lượng vẫn được quan tâm”, JLL nhấn mạnh.

Giá chi phí tại Sydney (Úc) đứng thứ 2 (sau Tokyo), đang ở mức 1.929 USD, tiếp đó là các thị trường đắt đỏ nhất ở Úc gồm: Canberra (1.926 USD), Adelaide (1.897 USD) và Melbourne (1.868 USD). Các thị trường này tiếp tục cho thấy giá xây dựng tăng, nhưng mức lạm phát cao trước đó đã giảm dần theo dự báo.

Trong khi giá xây dựng tổng thể ở cấp khu vực đã tăng 0,5% (tính bằng USD) so với cùng kỳ năm trước, nếu tính bằng đồng nội tệ, hầu hết các thị trường cũng báo cáo mức tăng của chi phí xây dựng.

Tuy nhiên, riêng thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam giá xây dựng phần lớn không thay đổi do niềm tin của khách hàng suy yếu, khiến tình trạng cạnh tranh công việc ở những quốc gia này ngày càng gia tăng.

Theo Giám đốc điều hành, Dịch vụ Phát triển Dự án, JLL Châu Á Thái Bình Dương Martin Hinge, trong tương lai, các yếu tố như quy trình sản xuất hàng hóa, chi phí năng lượng và tăng lương sẽ tiếp tục tác động đến việc định giá và dẫn đến sự chậm trễ đối với một số công trình.

“Chúng tôi cũng nhận thấy sự biến động đáng kể về tỷ giá hối đoái trong 12 tháng qua, trong một số trường hợp làm giảm giá đấu thầu bằng nội tệ, dẫn đến tình trạng khó lường đối với một số mặt hàng nhập khẩu vào Châu Á Thái Bình Dương”, Martin Hinge cho biết.

Về chuỗi cung ứng, 2/3 số công ty dẫn đầu thị trường Châu Á Thái Bình Dương cho biết vẫn đang gặp khó khăn trong giao dịch cơ khí và điện (M&E), âm thanh hình ảnh (AV) và bảo mật.

Trong số các yếu tố khác, các dự án thi công thiết kế mặt bằng bền vững đang trở nên nổi bật như sáng kiến khử cacbon tại nơi làm việc. Trong một cuộc khảo sát với 240 nhà lãnh đạo trên khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cứ 2 người thì có 1 người cho rằng việc thi công thiết kế mặt bằng bền vững là yếu tố ưu tiên trong vòng 3 năm tới.

Mặc dù các cam kết ESG là động lực chính của các dự án thi công thiết kế mặt bằng bền vững, vấn đề tiết kiệm chi phí trong dài hạn có thể bù đắp chi phí chi tiêu vốn trả trước (CAPEX). Vật liệu hoặc thiết bị bền vững có thể đắt hơn khi đầu tư ban đầu, nhưng những vật liệu tiết kiệm năng lượng tốt hơn, cũng như có tuổi thọ dài hơn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền về lâu dài.

 

Bất động sản Nhật hút vốn ngoại vì đồng Yên rẻ

Ở một diễn biến khác, dù chi phí xây dựng tại Tokyo, Nhật Bản, đang đắt nhất Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng nhờ đồng Yên suy yếu đã tăng sức hút của thị trường này.

Vào ngày 03/10/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giữ lãi suất chuẩn ở mức âm 0,1%, khiến đồng Yên thấp hơn 11% so với đồng USD kể từ đầu năm này.

Ông Henry Chin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại CBRE, cho rằng đây là thời điểm “vàng” cho bất động sản Nhật. Nhật Bản đang có lợi thế với chính sách tiền tệ nới lỏng trong khi các nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phải thắt chặt. Theo dữ liệu của CBRE, tổng đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Nhật Bản đã tăng 45% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Còn theo JLL, thị trường bất động sản Nhật là một trong những thị trường sôi nổi nhất trên thế giới trong năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng chi tiêu cho thị trường này lên 2 tỷ USD trong quý đầu năm 2023, gấp đôi so với cả năm 2022.